Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Cái đẹp’ trong mắt thẩm phán

Lê Vũ Vân Anh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhiếp ảnh được xem là một phương tiện khách quan, ghi lại những gì đang hiện diện hơn là một biểu hiện chủ quan của người nghệ sĩ. Suy nghĩ này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến vị trí của nhiếp ảnh khi được đặt vào Luật Sở hữu trí tuệ với quyền tác giả, nơi bảo hộ những tác phẩm có tính nguyên gốc (originality) - tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.

“Sự khác biệt giữa một bức tranh gốc và bản sao của nó là điều dễ hiểu, nhưng thật khó để nói một bức ảnh gốc có nghĩa là gì. Tất cả các bức ảnh đều là bản sao của một số đối tượng, chẳng hạn như một bức tranh hoặc một bức tượng”(1), vị thẩm phán người Anh Blackburn từng bày tỏ mối nghi ngại về tính nguyên gốc của nhiếp ảnh như vậy.

Thẩm phán Blackburn đã giáng một đòn chí mạng vào nhiếp ảnh: “Tất cả các bức ảnh đều là bản sao của một cái gì đó”. Vì vậy, tính nguyên gốc của loại hình nhiếp ảnh cần phải được hiểu theo một nghĩa khác. Khi nào một bức ảnh được xem là một tác phẩm nhiếp ảnh, có dấu ấn cá nhân của tác giả và khi nào một bức ảnh chỉ đơn thuần là một sự sao chép máy móc hai chiều của một đối tượng nghệ thuật khác? Câu hỏi này đã được đưa ra bàn luận từ lâu, nhưng câu trả lời vẫn chưa thôi gây tranh cãi.

Từ thế kỷ 19…

Bản chất nghệ thuật của nhiếp ảnh lần đầu tiên được xem xét trong vụ việc Burrow-Giles Lithographic Co. v. Sarony vào năm 1884. Vụ việc liên quan đến Napoléon Sarony, một nhiếp ảnh gia chân dung, là người đã chụp bức ảnh nổi tiếng về tác giả Oscar Wilde, sau này được biết đến với tiêu đề “Oscar Wilde số 18”.

Công ty Burrow-Giles Lithographic Co. đã tự ý sao chép bức ảnh của Sarony in lên các bưu thiếp với lập luận rằng bức chân dung của Oscar không đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả. Trải qua nhiều phiên xét xử, vụ việc đưa lên Tòa án tối cao Mỹ nơi nhận định rằng nhiếp ảnh khác với các loại hình nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa vì nhiếp ảnh là sự tái tạo cơ học các đặc điểm hoặc đường nét vật lý của một vật thể. Một bức ảnh được bảo hộ phụ thuộc vào bằng chứng về tính nguyên bản, về việc liệu đây có phải là tác phẩm của trí tuệ cũng như thể hiện suy nghĩ và quan niệm của tác giả hay không.

Tòa án tối cao Mỹ công nhận Sarony là tác giả và bức ảnh chân dung nói trên là tác phẩm nghệ thuật vì “bằng cách đặt Oscar Wilde trước máy ảnh, lựa chọn và sắp xếp trang phục, màn cửa và các phụ kiện khác trong bức ảnh, sắp xếp đối tượng sao cho có những đường nét duyên dáng, sắp xếp và bố trí ánh sáng và bóng tối, gợi ý và gợi lên biểu cảm mong muốn và từ cách bố trí, sắp xếp hoặc thể hiện đó, hoàn toàn do nguyên đơn thực hiện, anh ấy đã tạo ra bức ảnh phù hợp”.

Phán quyết Burrow-Giles Lithographic Co. v. Sarony đã nâng tầm nhiếp ảnh từ chỗ chỉ được coi là một sự tái tạo máy móc thành một nỗ lực nghệ thuật được công nhận. Quyết định này đã mở rộng ranh giới bảo hộ quyền tác giả thông qua giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của tác phẩm chứ không phải là phương tiện thể hiện.

…đến thế kỷ 21

Tuy nhiên, vấn đề trên chưa ngã ngũ khi tính nghệ thuật của ảnh chân dung lại một lần nữa bị truy vấn trong vụ việc Painer(2), liên quan đến việc cô bé người Áo Natascha Kampusch bị bắt cóc vào năm 1998 khi cô mới 10 tuổi và trốn thoát vào năm 2006.

Chân dung Natascha khi 10 tuổi. Nguồn: Getty

Trước khi Natascha xuất hiện lần đầu trước công chúng khi 18 tuổi, các tờ báo không có một bức ảnh nào để giới thiệu cô với độc giả. Thay vì chờ đợi cuộc họp báo để chụp ảnh Natascha khi đã trưởng thành, một vài tờ báo của Đức và Áo đã đăng lại bức ảnh chân dung cũ của Natascha trước lúc mất tích do nhiếp ảnh gia chân dung tự do Painer chụp. Chưa hết, các tờ báo này còn dựa vào bức ảnh cũ để tạo ra một bức ảnh mô phỏng diện mạo của Natascha khi cô bé 18 tuổi. Painer kiện các tờ báo nói trên vì hành vi vi phạm quyền tác giả đối với bức ảnh chân dung Natascha khi nhỏ và việc xuất bản những bức ảnh Natascha khi lớn.

Vụ việc được đưa ra xem xét tại tòa án công lý Liên minh châu Âu (CJEU), nơi trả lời câu hỏi: liệu phạm vi quyền tác giả của ảnh chân dung có “hẹp” hơn so với các tác phẩm khác hay không? Các tờ báo là bị đơn trong vụ kiện cho rằng phạm vi bảo hộ dành cho một bức ảnh như vậy bị hạn chế, hoặc thậm chí không tồn tại, vì tự do tạo hình của nhiếp ảnh gia thật sự khá nhỏ đối với ảnh chân dung.

Tuy nhiên, CJEU đã đứng về các nhiếp ảnh gia khi kết luận rằng: “Đối với một bức ảnh chân dung, nhiếp ảnh gia có thể đưa ra những lựa chọn tự do và sáng tạo theo nhiều cách và tại nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình sản xuất. Trong giai đoạn chuẩn bị, người chụp có thể chọn hậu cảnh, tư thế của đối tượng và ánh sáng. Khi chụp ảnh chân dung, anh ấy có thể chọn khung, góc nhìn và bầu không khí được tạo ra. Cuối cùng, khi chọn ảnh chụp nhanh, nhiếp ảnh gia có thể chọn từ nhiều kỹ thuật đang phát triển mà anh ta muốn áp dụng hoặc, nếu thích hợp, sử dụng phần mềm máy tính. Bằng cách đưa ra những lựa chọn đa dạng đó, tác giả của một bức ảnh chân dung có thể tạo dấu ấn cho tác phẩm được tạo ra bằng “điểm nhấn cá nhân” của mình. Do đó, đối với một bức ảnh chân dung, quyền tự do dành cho tác giả để thực hiện khả năng sáng tạo của mình sẽ không nhất thiết nhỏ hoặc thậm chí không tồn tại”(3).

Với kết luận nói trên, tòa khẳng định, quyền bảo hộ đối với một bức ảnh chân dung không thể thấp hơn quyền bảo hộ đối với các tác phẩm khác, kể cả các tác phẩm nhiếp ảnh khác.

Cái đẹp trong mắt kẻ si tình

Phán quyết của CJEU vào năm 2011 vẫn không thể củng cố thêm vị thế vốn mong manh của nhiếp ảnh trong quyền tác giả. Năm 2019, tòa án Rome tuyên bố rằng một bức ảnh chụp hai thẩm phán Giovanni Falcone và Paolo Borsellino trong một hội nghị tại Palermo (Ý) vào tháng 3-1992 bởi nhiếp ảnh gia người Ý, ông Tony Gentile, không phải là một tác phẩm nhiếp ảnh (photographic work)(4). Cũng trong năm 1992, Falcone và Borsellino được biết đến như những người thập tự chinh chống lại tội phạm có tổ chức ở Ý. Tình bạn sâu sắc của cả hai cũng rất nổi tiếng và cả hai đã bị các tổ chức mafia ám sát chỉ vài tháng sau khi bức ảnh nói trên được chụp.

Tony Gentile kiện công ty truyền hình RAI của Ý đã sử dụng bức ảnh hai vị thẩm phán do ông chụp trong hoạt động thông tin thời sự và các chiến dịch về nâng cao pháp quyền nhưng không xin phép cũng như trả thù lao cho Gentile.

Tương tự như luật bản quyền của các quốc gia khác, một tác phẩm (work) chỉ được bảo hộ quyền tác giả ở Ý nếu nó có một mức độ sáng tạo nhất định. Tòa án Rome mặc dù ám chỉ rằng bối cảnh chính trị xã hội và việc ám sát sau đó đã khiến bức ảnh trở nên đặc biệt, nhưng nó không đủ điều kiện để được xem là một tác phẩm nghệ thuật. Bản án mô tả đây “chắc chắn là một bức ảnh đẹp, tượng trưng, ​​cảm động” nhưng không có mức độ sáng tạo nhất định mà chỉ đơn giản là nụ cười và khoảnh khắc thư giãn giữa hai thẩm phán đồng nghiệp trong một hội nghị mà nhiếp ảnh gia vô tình bắt lấy. Theo tòa án, ông Gentile khi bấm máy đã không chủ đích tạo ra một mục tiêu mang giá trị nghệ thuật và sáng tạo. Vì vậy, tác phẩm nói trên không phải là tác phẩm nhiếp ảnh để được bảo hộ quyền tác giả.

Một nhà bình luận người Ý bất bình với phán quyết tòa án Rome khi anh cho rằng đánh giá liệu một bức ảnh có phải là một “tác phẩm nghệ thuật” (work of art) chứ không phải là một “tác phẩm của tác giả” (work of author) là một bài tập vô ích bởi vì “nghệ thuật”, giống như “cái đẹp” hay “sự sáng tạo”, nằm trong mắt của kẻ si tình và do đó rất khó để đưa ra một định nghĩa thỏa đáng(5).

Vì vậy, để kết luận một bức ảnh là một “tác phẩm nhiếp ảnh” hay một “bức ảnh đơn giản’ nên chỉ xem xét công việc phức tạp được thực hiện bởi các nhiếp ảnh gia thay vì đánh giá tính nghệ thuật của nó.

Kết luận

Mặc dù nghệ thuật mang tính chủ quan và mỗi người đều có một định nghĩa khác nhau về điều này, việc xác định tính nguyên gốc của tác phẩm trong quyền tác giả đã khiến các thẩm phán bất đắc dĩ khoác trên mình chiếc áo “nhà phê bình nghệ thuật”. Có vẻ như đối với các loại hình nghệ thuật có sự trợ giúp của máy móc, việc đặt ra một ngưỡng sáng tạo cao hơn để trao quyền tác giả là điều không thể tránh khỏi. Điều này mặc dù tạo ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình nghệ thuật, ở chừng mực nào đó, nó tôn vinh những tác phẩm được tạo ra gần như hoàn toàn từ sự lao động của con người. Có lẽ đây cũng là xu hướng của quyền tác giả trong tương lai khi đối mặt với câu hỏi đâu là dấu ấn cá nhân của người sáng tạo đối với những sản phẩm có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI).

(*) Giảng dạy môn Luật SHTT, khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh

(1) Graves’ Case (1869) LR 4 QB 715.

(2) Case C-145/10

(3) Case C-145/10, đoạn 90-93.

(4), (5) Matteo Mancinella, “Simple photograph’ or work of art? Well-known image of Judges Falcone and Borsellino deemed insufficiently creative for protection under Article 2 of the Italian Copyright Act” (2020) 15(3) Journal of Intellectual Property Law & Practice 158-159.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chủ quan và khách quan, cái nào sẽ quan trọng hơn nếu đó là cái có trước. Thẩm phán cũng vậy. Phải luôn duy lý, cân não để gìn giữ công lý, đạo lý, và trật tự. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của trái tim, mặc dù đây chỉ có thể là nhân tố thứ yếu. Mọi sự sáng tạo, suy cho cùng chỉ đẹp nhất trong đôi mắt của chủ nhân. Còn lại, với thiên hạ thì chín người, mười ý. Đó mà thực tế không thể phủ nhận. Chỉ có như vậy thì cuộc sống mới đa dạng, sinh động, luôn phát sinh động lực phát triển mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới