(KTSG Online) - Các tỉnh miền Trung muốn cùng nhau thành lập quỹ chung để dùng vào việc phát triển hạ tầng, phòng chống thiên tai, xúc tiến du lịch nhằm liên kết phát triển kinh tế giữa các địa phương với nhau.
- Thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam bộ để hình thành các động lực tăng trưởng mới
- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ hướng đến mục tiêu phát triển cùng sinh thái
Thông tin trên được trích dẫn từ cuộc họp Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (Hội đồng Vùng) diễn ra tại thành phố Huế trong ngày 19-5, theo Chinhphu.vn.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, một trong những ưu tiên của Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung trong thời gian tới là tập trung nguồn lực để phát triển các dự án kết nối liên vùng, hạ tầng năng lượng tái tạo...
Để làm được điều này, Hội đồng Vùng cần có cơ chế chính sách thu hút, huy động nguồn lực để phát triển hệ thống đường, đặc biệt là hệ thống đường xương cá, đường ven biển. Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh thống nhất để chọn những dự án để phát triển nhằm tạo sự kết nối giữa các địa phương với nhau.
Vì thế, để có nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng và những hoạt động của toàn vùng, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng... thống nhất đề xuất thành lập các quỹ vùng về phát triển hạ tầng, phòng chống thiên tai, xúc tiến du lịch… để tạo nguồn lực thực hiện những công trình, dự án của vùng, các địa phương cũng có sự liên kết chặt chẽ hơn về kinh tế. Bên cạnh đó, cho phép phát hành trái phiếu địa phương gắn với dự án các trọng điểm.
Về phía mình, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề xuất lập quỹ phát triển của vùng trong thời gian tới.
Theo Chính phủ, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có tăng trưởng kinh tế còn thấp so mục tiêu đặt ra. Kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển. Tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc.
Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp.
Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng. Cần nhưng không đủ. Lâu nay, quỹ đầu tư lĩnh vực này, cả công lẫn tư, lấy đất đổi hạ tầng… cũng không phải là ít. Nhưng địa phương tự tung tự tác, mỗi nơi mỗi kiểu, khiến cho nguồn lực phân tán, kém hiệu quả, mới làm đã thấy lạc hậu… Quan trọng là cách hiểu, phối hợp và làm liên vùng, liên địa, liên thông. Không chỉ quan tâm đến cơ sở hạ tầng, mà cả những dự án, công trình, lĩn vực trọng điểm khác, từ đó mới tạo ra cú hích chiến lược, đáng kể khu vực miền Trung “eo và hẹp” cất cánh.