(KTSG Online) – Doanh nghiệp không được chi hỗ trợ đại lý hay khuyến mãi, giảm giá bán với bảo hiểm xe máy bắt buộc, theo đề xuất của Bộ Tài chính.
- Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản sẽ bị giám sát
- Xử phạt ngân hàng ép khách mua bảo hiểm: Đừng ném đá ao bèo
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ, hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp không chi hỗ trợ cho đại lý bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới dưới mọi hình thức, ngoài chi hoa hồng. Các doanh nghiệp cũng không được khuyến mãi, chiết khấu thanh toán với bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc.
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp thường cạnh tranh thị phần bằng cách trả hoa hồng và chi ngoài cho đại lý vượt quá mức quy định.
Đáng lưu ý, chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua bảo hiểm, nhưng tỷ lệ chi trả bảo hiểm thực tế rất thấp. Năm 2019, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ 6%, nên nhiều doanh nghiệp đã chi hoa hồng cho đại lý lên tới 50-60%, vượt quá mức tối đa 20% theo quy định, để đẩy mạnh việc bán bảo hiểm.
Ngoài ra, mức chiết khấu cao cũng khiến nhiều tổng đại lý bảo hiểm đưa tệp giấy chứng nhận bảo hiểm cho những người bán F1, F2, vốn không có nghiệp vụ và không được đào tạo bài bản, đi bán một cách tràn lan.
Trước đó, cử tri một số địa phương kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự với mô tô, xe máy. Cử tri cho rằng chỉ nên khuyến khích tham gia loại bảo hiểm bởi hiện nay việc lập thủ tục bồi thường khi xảy ra sự cố rất phức tạp.
Phản hồi, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy được căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ.
Theo Bộ Tài chính, số vụ tai nạn giao thông do mô tô 2 bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm tỷ lệ khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Hậu quả tai nạn giao thông đã gây ra thiệt hại không chỉ liên quan tới sức khoẻ, tính mạng, tài sản của nạn nhân, mà còn liên quan tới cả chủ xe, gồm các khoản chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý, gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.
Vì vậy, nhằm phát huy vai trò, ý nghĩa xã hội và tính nhân đạo của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, từ năm 1988, Chính phủ cũng đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành các nghị định liên quan vấn đề này.
Cũng tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính dự kiến quy định chi tiết với việc sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - vốn được dư luận quan tâm về mức độ minh bạch và công khai. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải đóng tối đa 1% tổng phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vào quỹ này.
Với mục đích chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm sẽ trích quỹ tối thiểu 25%. Ngoài ra, quỹ cũng chi tối đa 20% cho mục đích đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ.
Quỹ cũng được sử dụng để chi cho tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc, không quá 15%; chi hỗ trợ lực lượng công an phối hợp không quá 10%...
Báo cáo quyết toán năm của quỹ (đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận) phải được gửi Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Toàn bộ nội dung báo cáo quyết toán năm của quỹ kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập cần được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.