Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cầm cự trước sức ép tỷ giá: nắng hạn chờ mưa

Hồ Quốc Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có cách nào ngăn cản đồng nội tệ mất giá so với đô la Mỹ? Chỉ có cách can thiệp bằng dự trữ ngoại hối! Mà nhìn vào câu chuyện của Nhật Bản thì thấy rằng can thiệp bao nhiêu cho đủ khi thị trường đã biết là mình đang phải “gồng”…

Nhật Bản: pha can thiệp kỷ lục 62 tỉ đô la Mỹ và đồng yen vẫn mất giá

Nhật Bản đã chi số tiền kỷ lục tương đương 62,25 tỉ đô la Mỹ để can thiệp đẩy giá đồng yen từ ngày 26-4-2024 đến ngày 29-5-2024. Đó là thông tin được xác nhận từ dữ liệu do Bộ Tài chính nước này công bố. Điều này xác nhận tin đồn của thị trường là nước này đã tiến hành can thiệp hỗ trợ đồng yen lần đầu tiên kể từ tháng 10-2022.

Trong lần can thiệp này, Nhật Bản mua vào đồng nội tệ bằng cách bán đô la Mỹ từ nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm, ở mức 160,03 yen đổi 1 đô la Mỹ vào hôm 29-4. Ngay sau đó, yen đã bật lên mức 156 yen/đô la Mỹ trong một phiên giao dịch. Và thị trường bắt đầu đồn đoán rằng Chính phủ Nhật đã ra tay can thiệp. Con số can thiệp được dự đoán từ 40 tỉ đô la bắt đầu lan dần lên trên 55 tỉ đô và rồi 60 tỉ đô (khá gần con số thực tế).

Đồng yen sau đó tiếp tục tăng lên hơn 2% trong vòng vài ngày. Đến đầu tháng 5, đã có lúc yen tăng lại lên mức 151,80 yen/đô la Mỹ.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 5, đồng yen lại một lần nữa liên tục mất các mốc đã “đánh chiếm được” và mất giá khá nhanh trở lại. Đỉnh điểm trong tuần lễ cuối tháng 5, một lần nữa phá vỡ mức 157 yen/đô la Mỹ. Nói cách khác, 62 tỉ đô la Mỹ bỏ ra chỉ có thể duy trì đồng yen chưa đầy một tháng, và yen lại gần như “trở về nơi bắt đầu” vào thời điểm cuối tháng 4.

Dựa vào những diễn biến đó, giới giao dịch ngoại hối đánh giá tác động của đợt can thiệp kỷ lục này của Nhật Bản đến nay là không mấy hiệu quả. Bỏ nhiều tiền can thiệp, nhưng rồi sau một tháng, yen vẫn về lại gần đáy cũ. Nhiều hợp đồng quyền chọn ngoại tệ vẫn đang đặt cược con số trên 160 yen/đô la Mỹ trong quí 3 năm nay.

Đây chính là thế khó của nhiều ngân hàng trung ương hiện tại. Để đô la Mỹ tăng quá mạnh so với nội tệ thì không được, nhưng bỏ tiền ra can thiệp thì không biết bao nhiêu cho đủ, và chỉ sau một thời gian ngắn, lực bán ra để thử thách các mức đáy mới của nội tệ lại xuất hiện.

Nhật Bản thì có thể bỏ ra 62 tỉ đô la Mỹ để “gồng” với thị trường, nhưng không phải ai cũng có nguồn lực như vậy. Số liệu vào cuối tháng 4 cho thấy quốc gia này có 1.278 tỉ đô la Mỹ dự trữ.

Thế khó của các ngân hàng trung ương trong việc phòng thủ trước sức mạnh của đô la Mỹ

Trái với những thuyết âm mưu về “chiến tranh tiền tệ” cho rằng các nước muốn tranh nhau phá giá nội tệ, hầu hết các ngân hàng trung ương (NHTƯ) ở các thị trường mới nổi, và nhất là các nước châu Á, đều ít nhiều có động thái bảo vệ đồng nội tệ không để mất giá quá nhanh so với đô la Mỹ. Một số NHTƯ trì hoãn giảm thêm lãi suất, một số thì can thiệp thị trường như Nhật Bản. Nhưng đa số kết quả đạt được chỉ là làm chậm đà tăng giá của đô la Mỹ mà thôi.

Một số NHTƯ đã khá mệt mỏi với những đợt can thiệp của mình, và đang ở trong tình huống mong manh, khiến phòng tuyến tỷ giá dễ bị vỡ. Ví dụ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong vòng sáu tháng, với nhiều đồn đoán là NHTƯ đất nước tỉ dân này sẽ phải “buông” và chấp nhận một mức mất giá lớn hơn của nhân dân tệ để giảm bớt sức ép phải can thiệp.

Lãi suất đô la Mỹ cao so với lãi suất nội tệ ở hầu hết các nền kinh tế châu Á được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Sức mua yếu với trái phiếu chính phủ Mỹ trong vài tuần nay cũng là một vấn đề, khiến cho lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt trở lại.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu của Nhật Bản và Trung Quốc khó có thể theo kịp. Lấy ví dụ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức gần 4,5% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn của Nhật Bản hiện chỉ là 1,06% và Trung Quốc là khoảng 2,3%. Điều đáng nói là trong trường hợp của Trung Quốc, so với ba tháng trước, thậm chí một tháng trước, thì khoảng cách này đang mở rộng ra chứ không thu hẹp.

