(KTSG) - Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, nói rằng quy định lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân chỉ mang tính khuyến khích, song theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc này là bắt buộc.
- Dữ liệu giám sát hành trình có được sử dụng để chế tài xe vi phạm?
- Sắp vận hành hệ thống camera giám sát giao thông trên hai tuyến quốc lộ 55, 56
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 23-10-2023. Một trong những quy định được quan tâm là ô tô cá nhân có phải lắp camera hành trình hay không?
Trên báo chí(1), đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, lực lượng chức năng không bắt buộc mà chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân. Đồng thời, cơ quan chức năng không thu thập dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra sự cố trên đường hoặc ghi nhận được sự cố của xe khác.
Tuy nhiên, điều 33, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (bản ngày 31-8-2023, đã gửi đến các đại biểu Quốc hội) quy định, xe cơ giới tham gia giao thông “phải đáp ứng các điều kiện”: (1) được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số; (2) bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; (3) có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Trong quá trình góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến ủng hộ xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, với ô tô cá nhân, ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ vì nhiều lý do.
Đầu tiên là chi phí tuân thủ pháp luật của người dân. Cả nước hiện có năm triệu ô tô các loại, trong đó có khoảng ba triệu xe cá nhân (dưới chín chỗ ngồi, không kinh doanh)(2). Hiện chưa có quy định bắt buộc nhưng nhiều chủ xe đã chủ động lắp camera hành trình vì những lợi ích thiết thực, nhất là khi xảy ra tai nạn, va chạm. Tuy nhiên, nếu bắt buộc toàn bộ ô tô cá nhân phải lắp các thiết bị này thì chi phí tuân thủ của người dân sẽ rất lớn.
Giá camera hành trình; camera giám sát lái xe trên thị trường dao động vài trăm ngàn tới vài triệu đồng một chiếc, tùy tính năng và chất lượng hay các công nghệ nâng cao… Như vậy, chi phí cho ba triệu xe cá nhân sẽ lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Trường hợp phải chia sẻ dữ liệu hành trình tới cơ quan quản lý, chủ xe phải tốn thêm phí lưu trữ dữ liệu hàng năm - con số này cũng không hề nhỏ.
Nếu việc bắt buộc lắp đặt camera hành trình nhằm giúp nâng cao hiệu quả quản lý xe ghép, xe đi chung, xe trung chuyển “núp bóng” xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải thì câu hỏi đặt ra là: có công bằng không nếu đặt gánh nặng quản lý (với một nhóm đối tượng nhỏ) này lên hàng triệu chủ ô tô cá nhân? Và chi phí bỏ ra so với lợi ích, hiệu quả mang lại có tương xứng hay không?
Hơn nữa, khi các xe đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, muốn quản lý được thì phải chia sẻ dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước. Như trích dẫn ở trên, cơ quan chức năng khẳng định không thu thập dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, điều 67 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông dành một khoản quy định về Trung tâm chỉ huy giao thông. Theo đó, đây là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin tình hình giao thông phục vụ rất nhiều mục đích như: chỉ huy, điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông…
Trung tâm này cũng có Hệ thống kết nối, tiếp nhận dữ liệu, chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Vậy phải chăng, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình sẽ là mọi lúc, mọi nơi chứ không phải chỉ khi xảy ra sự cố? Khi đó, quyền riêng tư của hàng triệu chủ xe xử lý như thế nào? Đặc biệt với thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, thì dữ liệu, hình ảnh đó được bảo vệ ra sao?
Cuối cùng, thu thập nhiều dữ liệu cũng mang lại rủi ro và chi phí cho chính cơ quan nhà nước, bởi sau khi thu thập thì phải lưu trữ, bảo vệ. Việc này nếu làm không tốt, để xảy ra mất mát dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư của người dân thì hệ lụy không nhỏ. Ngân sách chi cho việc thu thập, lưu trữ, bảo vệ dữ liệu ra sao cũng cần được tính toán cụ thể khi đánh giá tác động của quy định.
Các phân tích trên cho thấy, đề xuất ô tô cá nhân phải trang bị thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình… ảnh hưởng lớn đến người dân trên nhiều khía cạnh, cả về chi phí và quyền riêng tư; đồng thời, tác động đến cả cơ quan quản lý và ngân sách nhà nước. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ mục tiêu của đề xuất này, cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập; đặc biệt là phải giải bài toán chi phí - lợi ích, hiệu quả tổng thể.
Và nếu tinh thần của cơ quan soạn thảo là “khuyến khích” chứ không “bắt buộc”; và việc chia sẻ dữ liệu chỉ xảy ra khi có sự cố, tai nạn, thì tinh thần này cần được thể hiện rõ ràng trong dự thảo luật, thay vì câu chữ vẫn còn quá rộng như quy định trong dự thảo ngày 31-8.
(1) https://vnexpress.net/khong-bat-buoc-lap-camera-giam-sat-lai-xe-ca-nhan-4655060.html
(2) https://xe.baogiaothong.vn/co-bao-nhieu-o-to-dang-lan-banh-tai-viet-nam-192585240.htm