Các trò lừa đảo tài chính lại rộ lên
Chánh Trung
(KTSG Online) – Dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động thương mại điện tử, đầu tư tài chính qua mạng Internet sôi động và tội phạm mạng cũng lợi dụng tình hình để tiếp tục giở trò lừa đảo.
Những lời mời chào trên mạng xã hội của các ứng dụng lừa đảo "giật" đơn hàng online. Ảnh: Công an Hà Nội |
Lừa đảo "giật" đơn hàng online
Ngày 21-6, Công an thành phố Hà Nội cho biết vừa qua đã phát hiện một số ứng dụng di động, website không có nguồn gốc rõ ràng, hoạt động dưới hình thức phát hành các điểm thưởng (token) vào tài khoản người dùng khi thực hiện một số công việc theo yêu cầu và hứa hẹn có thể rút tiền mặt.
Các ứng dụng di động, website này có thông tin đăng ký, hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài và có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, chiếm đoạt tài sản đầu tư, lôi kéo số lượng lớn người tham gia để hưởng hoa hồng giới thiệu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự.
Để phát triển mạng lưới, các đối tượng tiếp cận qua nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Tiktok… đưa lên các nhóm tìm việc làm online, MMO, bình luận trên các bài viết có nhiều lượt tương tác. Hoặc thậm chí mở các sự kiện chào đón, trả lãi thật sự cho một số thành viên ban đầu, có chính sách hoa hồng khi người chơi mời gọi được thành viên cấp dưới nhằm thu hút được nhiều người chơi nhất có thể. Nội dung mời chào hấp dẫn như: “Đảm bảo thu nhập ổn định, đầu tư không rủi ro, không cần đặt cọc trước, app kiếm tiền nóng hổi mới ra, vừa xem YouTube, TikTok, vừa kiếm thêm thu nhập…”. |
Điển hình như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888… lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử nhưng thực chất không có liên kết với các sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng. Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người khác tham gia và "giật" đơn hàng ảo (ứng dụng quảng bá việc mình có liên kết các sàn giao dịch thương mại điện tử) để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư.
Số tiền kiếm được của người dùng sẽ tỷ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ theo quy định của hệ thống. Một số nhiệm vụ thường được yêu cầu như liên kết các tài khoản trên mạng xã hội, tương tác các tài khoản trên mạng xã hội để tăng mức độ phổ biến, đăng tải bài viết với nội dung quảng cáo, ghép và mua chung đơn hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, xem video… Người dùng có thể rút thành công tiền mặt trong những lần đầu, tuy nhiên những lần rút tiền sau này thì hệ thống đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền và cuối cùng hệ thống dừng hoạt động, người dùng không thể rút số tiền đã đầu tư.
Dấu hiệu nhận biết các ứng dụng, website này là có tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi ký tự, con số không có ý nghĩa (ví dụ: 6868, 999, 888…). Website có giao diện đơn giản, không có phần thông tin liên hệ rõ ràng, ngôn ngữ lập trình giao diện không được tối ưu cho nhiều thiết bị mà thường chỉ phát triển trên nền tảng HTML cho máy tính. Một số website còn bị các phần mềm diệt virus cảnh báo website thiếu chức năng bảo mật, chứa các ứng dụng nguy hiểm.
Lừa đảo qua sàn “tài xỉu” Busstrade
Bằng thủ đoạn lấy tiền của người sau trả cho người trước, Busstrade - một sàn giao dịch tiền điện tử biến tướng của loại hình đa cấp với thủ đoạn lừa đảo tinh vi đã khiến hàng ngàn nạn nhân trên cả nước bị trắng tay.
Sàn Busstrade vốn đã được cộng đồng mạng tố cáo là lừa đảo. Ảnh: Chánh Trung |
Trong tháng 6-2021, Công an nhiều tỉnh thành trong cả nước cho biết đã nhận được đơn trình báo của nhiều bị hại về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc đầu tư tham gia giao dịch tiền ảo trên sàn Busstrade.
Các nạn nhân của vụ việc cho biết sàn Busstrade được quảng cáo có nguồn gốc và được cấp phép từ Anh Quốc, người đầu tư không phải làm gì, sáng ra chỉ vào tài khoản và kiểm tra lãi. Đặc biệt, người đầu tư được rút tiền cả gốc và lãi bất cứ lúc nào. Do tin tưởng vào sàn Busstrade và những lời hứa hẹn nên nhiều người đã bỏ hàng trăm triệu đồng nạp tiền vào sàn này.
Thành phần người chơi chủ yếu là người đang có thời gian rảnh rỗi, chỉ quan tâm đến lợi nhuận của việc giới thiệu người dùng mới tham gia hệ thống mà không tìm hiểu về kiến thức kinh tế, thiếu sự cảnh giác. Do vậy, các ứng dụng, website trả thưởng này tập trung dụ dỗ, lôi kéo người dùng là những người trẻ trong độ tuổi sinh viên và đang tìm việc làm (từ 18 - 25 tuổi) và người già (từ 55 – 65 tuổi), phần đông là nữ giới ở nhà, chưa có việc làm ổn định, Cơ quan Công an cho biết. |
Cơ quan Công an cho biết đây là sàn giao dịch người chơi dự đoán tỷ giá tiền ảo bitcoin lên hoặc xuống, nếu đúng người chơi sẽ được nhận 73% tiền thắng, nếu sai vốn của họ sẽ bị trừ tiền, khi thua 6 lần liên tiếp thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó các đối tượng vận hành hệ thống sẽ đánh hộ ván thứ 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ, nếu không sẽ đền 100% số tiền thu của 6 lần chơi trước.
Để tham gia đầu tư, người chơi phải nộp tiền vào tài khoản cá nhân của nhóm đối tượng tham gia vận hành sàn Busstrade. Sàn kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào theo cách quy đổi 24.500 đồng được 1 USDT (gọi là USD điện tử).
Theo cơ quan công an, thực tế đây không phải là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép ở Anh như những gì các đối tượng thường quảng cáo. Thực chất hoạt động của Busstrade là một dạng của mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của người chơi sau trả tiền cho người chơi trước. Busstrade là sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động theo dạng BO - tức là một dạng giao dịch tài chính theo quyền chọn nhị phân (mua hoặc bán) phán đoán giá cả của tiền tệ, coin, cổ phiếu của thị trường tăng hay giảm hay nói khác hơn là một sàn “tài xỉu”.
Đến nay, sàn Busstrade đã bị đánh sập, các đối tượng cầm đầu đã cao chạy xa bay, vì tin tưởng lời hứa hẹn của các đối tượng, không ít nạn nhân đã mất trắng số tiền gần 500 triệu đồng.
Lừa đảo công nghệ cao diễn biến phức tạp, người dân cần thận trọng
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thông qua các sàn đầu tư tài chính ảo. Mặc dù vậy, vẫn có hàng ngàn người trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các đối tượng đã “giăng bẫy” những người không có kiến thức về tài chính bằng mức lợi nhuận “trên trời” và các hình thức rút tiền thuận lợi để người chơi tin tưởng. Thời gian đầu, sàn sẽ cho nhà đầu tư luôn thắng hoặc lỗ rất ít, khi người chơi đã thực sự lún sâu, các đối tượng sẽ kêu gọi nhà đầu tư dồn toàn bộ vốn để tăng lợi nhuận. Khi lượng người chơi đạt đến một số lượng nhất định, các đối tượng điều hành sẽ đánh sập trang web và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của người đầu tư rồi bỏ trốn.
Công an Hà Nội khuyến cáo họat động của các ứng dụng, website "giật" đơn hàng ảo có dấu hiệu của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015. Một số trường hợp, các đối tượng tổ chức huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng Internet dưới hoạt động thương mại điện tử. Các hoạt động chưa được Bộ Công Thương cấp phép thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp, hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP hoặc bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đáng lo ngại là một bộ phận người dân nhận thức được những trang web này không bền vững, thiếu minh bạch, nhưng vì từng rút được tiền, nên vẫn tham gia. Thậm chí, có người đã lường trước được việc web sẽ sập bất cứ lúc nào, nhưng cố tham gia kiểu “được đồng nào, hay đồng ấy” và tranh thủ huy động bạn bè, người thân nạp tiền thật vào để chơi trong những ngày đầu. Trong trường hợp các ứng dụng, website kiếm tiền trả thưởng bị sập, những người chơi thực sự có lãi không bao giờ ra mặt hay lên tiếng. Chỉ có những người là nạn nhân thực sự - mất hết tiền vốn hoặc cả vốn lẫn lãi mới tố giác với cơ quan công an.
Các cơ quan công an cho biết thời gian qua, tình trạng lừa đảo công nghệ cao đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng di động, website "giật" đơn hàng ảo có dấu hiệu hoạt động như trên để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo “phạt nguội” vi phạm giao thông Thời gian gần đây thường xảy ra tình trạng tội phạm giả mạo Cảnh sát giao thông thông báo cho người dân về lỗi vi phạm giao thông dưới hình thức “phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, một nữ sinh viên đang học tại Đà Nẵng đã bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng bằng thủ đoạn trên. Trong lúc sự việc chưa sáng tỏ, cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời đe dọa của kẻ xấu dưới bất kỳ hình thức gì khi có những cuộc điện thoại gọi tới xưng danh là công an hay cơ quan cảnh sát điều tra. |
Cảnh giác tiền ảo núp bóng đa cấp
Cảnh giác website giả mạo trang thông tin điện tử giấy phép lái xe