Chênh lệch lãi suất lớn như vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại tiếp tục giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, muốn thu hẹp chênh lệch lãi suất phải tăng lãi suất nội địa. Kéo một chênh lệch lãi suất 2-3% là không hề dễ dàng vì nền kinh tế có chịu nổi một mức lãi suất tăng lên như vậy hay không đã là một câu hỏi, nhất là với những nền kinh tế tăng trưởng chậm lại nhiều như Trung Quốc.

Một số nền kinh tế như Trung Quốc vẫn sẽ cần phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa để giúp vực lại nền kinh tế trong bối cảnh mất đà tăng trưởng (do xuất khẩu khó khăn từ cuối năm ngoái tới nay). Trung Quốc thì lại càng cần nới lỏng để hỗ trợ thị trường bất động sản và hỗ trợ doanh nghiệp nợ nần lớn.

Giới phân tích thị trường tiền tệ gọi đây là sự phân kỳ (divergence) trong chính sách tiền tệ của các quốc gia chủ chốt. Châu Âu và Trung Quốc phải hướng về nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, và có vẻ không thể chờ lâu hơn nhiều nữa, trong khi Mỹ thì ung dung chờ đợi thời cơ để giảm lãi suất (mà còn có dự đoán là Mỹ không giảm lãi suất trong năm 2024).

Với sự phân kỳ đó, đô la Mỹ mạnh lên là một điều dễ đoán, và giới đầu cơ tiền tệ sẽ tranh thủ kiếm lời bằng các cách khác nhau để đặt cược nội tệ các nước khác sẽ giảm so với đô la Mỹ. Thế cờ đã khá rõ ràng với họ.

Vậy thì có cách nào ngăn cản đồng nội tệ mất giá so với đô la Mỹ? Chỉ có cách can thiệp bằng dự trữ ngoại hối! Mà nhìn vào câu chuyện của Nhật Bản thì thấy rằng can thiệp bao nhiêu cho đủ khi thị trường đã biết là mình đang phải “gồng”.

Ngân hàng Nhà nước có thể làm gì?

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng hơn 5% tính từ đầu năm 2024 và áp lực tỷ giá ngày một lớn hơn với việc nhập siêu quay trở lại trong tháng 5. NHNN đã có những động thái điều chỉnh để đón trước làn gió ngược này. Cụ thể, NHNN đã đồng loạt tăng lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu trong phiên ngày 22-5.

Việc tăng lãi suất trên thị trường OMO và lãi suất tín phiếu cho thấy động thái của NHNN là điều chỉnh “đẩy” lãi suất ngắn hạn lên. Điều này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng liên tục được các ngân hàng niêm yết sát trần và cao hơn giá bán can thiệp. Song song đó, NHNN cũng bán đô la Mỹ ra như một dạng can thiệp tăng nguồn cung đô la Mỹ trên thị trường. Kể từ khi bắt đầu bán đô la Mỹ can thiệp ổn định tỷ giá từ cuối tháng 4, ước tính NHNN đã cung ứng ra thị trường khoảng 2,5 tỉ đô la.

Đây là những bước đi hợp lý, nhưng nó có giúp phòng thủ được phòng tuyến tỷ giá thì còn nhiều yếu tố “hên xui”.

Sẽ có người hỏi “vì sao phải ráng giữ tỷ giá?”, “sao không thả nổi ra nếu áp lực lớn quá?”. Có nhiều lý do, nhưng rủi ro lớn nhất có lẽ đến từ nỗi lo lạm phát tăng và bất ổn vĩ mô. Nghe có vẻ mơ hồ, nhưng hoàn toàn là rủi ro rất thật.

Ví dụ, khi đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu cuối tháng 5 vừa qua, hãng tin Bloomberg nhận xét “đối với các nền kinh tế mệt mỏi vì lạm phát, đồng nội tệ yếu hơn đã làm tăng chi phí nhập khẩu vào thời điểm giá dầu thô, thực phẩm và chi phí cung ứng toàn cầu đang tăng cao. Ngay cả các nhà xuất khẩu thường vui mừng trước triển vọng đồng đô la mạnh cũng lại tỏ ra bi quan hơn”.

Trong bối cảnh lạm phát năm tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%, NHNN có lý do để gia cố tuyến phòng thủ tỷ giá ở mức cao nhất có thể. Nhưng giữ được hay không thì rất khó nói. Có điều chắc chắn là cố gắng giữ được mốc nào hay mốc ấy vẫn tốt hơn đầu hàng.

Chuyên gia Trương Văn Phước từng nói: “Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá. Đây là phòng tuyến sông Cầu, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”. Nó tương ứng với nhận định trên của Bloomberg, và tôi đồng ý rằng phòng tuyến này phải được giữ ở mức tốt nhất có thể và chờ đợi gió đổi chiều.

Một số nhà phân tích và cả NHNN đều chỉ ra là sức ép tỷ giá nhiều khả năng sẽ “nguội” dần về cuối năm. Điều này là có cơ sở vì về cuối năm, dòng tiền từ kiều hối, giải ngân FDI và xuất khẩu sẽ giúp cân bằng lại nhu cầu đô la Mỹ.

Nó giống như chúng ta đang trong đợt nắng nóng nhưng vẫn phải cố cầm cự chờ mùa mưa đến. Mọi giải pháp đều phải tính đến, bao gồm… cầu mưa trong đợt nắng nóng, nhưng có một điều chúng ta biết chắc là mùa mưa rồi sẽ đến, không nên bi quan.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới