(KTSG Online) - Trong hai năm qua, các tập đoàn Nhật Bản thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm và tung ra nhiều sản phẩm mới tại Đông Nam Á và một trong những mục tiêu được các tập đoàn này hướng đến là Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN. Về phần mình, chính phủ nước này cũng đã có những quy định để bảo vệ người tiêu dùng trước các sản phẩm tài chính mới này.
- Tiếp tục rà soát biện pháp chống bán phá giá bột ngọt từ Trung Quốc, Indonesia
- Indonesia lo ngại trước hiện tượng cổ phiếu ‘chiên ngập dầu’ tăng giá hơn 1.000%
Tấp nập các thương vụ
Thời gian qua, các tập đoàn tài chính Nhật Bản đang đẩy mạnh khai thác tăng trưởng tiêu dùng ở các thị trường mới nổi như ASEAN nhằm bù đắp những “khó khăn” ở thị trường trong nước. Đơn cử, thời gian tới, Tập đoàn tài chính tiêu dùng Orico đang chuẩn bị ra mắt bộ phận kinh doanh thẻ tín dụng tại Indonesia. Theo đó, Orico sẽ đầu tư vào Honest Financial Technologies International. Vào đầu năm nay, startup công nghệ tài chính (fintech), đã tung ra sản phẩm thẻ tín dụng ảo tại Indonesia. Đây là lý do để Honest Financial Technologies International nhận được khoản đầu tư từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Orico không tiết lộ quy mô đầu tư.
Orico còn được biết đến là Orient Corp. một tập đoàn về dịch vụ tài chính thành lập vào năm 1954 tại Hiroshima, Nhật Bản. Còn Honest Financial được thành lập vào năm 2009. Thông qua mạng lưới của Honest Financial, Orico sẽ phát hành thẻ tín dụng ảo sử dụng trên smartphone ở Indonesia trong năm nay, bên cạnh thẻ nhựa theo yêu cầu của khách hàng. Orico sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thẩm định lịch sử tín dụng và xác định nhân thân của khách hàng qua trò chuyện video. Trong vòng ba phút, khách sẽ được cấp thẻ không tính phí thường niên. Dịch vụ thanh toán bằng mã QR cũng được liên kết với thẻ ảo và thẻ nhựa.
Indonesia là thị trường xe hơi và xe máy lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2022, doanh số bán xe hơi của quốc gia này là 1,04 triệu chiếc, tăng 18%, còn số lượng xe máy bán ra đạt 5,05 triệu chiếc, tăng 3% so với năm 2021. Nhu cầu cấp vốn cho các công ty tài chính xe hơi, xe máy và người tiêu dùng Indonesia luôn có tiềm năng tăng trưởng cao, đây là lý do để các tập đoàn Nhật Bản muốn xâm nhập thị trường đông dân nhất ASEAN và đứng thứ 4 thế giới này.
Bằng chứng, ngày 26-6, Reuters đưa tin, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) sẽ chi ra 7.000 tỉ rupiah (465 triệu đô la Mỹ) để mua mua lại hãng cho vay tiền mua xe hơi Mandala Finance của Indonesia.
Mandala Finance hiện đứng đầu về thị trường tài chính xe hơi và xe máy ở Indonesia. Ở mảng xe máy, Mandala đạt doanh thu 125 triệu đô la trong năm 2022. Công ty cũng áp dụng chính sách linh hoạt, đó là xem xe máy là tài sản thế chấp để cung cấp các khoản vay mua đồ nội thất và thiết bị gia dụng.
Ở mảng xe hơi, Mandala Finance tăng cường các đại lý bán hàng thông qua một ứng dụng độc quyền. Số dư các khoản vay mua xe hơi do Mandala và đối tác Adira cung cấp hiện đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ. Mandala cũng giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp do quản lý tín dụng vững chắc.
MUFG sẽ thực hiện thương vụ M&A này cùng với PT Adira Dinamika Multi Finance, hãng tài chính xe hơi trực thuộc ngân hàng Bank Danamon cũng là hãng con của MUFG tại Indonesia. Cả hai sẽ mua lại 80% cổ phiếu đang lưu hành của Mandala Finance vào đầu năm 2024, sau đó mua hết phần còn lại.
Bảo vệ người tiêu dùng là trên hết
Trước làn sóng cho vay tài chính tiêu dùng, từ năm 2012, Chính phủ Indonesia đã cho thành lập Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia (OJK). Mục đích của OJK là liên tục cập nhật các quy định mới nhằm bảo vệ lợi ích công chúng và người tiêu dùng trong bối cảnh ngành công nghệ tài chính kỹ thuật số có những phát triển không ngừng. Chẳng hạn, OJK đưa ra các thỏa thuận nhằm bảo vệ người cho vay và người đi vay trên các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending) vào năm 2016.
Năm 2022, Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) đã ban hành Quy định bảo vệ người tiêu dùng và công chúng trong lĩnh vực tài chính (POJK). Tuy quy định này có hiệu lực từ tháng 4-2022, nhưng các tổ chức tài chính vi mô được miễn trong năm năm kể từ ngày có hiệu lực.
Các quy định của OJK trước đây thường hướng tới việc giảm thiểu rủi ro tài chính thay vì tăng cường bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng OJK hiện đang chú ý nhiều hơn đến việc bảo vệ người tiêu dùng, cũng như giám sát chặt sự phát triển của fintech và tài chính kỹ thuật số.
Quy định POJK mới ban hành cung cấp khung pháp lý toàn diện để bảo vệ người tiêu dùng bằng cách tính đến vòng đời của các sản phẩm tài chính, bao gồm thiết kế, cung cấp và phân phối thông tin, tiếp thị, soạn thảo thỏa thuận, cung cấp dịch vụ tài chính và tuân thủ các thỏa thuận.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia yêu cầu các tổ chức tài chính phải cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm và xác nhận rằng khách hàng được thông báo đầy đủ về sản phẩm. Hồ sơ các thông tin này sẽ có giá trị quan trọng như là bằng chứng trong các tranh chấp pháp lý, trong trường hợp có xảy ra kiện tụng. Bên cạnh đó, OJK có thẩm quyền để kiện các tổ chức tài chính và ngân hàng có liên quan khi cho vay tài chính tiêu dùng.
Theo luật sư Raissa Richka Jonah thuộc hãng luật Walalangi & Partners (Indonesia), các vụ kiện chỉ có thể được tiến hành theo quyết định của OJK chứ không phải theo yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi họ tìm kiếm các khoản bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà họ gánh chịu…
Theo Nikkei Asia, Reuters, East Asia Forum