Thứ năm, 17/04/2025
27 C
TPHCM

Cải tiến quản lý giao thông: hãy bắt đầu từ những chuyện nhỏ và thiết thực

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các mục tiêu về cải tiến quản lý giao thông thường được đề cập đến việc dùng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo... Tuy nhiên, trong khi chờ các dự án đầu tư lớn phải nhiều năm mới có, cơ quan quản lý cũng cần phát huy các cải tiến nhỏ để phục vụ người dân tốt hơn.

Từ cuối tháng 2 vừa qua, khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - chân cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5, TPHCM) giảm hẳn kẹt xe và xóa sổ tình trạng vi phạm giao thông sau khi gắn bổ sung một tiểu đảo.

Khi chưa phân luồng, dòng xe từ quận 8 sang quận 5 khi đổ dốc cầu Nguyễn Tri Phương sẽ cắt ngang dòng xe trên đường Trần Hưng Đạo theo hướng từ quận 5 về quận 1. Sau khi có tiểu đảo chận ngang, dòng xe từ quận 5 về quận 1 được điều tiết quẹo trái hoặc quẹo phải, không cắt ngang dòng xe từ cầu đi xuống.

Cách phân luồng mới rất khoa học, không chỉ giảm được tình trạng ùn ứ do hai dòng xe cắt nhau mà còn xóa hoàn toàn tình trạng vi phạm giao thông ở giao lộ này. Khi chưa phân luồng, nhiều xe máy đã đi ngược chiều hay quẹo trái để lên cầu Nguyễn Tri Phương từ hướng đường Trần Hưng Đạo và Võ Văn Kiệt. Với tiểu đảo chắn ngang, người lái xe có muốn vi phạm cũng không được vì không còn đường để họ có thể chạy sai luật.

Trước khi phân luồng, khu vực này thường xuyên có hai tổ cảnh sát giao thông chốt chặn xử phạt mỗi ngày vài chục vụ xe máy đi ngược chiều. Nhờ phân luồng, hai chốt này cũng được rút đi vì không còn ai có thể vi phạm nữa.

Mô hình phân luồng ở chân cầu Nguyễn Tri Phương không tốn kém nhiều vì chỉ dùng khoảng chục khối bê tông và một số cọc tiêu nhựa để dựng tiểu đảo nhưng hiệu quả rất lớn. Ngoài việc giảm kẹt xe ở đầu cầu, nhà nước cũng tiết kiệm được nhân lực lập chốt kiểm soát vi phạm và người dân cũng không còn bị phạt vì đi ngược chiều.

Mô hình thiết kế giao thông này cần được áp dụng rộng rãi vì đạt hiệu quả cao nhất: vừa giảm kẹt xe, vừa giúp người dân không thể chạy sai luật vì tất cả đường có thể khiến họ chạy ngược chiều - dù vô tình hay cố ý - đều bị chận.

Một cách cải tiến quản lý giao thông khác tuy nhỏ nhưng cũng đạt hiệu quản cao là trên một đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa. Cách đây ít lâu, khu vực này có nhiều bảng báo tốc độ tối đa 50 km/g nhưng lại kèm theo bảng phụ theo bốn khung giờ 6g30 - 7g30, 10g30 - 11g30, 12g30 - 13g30, 16g30 - 17g30. Do trước các bảng báo giới hạn này là đường được chạy tốc đa 90 km/h, không có bảng chuyển tiếp tốc độ xuống 70 km/g nên các bác tài không thể nào đọc kịp khung giờ hạn chế tốc độ khi đang chạy với tốc độ 90 km/g (*).

Như vậy, cách đặt bảng báo này khiến việc vi phạm tốc độ theo giờ trở thành cái "bẫy" treo lơ lửng. Sau khi báo chí lên tiếng, cơ quan quản lý giao thông đã sửa lại bằng cách đã bổ sung bảng chuyển tiếp tốc độ tối đa 70 km/g và đổi từ bốn khung giờ thành một khung giờ từ 6g30 đến 17g30. Chỉ một thay đổi nhỏ như vậy đã giúp nhiều người dân đỡ bị phạt oan uổng vì không giảm tốc độ kịp do đi trễ hơn vài phút khi đến bảng hạn chế tốc độ theo giờ này.

Việc bố trí bảng báo giao thông khoa học, dễ hiểu, dễ tuân thủ phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu tại các đô thị lớn như TPHCM, nhất là khi hàng loạt công trình giao thông lớn sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Hiện nay, chỉ với một số giao lộ nhiều tầng với cầu vượt, hầm chui và các nhánh đường kết nối như hầm chui An Sương, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hay vòng xoay Mỹ Thủy tại TPHCM đã khiến không ít người lái xe bối rối vì bảng báo dày đặc, sát nhau nên quan sát rất khó khăn.

Không bao lâu nữa, các nút giao phức tạp hơn như An Phú và Tân Vạn đi vào hoạt động, độ phức tạp trong lái xe ngang qua đây còn tăng cao hơn. Với các nút giao nhiều tầng, phức tạp, cần bố trí bảng báo sao cho dễ hiểu, dễ thấy để lái xe kịp phản ứng để đi đúng hướng vì chỉ cần chạy sai một chỗ là phải mất hàng chục kilomet mới có thể quay lại để đi đúng.

Ngay từ bây giờ, cơ quan quản lý giao thông TPHCM cần tính đến việc dựng mô hình giả lập trên máy tính để bố trí bảng báo, phân luồng cho các nút giao phức tạp sắp đi vào hoạt động như An Phú, Tân Vạn. Ngoài ra cũng cần rà soát lại bảng báo và phân luồng ở các nút giao lớn hiện nay để điều chỉnh.

Mục tiêu của các công trình giao thông nhiều tầng không chỉ giúp xe cộ lưu thông tốt hơn mà còn phải đạt được yêu cầu giúp người dân lái xe qua dễ dàng hơn, tránh tối đa việc nhầm lẫn do bảng báo khó thấy, khó hiểu khiến họ đi sai hướng hay sai luật và bị phạt.

Thiết kế giao thông khoa học là phải bảo đảm được tiêu chuẩn bất kỳ tài xế nào lần đầu tiên chạy qua các nút giao phức tạp chỉ cần nhìn theo bảng báo hướng dẫn là có thể chạy đúng hướng, đúng luật mà không cần "quen đường".

----------------------

(*) https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-quang-ga-voi-bien-han-che-toc-do-dong-thai-cua-co-quan-chuc-nang-20250214162524014.htm

Bình luận

  1. Văn hóa giao thông, là vấn đề lớn nhất hiện nay. Có vẻ như cum từ này thường hay mang ra gắn với người tham gia giao thông, xem họ gần như là nhân tố chủ yếu cho mọi rắc rối đang phát sinh. Quan điểm đúng đắn, trước hết phải là sự đồng bộ hóa. Từ người quản lý – quy hoạch – giám sát chiến lược giao thông / nhà xây dựng – bảo hành- bảo trì công trình/ người tham gia giao thông… phải thể hiện rõ văn hóa “trách nhiệm/ bổn phận – quyền lợi/ nghĩa vụ” của chính mình. Lúc đó, mọi thứ mới có thể thông suốt được.

  2. Giao thông có rất nhiều chuyện để bàn. Trước đây, dân ta nhiều người rất ngạc nhiên khi nghe câu nói “Cái đinh vít, làm mãi chưa xong ?”. Chuyện này là thật, chứ không đùa. Bởi lẽ, đinh vít có rất nhiều loại, đẳng cấp kỹ thuật khác nhau, với loại công nghệ cao thì chỉ vài nước đủ năng lực làm. Nay đến cái vỉa hè, một phần rất quan trọng của hạ tầng giao thông. Vẫn có tình trạng mới làm xong, sau đó một thời gian ngắn bị lật lên làm lại ? Nhiều chỗ sứt mẻ, lở lói, mất thẩm mỹ lẫn an toàn. Nhưng ở nhiều nơi, vẫn duy trì rất tốt vỉa hè loại đá xanh, từ đời xửa đời xưa để lại, đến nay vẫn mãi “trơ gan cùng tuế nguyệt” ? Vậy nên, mới có câu “Vỉa hè, làm miết cũng không xong ?” là vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới