Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các thương hiệu đua giảm giá để thích ứng nhu cầu tiệt kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá bán lẻ trung bình của các mặt hàng phổ biến như bàn chải đánh răng, sữa công thức cho trẻ em và mỹ phẩm ở Trung Quốc đang giảm khi các doanh nghiệp hàng tiêu dùng tìm cách thích ứng với xu hướng mua sắm tiết kiệm của người dân.

Khách hàng xem mỹ phẩm tại một cửa hàng miễn thuế ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Giá các mặt hàng mỹ phẩm ở Trung Quốc giảm trung bình gần 5% vào đầu năm nay. Ảnh: China Daily

Chuộng hàng giá rẻ

Người tiêu dùng Trung Quốc đang tính toán hơn khi mua các vật dụng hàng ngày từ bàn chải đánh răng đến dầu gội đầu, một xu hướng đáng lo ngại khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng thoát khỏi tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19.

Đà phục hồi doanh số bán lẻ rộng lớn hơn ở Trung Quốc trong năm nay đã che khuất phần nào tình trạng dè sẻn chi tiêu của người tiêu dùng. Các nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân là do người tiêu dùng bi quan về triển vọng kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc gần đây đã chậm lại khi xung lực phục hồi kinh tế suy yếu.

Bắc Kinh đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế bằng cách khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn sau khi họ cắt giảm mua sắm trong ba năm đại dịch Covid-19.

Kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ chiến lược ‘zero Covid’ hồi đầu năm, người dân Trung Quốc đã nối lại các hoạt động du lịch, giải trí và ăn uống ở nhà hàng. Nhưng đối với các khoản chi tiêu cho nhu yếu phẩm hàng ngày, người dân tiếp tục thói quen thắt lưng buộc bụng hình thành trong thời kỳ đại dịch.

Các thương hiệu hàng tiêu dùng gia đình đang chịu tổn thương vì xu hướng này, theo nhận định từ một báo cáo nghiên cứu chung của Kantar Worldpanel và Bain & Co.

Báo cáo chỉ ra, giá các mặt hàng mỹ phẩm ở Trung Quốc giảm trung bình gần 5% vào đầu năm nay. Estée Lauder (Mỹ), tập đoàn sở hữu một số thương hiệu mỹ phẩm cao cấp, gần đây báo cáo doanh số bán hàng của phân khúc trang điểm ở Trung Quốc đại lục giảm sút.

Người mua sắm ở Trung Quốc đang ngày càng chuộng hàng giá rẻ bán trên nền tảng thương mại điện tử của PDD, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba Trung Quốc. Nền tảng này nổi tiếng với các ‘deal’ giá hời và phiên bản rẻ hơn của các mặt hàng được bán trên các nền tảng của hai đối thủ JD.com và Alibaba.

Doanh số của PDD đã tăng 58% trong quí đầu tiên của năm 2023, trong khi hai đối thủ lớn hơn của nó công bố mức tăng doanh số ở mức một con số. Để thúc đẩy doanh số bán hàng, JD.com đã điều chỉnh chiến lược tiếp thị bằng cách thông báo cho người mua hàng rằng họ cũng cung cấp “giá thấp hàng ngày”. Thông báo nhấn mạnh sẽ đền bù cho mọi người nếu họ mua một số sản phẩm nhất định trên nền tảng của JD.com nhưng sau đó thấy chúng được bán với giá rẻ hơn trên các nền tảng đối thủ.

Xu hướng “hạ cấp tiêu dùng” của Trung Quốc hiện là chủ đề phổ biến trên các nền tảng truyền thông xã hội của nước này, với việc người dùng chia sẻ mẹo mua sắm và lối sống tiết kiệm hơn.

Người dùng Sarah Wu, 36 tuổi, đã đăng trên Xiaohongshu, một ứng dụng mua sắm và mạng xã hội, danh sách những món đồ mà cô dừng mua hoặc giảm mua kể từ thời kỳ đại dịch. Ngoài quần áo và giày dép, danh sách của Wu còn son môi (một là đủ), sữa, trà và các thức uống khác (không mua), đồ ăn nhẹ (ăn ít hoặc tránh), đồ ăn mang đi (không đặt hàng), nhu yếu phẩm hàng ngày (nên mua những mặt hàng rẻ tiền).

Trong một cuộc phỏng vấn, Wu cho biết cô có một khoản vay thế chấp phải trả nhưng không gặp bất kỳ căng thẳng tài chính nào. Nhưng cô cho biết cảm thấy áp lực khi chứng kiến sự suy yếu của nền kinh tế đất nước.

Wu, hiện đang làm việc tại một công ty internet ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, gần đây đã thêm khẩu trang, kem dưỡng da và ốp điện thoại vào danh sách cắt giảm mua sắm.

“Thói quen tiết kiệm tiền có thể gây nghiện. Khi đã tiết kiệm, bạn càng muốn tiết kiệm nhiều hơn nữa”, cô nói.

Tung ra sản phẩm giá rẻ hoặc giảm giá mạnh

Gần đây, Tập đoàn hàng tiêu dùng Colgate-Palmolive (Mỹ) cho biết nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc không tăng như mức mà công ty mong đợi.

“Trung Quốc vẫn đang chứng kiến một xu hướng tiêu dùng rất trầm lắng”, Mukul Deoras, Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Colgate-Palmolive, nói tại một hội nghị đầu tư.

Ông cho biết thêm, trong khi người dân Trung Quốc dành thời gian ở bên ngoài nhiều hơn, và các cửa hàng đang ghi nhận lượng người ghé vào tăng lên, mức tiêu thụ vẫn giảm.

Colgate bán các sản phẩm chăm sóc răng miệng dưới nhãn hiệu cùng tên cũng như nhãn hiệu giá rẻ Darlie ở Trung Quốc. Công ty ước tính, hơn 500 triệu người ở Trung Quốc sử dụng nhãn hiệu Darlie ít nhất mỗi năm một lần. Để phục vụ nhiều hơn cho những người tiêu dùng Trung Quốc dè sẻn chi tiêu, một số thương hiệu hàng tiêu dùng quốc tế đang giới thiệu các phiên bản sản phẩm rẻ hơn hoặc giảm giá.

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel và Bain & Co, hãng hàng điện tử tiêu dùng Philips của Hà Lan bắt đầu bán bàn chải đánh răng điện với giá khoảng 28 đô la. Trong khi dòng sản phẩm bàn chải đánh răng điện cao cấp mà hãng bán ở Trung Quốc thường có giá từ 112-280 đô la. Để so sánh, bàn chải đánh răng điện của Xiaomi, thương hiệu trong nước, có giá bán lẻ chỉ 3,64 đô la. Các nhà sản xuất sữa công thức cho trẻ em phương Tây, vốn đã chịu tác động do tỷ lệ sinh giảm ở Trung Quốc, cũng giảm giá mạnh. Tháng trước, một sản phẩm nổi tiếng của nhãn hiệu sữa bột trẻ em Aptamil, thuộc sở hữu của Tập đoàn thực phẩm Danone (Pháp) có giá niêm yết giảm 40% trên cửa hàng trực tuyến Tmall của Alibaba. Similac, thuộc sở hữu của Abbott Laboratories (Mỹ), cũng đưa mức chiết khấu tương tự vào tháng 5.

Abbott cho biết đang ngừng kinh doanh sữa bột trẻ em tại Trung Quốc để tập trung vào thị trường dinh dưỡng dành cho người lớn. Trung Quốc đã không trợ cấp tiền mặt cho người dân để khuyến khích chi tiêu như Mỹ và các nước khác. Trong ba năm qua, chiến dịch của Bắc Kinh nhằm chấn chỉnh các lĩnh vực tăng trưởng nhanh trước đây như giáo dục, internet và bất động sản đã làm thay đổi quan điểm của người dân về triển vọng công việc và sự thịnh vượng trong tương lai. Điều này khiến họ tìm cách kiểm soát chi tiêu.

“Sự hạ cấp tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc phần lớn liên quan đến đại dịch Covid 19”, Bo Zhuang, nhà chiến lược cấp cao của Công ty quản lý đầu tư toàn cầu Loomis Sayles, nhận xét.

Ông cho rằng sự suy giảm này là do tình trạng mất việc làm của nhân viên ngành công nghệ, những người từng có thu nhập cao hơn và người lao động trong lĩnh vực dịch vụ cũng như các chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ đóng cửa trong vài năm qua. Zhuang nhận định, đại dịch Covid-19 có thể đã gây ra “vết sẹo vĩnh viễn’ đối với nhiều người dân Trung Quốc.

Thế hệ trẻ của Trung Quốc thường là động lực thúc đẩy tiêu dùng của đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức cao lịch sử 21,3% trong tháng 6. Li-gang Liu, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Citi Global Wealth Investments, cho biết thanh niên Trung Quốc giờ đây chi tiêu rất thận trọng.

Jennifer Dong, nhân viên 27 tuổi làm việc trong ngành công nghệ ở tỉnh Hồ Nam, nằm trong số đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhanh chóng kiếm được một công việc với mức lương tương đương 2.766 đô la Mỹ/ tháng, vì vậy, cô không cân nhắc nhiều về nhu cầu tiết kiệm. Sau đó, Dong chuyển sang làm việc cho một công ty khởi nghiệp. Năm nay, cô bắt đầu lo công ty của mình có thể sụp đổ. Cô đã tìm kiếm việc làm khác, và gần đây, được tuyển dụng vào một vị trí trả lương thấp hơn những gì cô từng kiếm được.

Dong cho biết cô đã trở nên ý thức hơn trong chi tiêu vì cô có các hóa đơn sinh hoạt và hai khoản vay thế chấp phải trả với bạn trai.

“Trước đây, nếu thích thứ gì đó, chúng tôi sẽ mua ngay. Bây giờ, chúng tôi phải nghĩ xem liệu nó có thực sự cần thiết hay không và so sánh giá các mặt hàng thiết yếu trên khắp các siêu thị và nền tảng trực tuyến”, Dong nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới