Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các yếu tố giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - TPHCM đang xúc tiến xây dựng “Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế”. Tìm hiểu và phân tích các yếu tố giúp Singapore trở thành một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu sẽ là hữu ích cho TPHCM trong việc đánh giá đúng và đầy đủ các cơ hội và hạn chế để TPHCM có thể định vị được vị thế trong tương lai...

Singapore - một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Singapore không chỉ là trung tâm tài chính quốc tế mà còn là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới (liên tục xếp hạng 3 về tính cạnh tranh, hạng 2 về chỉ số thành phố có cơ hội, và hạng 6 về trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới của các tổ chức xếp hạng).

Đầu mối thương mại, hàng hải và hàng không quốc tế

Singapore hay các trung tâm tài chính quốc tế khác đều có khởi nguồn trên nền tảng là một đầu mối hội tụ các hoạt động thương mại và hàng hải khu vực và quốc tế. Những hoạt động này làm nảy sinh nhu cầu về các dịch vụ tài chính “ăn theo” như ngoại hối, bảo hiểm hàng hải, và tài trợ hàng hải để rồi từ đó lại làm nảy sinh và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính liên quan như ngân hàng thương mại và đầu tư, và sở giao dịch chứng khoán.

Ngành hàng không ra đời và phát triển càng bổ túc cơ hội và vị thế của các trung tâm tài chính khu vực và thế giới nếu trung tâm này cũng là các trung tâm trung chuyển, chuyên chở hàng hóa và con người bằng đường hàng không. Tất nhiên, Singapore, một phần nhờ vị thế địa chiến lược của mình, cũng đã từ lâu trở thành một trung tâm hàng không của khu vực và thế giới.

Nền kinh tế mang tính cạnh tranh toàn cầu

Singapore liên tục được xếp hạng nhất về tính cạnh tranh toàn cầu trong những năm gần đây. Đồng thời, với môi trường thân thiện với nền kinh tế số, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, và nỗ lực hấp thu công nghệ lớn, Singapore cũng là nước được IMD xếp hạng cao nhất về chỉ số thành phố thông minh và hạng nhì về cạnh tranh số của thế giới năm 2019. Ở các xếp hạng khác về đổi mới sáng tạo hay tính cạnh tranh về trung tâm dữ liệu quốc tế, Singapore cũng luôn trong tốp đầu.

Tính kết nối quốc tế cao

Singapore có hơn 20 hiệp định thương mại tự do cung cấp sự tiếp cận thị trường của các nước đối tác với rào cản thấp hoặc không có. Với hơn 80 hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA), Singapore hấp dẫn các tổ chức tài chính muốn sử dụng Singapore như là trụ sở toàn cầu hay khu vực.

Có nhiều yếu tố thuộc về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” quyết định một thành phố hay một lãnh thổ có phải là trung tâm tài chính quốc tế hay không. Nên chỉ có một số ít được gọi là trung tâm tài chính quốc tế như New York, London, Zurich, Singapore, Tokyo và Hồng Kông...

Vị trí địa lý cũng cho phép Singapore giao dịch 24/24 giờ với toàn bộ châu lục khác trong các ngành như ngoại hối và chứng khoán.

Lực lượng lao động chất lượng cao

Singapore đứng hạng nhất ở châu Á và thứ ba trên thế giới về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2020 do INSEAD xếp hạng. Singapore cũng đứng hạng nhất về khả năng đào tạo và thu hút nhân tài. Họ thiết lập, phối hợp và cùng với các nhà tuyển dụng triển khai chính sách tái đào tạo lực lượng lao động trong nước vào những lĩnh vực và vị trí công việc mà người lao động có thể làm trong tương lai trong ngành tài chính.

Các tổ chức tài chính sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nếu tuyển dụng và đào tạo, cũng như trợ giúp quá trình chuyển đổi lực lượng lao động. Nhân lực trong ngành tài chính cũng sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ để phát triển nghề nghiệp và kỹ năng.

Môi trường thân thiện với doanh nghiệp

Singapore được Ngân hàng Thế giới xếp thứ 2 về môi trường kinh doanh năm 2020. Môi trường thể chế của Singapore rất thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động công ty. Họ cũng có một cơ sở hạ tầng, hệ thống trung gian tài chính, và nền tảng pháp luật về thực thi hợp đồng hữu hiệu và ổn định để trợ giúp việc khởi nghiệp. Đồng thời, tuy tạo dựng môi trường thân thiện với doanh nghiệp như vậy nhưng Singapore luôn tăng cường giám sát thể chế để phòng, chống rửa tiền, tội phạm tài chính và tài trợ khủng bố - những phẩm chất cần có của một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu.

Liên hệ với TPHCM

Xét về yếu tố là đầu mối thương mại, hàng hải và hàng không tầm cỡ quốc tế, thì vị trí địa lý cũng như quy mô của nền kinh tế làm cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng không phải là cửa ngõ cho một khu vực kinh tế rộng lớn và năng động nào, hay nơi hội tụ lý tưởng của các dòng chảy thương mại, giao thông vận tải đường biển và đường không quốc tế. Không nói đến Singapore, TPHCM còn phải cạnh tranh dài dài với những thành phố trong khu vực cũng có nhiều tiềm năng như Kuala Lumpur, Bangkok..., hoặc xa hơn là Sydney.

Về tính cạnh tranh toàn cầu, khác với Singapore, TPHCM không phải là một quốc gia độc lập. TPHCM sẽ không thể phát triển bứt phá quá xa so với cái nền chung của Việt Nam trừ khi, tối thiểu là TPHCM được trao quy chế như một đặc khu của Việt Nam tương tự các đặc khu như Thâm Quyến ở Trung Quốc, với toàn quyền hoạch định và thực thi chính sách phát triển. Nhưng vị thế đó liệu có thành hiện thực, và nếu có thành hiện thực thì TPHCM liệu có nhất thiết sẽ trở thành và có nên trở thành một trung tâm tài chính, hay là một cái gì khác thì hơn, chẳng hạn là trung tâm công nghệ cao như Thâm Quyến?

Về tính kết nối quốc tế, tương tự như trên, TPHCM không thể tự mình quyết định tính kết nối của mình với khu vực và thế giới vượt quá khuôn khổ mà Việt Nam đã và sẽ đạt được, nên sẽ thiếu đi một yếu tố hấp dẫn các tổ chức tài chính quốc tế đặt trụ sở tại đó. Hơn nữa, với vị thế của người đến sau, TPHCM sẽ làm gì để các tổ chức này chuyển trụ sở của họ từ, chẳng hạn, Singapore sang?

Với hai yếu tố còn lại là môi trường kinh doanh thân thiện và nguồn nhân lực chất lượng cao, điều này cũng chỉ có thể xảy ra khi TPHCM được “rào kín” bằng thể chế riêng biệt với toàn quốc (và theo cả nghĩa đen như từng xảy ra với Thâm Quyến) để hấp dẫn bền vững các nguồn đầu tư và nhân lực đến từ mọi nơi.

Tóm lại, có nhiều yếu tố thuộc về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” quyết định một thành phố hay một lãnh thổ có phải là trung tâm tài chính quốc tế hay không. Nên chỉ có một số ít được gọi là trung tâm tài chính quốc tế như New York, London, Zurich, Singapore, Tokyo và Hồng Kông. Còn lại thì chỉ nên gọi là trung tâm tài chính quốc gia, và tốt hơn thế nữa thì được gọi là trung tâm tài chính khu vực. Do đó, TPHCM cần xác định mục tiêu của đề án liên quan một cách thực tế, có tính khả thi hơn.

2 BÌNH LUẬN

  1. Một phân tích sơ bộ, chí lý. Việc trở thành TTTC khu vực/ thế giới… của TPHCM, nếu tư duy theo hệ quy chiếu hiện hành, sẽ là không khả thi, cả về ý chí chính trị và thực tiễn kinh tế xã hội. Dòng chảy tài chính, chứng khoán, tiền tệ số, kể cả thị trường công nghệ cao … trong bối cảnh hiện nay đều đang đi theo xu thế hội tụ toàn cầu . Như vậy mong muốn thiết lập một thể chế tương tự, độc lập, đã không còn cần thiết. Thay vì cố trở thành một phiên bản nào đó sẵn có, hoặc kiến tạo đường đi riêng, thì nên biết cách chủ động gia nhập cuộc chơi “cao tốc toàn cầu”, như thế sẽ hiệu quả hơn.

  2. Lợi thế lớn nhất của ta là đi sau. Nhưng để về trước thì đột phá thể chế là quan trọng nhất. Nhưng không có nghĩa đó chỉ là trách nhiệm từ trung ương, mà còn là của địa phương. Trong bối cảnh hiện nay, những địa phương năng động sáng tạo hoàn toàn có thể đề ra những chủ trương/ giải pháp thí điểm, những cách làm mới, làm hay. Trung ương cũng cần có những mô hình “sandbox/ thực chiến” như vậy thì mới có căn cứ để tổng kết và ban hành luật lệ phù hợp với thực tế cuộc sống. Quan trọng hơn, về chính thống, Trung ương cần mạnh mẽ ủng hộ những cá nhân/ tổ chức tiên phong như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới