(KTSG) - Ngành ngân hàng Trung Quốc vừa phải đối mặt với hai cú sốc lớn: vụ lừa đảo tài chính tại các ngân hàng nông thôn và làn sóng dừng trả nợ liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Các vụ bê bối đã làm bộc lộ những rủi ro mang tính hệ thống và làm xói mòn niềm tin của người dân vào ngành ngân hàng Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng nông thôn
Đối với anh Sun Song - một doanh nhân 26 tuổi, việc gửi tiền tiết kiệm ở một ngân hàng nông thôn tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, mới đây vẫn còn là một cơ hội tuyệt vời. Ngân hàng nông thôn cũng đưa ra mức lãi suất đầy hấp dẫn, biến đây trở thành nơi lý tưởng để anh gửi khoản tiền tiết kiệm 600.000 đô la Mỹ của mình.
Tuy nhiên, tất cả đã sụp đổ nhanh chóng, khi ngân hàng đột ngột đóng băng tài khoản của anh hồi tháng 4-2022, và các quan chức cho biết, họ đang điều tra khả năng gian lận.
Hàng ngàn người khác cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự như anh Sun khi một số khoản tiền gửi ở bốn ngân hàng tại tỉnh Hà Nam, và một ngân hàng tại tỉnh An Huy bị đóng băng theo yêu cầu của chính quyền, để điều tra một vụ lừa đảo tinh vi. Các nhà chức trách cho biết, vụ việc có liên quan đến một tập đoàn tài chính tư nhân có cổ phần tại các ngân hàng. Tập đoàn này được cho là đã làm giả dữ liệu, bằng cách thông đồng với các nhân viên ngân hàng và bòn rút tiền bất hợp pháp.
Trong khi các rủi ro hệ thống là có thể xử lý được, ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn sẽ phải gánh chịu những tổn thất đáng kể từ các vụ bê bối, đặc biệt là nhóm 4.000 ngân hàng nhỏ và vừa hiện đang nắm giữ 14.000 tỉ đô la Mỹ tài sản.
Giới chức địa phương cho biết, giá trị các khoản tiền bị đóng băng ước tính vào khoảng 40 tỉ nhân dân tệ (5,9 tỉ đô la Mỹ). Theo New York Times, mặc dù số tiền này vẫn là rất nhỏ so với quy mô khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nó cho thấy, tài sản của người dân đang trở nên dễ bị tổn thương như thế nào, ngay cả trong một giao dịch thông thường như gửi tiền tiết kiệm.
Các vấn đề tài chính hiện đang trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết tại Trung Quốc. Theo các chuyên gia, sự lo ngại đang gia tăng khi vụ bê bối của các ngân hàng làm lộ ra nhiều vấn đề mang tính hệ thống.
Trong suốt một thời gian dài, các ngân hàng nông thôn đã giúp lấp đầy khoảng trống trong dịch vụ tài chính tại các khu vực kém phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng dễ bị tham nhũng hơn. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với các tổ chức tài chính lớn, các ngân hàng nhỏ thường có xu hướng tham gia vào các hoạt động cho vay quá rủi ro.
Giờ đây, khi các vụ việc xảy ra, nhiều chuyên gia cảnh báo, những đốm lửa nhỏ đang tiềm ẩn nguy cơ bùng cháy thành một đám cháy lớn nếu không được xử lý một cách hợp lý.
Làn sóng dừng trả nợ trong lĩnh vực bất động sản
Ngoài vụ bê bối tại các ngân hàng nhỏ, Trung Quốc cũng đang phải đau đầu ứng phó với làn sóng dừng trả nợ của người mua nhà và các nhà thầu xây dựng đang dần lan rộng, đe dọa hệ thống ngân hàng nhỏ và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tiền mặt của các công ty bất động sản.
Từ hôm 12-7-2022, người mua nhà của hàng trăm dự án bất động sản tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đã liên kết với nhau để từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp, với lý do các dự án nhà ở mà họ đã đặt mua bị chậm tiến độ. Làn sóng dừng trả nợ đã nhanh chóng lan rộng ra ít nhất 301 dự án ở khoảng 91 thành phố.
Theo Caixin, không chỉ người mua nhà, mà nhiều nhà thầu xây dựng cũng đã quyết định dừng thanh toán các khoản vay ngân hàng vì chưa nhận được tiền từ các công ty bất động sản vốn đang cạn kiệt tiền mặt như Evergrande.
Theo Bloomberg, tình hình này đang đặt Chính phủ Trung Quốc vào thế mắc kẹt. Việc hỗ trợ cho người mua nhà và các nhà thầu có thể khiến ngân sách nhà nước chịu sức ép lớn.
Các ngân hàng Trung Quốc đang tìm cách trấn an nhà đầu tư, khi khẳng định có thể kiểm soát những rủi ro từ làn sóng dừng trả nợ. Cho đến nay, các ngân hàng tại nước này mới chỉ công bố 2,1 tỉ nhân dân tệ (311 triệu đô la Mỹ) khoản vay nguy cơ cao.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán GF Securities, các khoản vay thế chấp với tổng trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ có thể bị ảnh hưởng bởi làn sóng dừng thanh toán. Các số liệu thống kê cho thấy, ngành ngân hàng Trung Quốc đang ngồi trên khoản vay thế chấp mua nhà trị giá 38.000 tỉ nhân dân tệ và khối nợ 13.000 tỉ nhân dân tệ của những công ty bất động sản hoạt động yếu kém.
Nỗ lực ngăn ngừa rủi ro hệ thống
Các cuộc khủng hoảng kể trên đang đặt ngành ngân hàng Trung Quốc trước nhiều rủi ro.
Để khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, bên cạnh các hoạt động điều tra sai phạm, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đang cố gắng thúc đẩy việc “xử lý rủi ro”. Hôm 17-7-2022, CBIRC cam kết tăng cường vùng đệm vốn cho hàng ngàn ngân hàng nhỏ. Sức khỏe tài chính của những ngân hàng này đã suy yếu đáng kể khi nền kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản lao dốc.
Theo tuyên bố, CBIRC cũng cho phép các chính quyền địa phương phát hành hơn 15 tỉ đô la Mỹ trái phiếu đặc biệt để bổ sung vốn cho các ngân hàng nhỏ trong năm nay. CBIRC sẽ làm việc với Bộ Tài chính Trung Quốc nhằm phê duyệt 30 tỉ đô la Mỹ trái phiếu vào tháng 8.
Trước đó, giới chức địa phương các tỉnh Hà Nam và An Huy cũng tuyên bố sẽ tự trả tiền cho các nạn nhân của vụ lừa đảo tiền tiết kiệm nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình.
Trước làn sóng dừng trả nợ đang ngày càng lan rộng, giới chức Trung Quốc cũng đang thúc giục các ngân hàng tăng cường giải ngân đối với ngành công nghiệp bất động sản nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những dự án nhà ở còn dang dở. Bắc Kinh cũng cân nhắc việc kéo dài thời gian ân hạn thanh toán cho người mua nhà.
Theo DBS Group, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đại lục có khả năng hấp thụ các khoản vay trị giá 7.500 tỉ nhân dân tệ (1.100 tỉ đô la Mỹ), trước khi gây ra rủi ro hệ thống. Con số này cao hơn nhiều so với giá trị 2.000 tỉ nhân dân tệ của các khoản vay thế chấp liên quan đến các dự án nhà ở chưa hoàn thành tại Trung Quốc.
“Rủi ro hệ thống là khó xảy ra và tác động là không lớn như nhiều người lo ngại,” nhóm chuyên gia phân tích đứng đầu là Manyi Lu cho biết. “Chúng tôi hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề này”.
Các ngân hàng nhỏ đối mặt với nguy cơ tổn thương cao
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi các rủi ro hệ thống là có thể xử lý được, ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn sẽ phải gánh chịu những tổn thất đáng kể từ các vụ bê bối, đặc biệt là nhóm 4.000 ngân hàng nhỏ và vừa hiện đang nắm giữ 14.000 tỉ đô la Mỹ tài sản.
Theo Giáo sư Zhiwu Chen tại Đại học Hồng Kông, trong quá khứ, Chính phủ Trung Quốc thường sẵn sàng cứu trợ các ngân hàng và doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng, thời kỳ cứu trợ dễ dàng đó đã chấm dứt.
Michael Pettis - giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh cũng nhận định, “Các quan chức có thể để cho một số doanh nghiệp vỡ nợ. Điều này sẽ gây tổn thất lớn tới các ngân hàng. Sẽ có ai đó phải gánh chịu những thiệt hại này”.
Với làn sóng ngừng trả nợ, DBS Group cũng dự báo, một sự can thiệp của chính phủ có thể khiến các ngân hàng phải gánh 30% chi phí khắc phục sự cố. Điều này có thể khiến doanh thu của các ngân hàng giảm từ 4,4-4,9% trong giai đoạn từ 2022-2024. Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí, khiến doanh thu bị giảm khoảng 9,5%.
Trong các kịch bản như vậy, nhóm ngân hàng nhỏ sẽ trở thành đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Fitch Ratings đánh giá, “Các ngân hàng địa phương và có quy mô nhỏ hơn đặt tại các khu vực kém phát triển, thường có mức độ tiếp xúc lớn và tập trung với các chủ đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn. Đây là nhóm ngân hàng dễ bị tổn thương nhất, bởi hầu hết các công ty bất động sản đã gặp khó khăn kể từ nửa cuối năm 2021 đều có các dự án ở các thành phố cấp thấp của Trung Quốc”.
Những rủi ro này được dự báo sẽ gây áp lực lớn không chỉ với riêng hệ thống ngân hàng Trung Quốc mà còn lên cả nền kinh tế đang giảm tốc mạnh của nước này, với mức tăng trưởng chỉ 0,4% trong quí 2-2022.
Trung Quốc sẽ lập quỹ cứu ngành bất động sản
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin là một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết Trung Quốc sẽ lập một quỹ nhằm giúp các công ty bất động sản của nước này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.
Theo đó, quỹ này sẽ có quy mô lên tới 300 tỉ nhân dân tệ (khoảng 44 tỉ đô la Mỹ). Ban đầu, quỹ sẽ có quy mô 80 tỉ nhân dân tệ. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một ngân hàng quốc doanh, sẽ đóng góp 50 tỉ nhân dân tệ trong số 80 tỉ nhân dân tệ nói trên, nhưng số tiền này sẽ đến từ công cụ cho vay của PBOC. Nếu mô hình này hiệu quả, các ngân hàng khác sẽ tham gia theo, và mục tiêu của quỹ là số vốn 200-300 tỉ nhân dân tệ.
Quỹ này được cho là sẽ được sử dụng để cấp vốn cho việc mua lại các dự án nhà ở dang dở, hoàn thiện việc xây dựng và cho thuê, như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy các dự án nhà cho thuê.
Nguồn: SCMP, New York Times, Bloomberg