“Cái gì đó” là cái gì?
![]() |
Lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty Trường Hải. Sau nhiều năm tìm cách nội địa hóa, ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh phải gia công, lắp ráp sản phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: Lê Toàn |
(TBKTSG) - “Monozukuri” trong tiếng Nhật nghĩa là “làm ra cái gì đó”. Đó cũng là tinh thần đề xuất của đối tác Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong sáng kiến chung giữa hai nước về phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian sắp tới. Nhưng “cái gì đó” chính xác là cái gì thì vẫn đang là một câu hỏi lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam, tại phiên thảo luận nhóm trong khuôn khổ hội thảo quốc gia lần thứ nhất mang tên “Chương trình hành động về phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam” tại Hà Nội vào cuối tuần trước đã than thở: “Rất nhiều hội thảo, rất nhiều chương trình, rất nhiều diễn đàn đã diễn ra về vấn đề này nhưng hiệu quả mang lại thấp”.
Có nghĩa là sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam là chuyện không có gì mới dù hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị tìm hướng đi đã được tổ chức.
Sự thật này được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định bằng những con số đáng buồn: tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp (VA/GO) những năm gần đây ngày càng có dấu hiệu đi xuống. Năm 1995, tỷ lệ này trong toàn ngành công nghiệp là 42,5% thì đến năm 2000, chỉ còn 38,4%; năm 2005 còn 26,63% và năm ngoái tụt xuống mức 26,3%.
Trong đó, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin (hai ngành được ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch về công nghiệp phụ trợ của Việt Nam mới phê duyệt năm 2007) lại là ngành có tỷ lệ VA/GO thấp nhất với trị số 13,81%.
Như vậy, vấn đề hiện nay của ngành công nghiệp phụ trợ không phải là tiếp tục ngồi thống kê, nhận xét về sự tuột dốc, yếu kém mà phải cụ thể hóa bằng việc bắt đầu từ đâu và làm cái gì?
Theo ông Ichikawa Kyoshiro, cố vấn của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), công nghiệp phụ trợ bao gồm những ngành công nghiệp sản xuất chi tiết, phụ tùng cấu thành nên sản phẩm cuối cùng hoặc những ngành công nghiệp gia công, xử lý trong quá trình sản xuất chi tiết, phụ tùng.
Tùy theo mức độ, độ khó của quy trình kỹ thuật, gia công mà có sự phân công của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.
Nói khác đi, trước mắt, việc sản xuất các chi tiết quan trọng đòi hỏi kỹ thuật cao sẽ do các doanh nghiệp có vốn FDI đảm nhận trước khi chuyển giao trong tương lai cho các doanh nghiệp Việt Nam, song song với việc chuyển giao kỹ thuật.
Nghĩa là phía Nhật và các đối tác nước ngoài sẽ chuyển giao kỹ năng và công nghệ “Monozukuri” cho các doanh nghiệp Việt Nam. Và Việt Nam phải tận dụng tối đa những cơ hội đó, thay vì thụ động chờ tới thời điểm chuyển giao trong tương lai. Bởi nếu tiếp tục phụ thuộc vào gia công, lắp ráp, ỷ lại vào nguồn đất đai cho thuê và nhân công giá rẻ hoặc ngược lại đòi hỏi chủ động toàn bộ thay vì tham gia một phần trong chuỗi sản xuất thì quá trình chuyển giao đó có thể sẽ không bao giờ diễn ra hoặc được chuyển qua một quốc gia khác, chứ không phải Việt Nam.
Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đã có một nhận xét rất xác đáng tại hội thảo rằng: “Trong điều kiện lộ trình mở cửa hoàn toàn thị trường trong nước đang đến gần, nếu không xây dựng được công nghiệp phụ trợ tương ứng thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển qua đầu tư thương mại vào Việt Nam hơn là đầu tư vào sản xuất. Việc đóng cửa liên doanh sản xuất đèn hình của Sony Việt Nam mới đây là một minh chứng”.
Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đặt ra yêu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ ban đầu là gắn với mục tiêu nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sau đó phấn đấu trở thành một bộ phận trong dây chuyền sản xuất của các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Năm lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn phát triển là điện tử - tin học, dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên, dù chỉ còn hai năm nữa là đến thời hạn cuối của quy hoạch nhưng đến nay không những ngành công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu nội địa hóa một phần mà còn thụt lùi như đã nói ở trên.
“Nhạc trưởng” của chương trình Monozukuri ở Việt Nam, ông Kenichi Ohno, Chủ tịch Ủy ban chấp hành Diễn đàn Phát triển Việt Nam, nói rằng việc tạo ra các giá trị nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ phải được xây từ bốn bước của quá trình bắt kịp.
Theo đó, giai đoạn tích tụ ban đầu là thu hút FDI (sản xuất giản đơn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài) - hiện Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu này. Tiếp theo là giai đoạn hấp thụ công nghệ qua việc manh nha hình thành công nghiệp phụ trợ nhưng vẫn cần sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài (Thái Lan và Malaysia đang ở giai đoạn này) và nội địa hóa một phần linh phụ kiện.
Sau đó tới giai đoạn làm chủ về công nghệ và quản lý, có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như Hàn Quốc, Đài Loan hiện tại. Giai đoạn cao nhất là đủ năng lực sáng chế và thiết kế các sản phẩm đứng đầu thế giới, điều mà chỉ một số ít quốc gia thuộc EU, Nhật và Mỹ hiện đang thâu tóm.
Nói một cách đơn giản, Việt Nam và các nước ASEAN khác hiện đang ở hai giai đoạn đầu của quá trình bắt kịp. Nếu không có một chính sách tốt từ Nhà nước cũng như sự năng động, phát triển của khu vực tư nhân thì Việt Nam vẫn mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn gia công, lắp ráp có thu nhập thấp và trung bình. Và hậu quả cuối cùng có thể là việc đóng cửa nhiều cơ sở công nghiệp.
Phải chăng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam nên bắt đầu với việc chăm chú tiếp nhận kỹ năng, công nghệ sản xuất những chi tiết nhỏ nhất và coi nó như giai đoạn hấp thu kiến thức và công nghệ để “làm ra cái gì đó”, thay vì bằng mọi cách nội địa hóa cho được các sản phẩm công nghiệp chủ lực?
NGỌC LAN
Tránh “cái bẫy” thu nhập trung bình Trong đề xuất phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, ông Kenichi Ohno chỉ ra rằng, Thái Lan và Malaysia (đang ở giai đoạn hai) thành công hơn Việt Nam là do trong quá trình công nghiệp hóa, các nước này đã có những chính sách hợp lý để sử dụng nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, họ “dậm chân tại chỗ”, thậm chí gặp thất bại vì “cái bẫy” thu nhập trung bình 1.000 đô la/người/năm. Nguyên nhân là do năng lực của khu vực tư nhân trong nước vẫn còn yếu sau nhiều thập kỷ tiến hành công nghiệp hóa. Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn chất xám lãnh đạo từ nước ngoài mà không biến thành quá trình hấp thụ và chuyển giao đã khiến hai quốc gia này không thể “nội lực hóa” được giá trị và năng lực của các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Do vậy, rủi ro và những áp lực từ việc nguồn vốn FDI có thể rút khỏi các thị trường này để chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Việt Nam là điều có thể xảy ra. Trong trường hợp của Việt Nam, muốn tránh “cái bẫy” thu nhập trung bình như Thái Lan và Malaysia gặp phải thì ngoài những chính sách tốt của Nhà nước, rất cần một khu vực tư nhân năng động. Danh mục hành động được ông Ohno gợi ý bao gồm: xây dựng năng lực (cho từng doanh nghiệp cụ thể), nguồn nhân lực (tổng thể hoặc về thể chế), tài chính, ưu đãi, kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tiếp thị quảng bá FDI và xây dựng khung chính sách cho cả hai loại hình doanh nghiệp này. Trong chương trình hành động phát triển công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng. Hiện tại, phía Nhật đang giúp Việt Nam điều tra năng lực cụ thể của các nhà cung cấp trong nước trong 3-5 năm tới. Ông Kyoshiro gợi ý phải phát hiện những doanh nghiệp tư nhân có năng lực và thành lập cơ quan chuyên trách theo dõi phát triển. Các doanh nghiệp này cũng cần được đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp quốc doanh về chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn và các ưu đãi khác vì đây chính là khối doanh nghiệp có khả năng nâng cao sức cạnh tranh cho công nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc chuyển đổi cơ chế sản xuất và phân công công việc giữa các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi mắt xích trong dây chuyền sản xuất nội địa, mà mục tiêu lớn nhất là tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. N.L |