Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cải tiến chính sách, chuyển đổi số giúp TPHCM lấy lại đà tăng trưởng

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ đầu năm đến nay chính quyền TPHCM đã tăng tốc xây dựng, cải thiện các chính sách khung thông qua một loạt đề án để huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chuyển đổi số cũng là trụ cột tiếp tục góp phần quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của thành phố.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 34 tỉ đô la, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa: TL

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM trong quí 3-2024 ước đạt khoảng 7%, cao hơn mức tăng của quí 1 (tăng 6,54%) và quí 2 (tăng 6,31%).

Xây dựng chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển

Ngay từ đầu năm, UBND TPHCM đã triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, phê duyệt đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024 - 2030.

Một trong những chương trình trọng điểm được chính quyền thành phố tổ chức là Diễn đàn kinh tế TPHCM lần 5-2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”.

Thông qua diễn đàn năm nay, TPHCM tổ chức nhiều buổi họp, thảo luận các chính sách, định hướng phát triển thành phố như hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh (phối hợp Ngân hàng Thế giới); hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030.

Phát triển hạ tầng giao thông đô thị và logistics là trụ cột được TPHCM tập trung xây dựng với các chương trình trọng điểm như trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, kiểm tra thực địa các công trình giao thông, dự án trọng điểm trên địa bàn.

Cũng trong năm nay, TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.

Một số chính sách quan trọng khác cũng được thành phố hoàn thiện như ban hành kế hoạch triển khai Đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn từ nay đến năm 2030; ban hành bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới phần xây dựng công trình trên địa bàn TPHCM.

Chuyển đổi số là trụ cột để phát triển đô thị thông minh

Một trong những cột mốc mới thể hiện quyết tâm của chính quyền TPHCM trong việc phát triển kinh tế số là thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) với Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối tháng 9 vừa qua.

Cũng trong tháng 9, UBND TPHCM ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đến năm 2025. Kế hoạch bao gồm triển khai các nền tảng số hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM được tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%.

Trước đó, vào tháng 1-2024, UBND TPHCM đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số với chức năng tập trung triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số và đô thị thông minh. Trung tâm này cũng đề xuất các dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của TPHCM, khai thác các công nghệ số, dữ liệu, huy động nguồn lực và thúc đẩy chương trình hợp tác có liên quan.

Theo kế hoạch, đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 22% GRDP của thành phố. Lãnh đạo TPHCM hiện kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt được con số này, khi số liệu năm ngoái đạt khoảng 18,8%.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, UBND TPHCM đã ban hành một số chương trình như Kế hoạch triển khai Chuyển đổi số và Đô thị thông minh, Kế hoạch triển khai chương trình Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2024.

Cùng với Chương trình Chuyển đổi số, Thành phố cũng là địa phương đầu tiên ra mắt Hội đồng tư vấn chương trình ứng dụng AI với mục tiêu đưa AI thành nền tảng và công cụ thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Trong 9 tháng đầu năm, TPHCM đã triển khai hoàn thành 20/34 chỉ tiêu Kế hoạch Chuyển đổi số Thành phố, 14/34 chỉ tiêu đang triển khai. Ngoài ra, THCM còn đưa vào vận hành hai nền tảng số mới là Hệ thống hỗ trợ hoạt động Hội đồng Nhân dân ứng dụng AI và Hệ thống điều phối vận hành chính quyền số.

Trước đó đã có bốn nền tảng số đã đưa vào sử dụng gồm Hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội cho các cơ quan nhà nước, Hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo, Bản đồ thực thi thể chế và Nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Những kết quả này cho thấy tình hình kinh tế TPHCM đang phục hồi tốt hơn từ đầu năm nay. Tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn chưa đột phá, chưa có cú huých đủ lớn. Giải ngân đầu tư công vẫn là câu chuyện khó khăn gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác như thu hút vốn ngoài nhà nước, xây dựng, bất động sản....

Tuy mức tăng trưởng quí 3 có cao hơn 6 tháng đầu năm nhưng chưa như kỳ vọng. Điều này càng khó khăn cho quí 4 phải tăng 9,8% thì mới đạt mục tiêu cả năm đạt 7,5%.

Kinh tế TPHCM trong 9 tháng đầu năm qua những con số

Ứớc tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP TPHCM tăng khoảng 6,7-6,9%. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,3-7,6%; công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 6,5-6,8%; nông nghiệp giảm khoảng 1% so với cùng kỳ.

  • Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 872.331 tỉ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 413.188 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
  • Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,82 tỉ đô la, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 14,2%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 44,1 tỉ đô la, tăng 6,4% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17,2%).
  • Tổng doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2024 đạt 140.398 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa đến TPHCM hơn 27 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023. Khách quốc tế hơn 4 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023.
  • Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9-2024 đạt 3.717.500 tỉ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2023 và tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 90,9% tổng nguồn vốn huy động.
  • Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9-2024 ước đạt 3.736.000 tỉ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,34% so với cùng kỳ.
  • Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2024 ước tăng  6,9% so với cùng kỳ. Trong đó ngành khai khoáng tăng 46,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,4%.
  • Chỉ số sản xuất bốn ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 9 tháng năm 2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ, thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với IIP toàn ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới