(KTSG) - Kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng “thần kỳ” trong chín tháng đầu năm nay, lên đến 8,83%. Tuy nhiên, việc tăng trưởng ấn tượng đó còn đặt ra nhiều vấn đề khác không phải là không đáng lo ngại.
Theo báo cáo gửi Quốc hội ngày 18-10, Chính phủ dự kiến phải vay 619.492 tỉ đồng trong năm 2022, tăng gần 105.200 tỉ đồng so với năm ngoái. Mức vay cho năm sau cũng được Chính phủ dự kiến là 644.515 tỉ đồng. Một tỷ lệ rất lớn khoản vay này là để trả nợ gốc và lãi.
Cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng công bố báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, trong đó nêu ra tình trạng lãng phí, chậm tiến độ nghiêm trọng tại các dự án đầu tư bệnh viện công, hàng trăm tỉ đồng thiết bị mua về để đắp chiếu.
Đây chỉ là một phần trong bức tranh chung về tình hình sử dụng vốn đầu tư công hoặc có nguồn gốc của Nhà nước. Danh sách các công trình, dự án chậm tiến độ, bị bỏ hoang, hoặc xây dựng xong nhưng không đưa vào khai thác được trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học cho đến bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa, nhà máy xử lý rác... Đó là chưa tính đến hàng loạt những dự án dở dang khác của doanh nghiệp nhà nước.
Bất kể vì lý do gì, ngày nào mà các công trình đầu tư kể trên chưa thể đưa vào khai thác thì nó chẳng những không giúp ích gì được cho nền kinh tế, cho xã hội, mà còn là gánh nặng nợ nần cho ngân sách quốc gia. Năm 2022, tổng số nợ mà Chính phủ trực tiếp phải trả là 294.300 tỉ đồng và con số này của năm sau cũng gần tương đương năm nay.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào gia tăng đầu tư nhiều hơn là nhờ tăng năng suất. Điều đáng lo ngại là để có được một đơn vị tăng trưởng thì số tiền phải bỏ ra để đầu tư ngày càng nhiều hơn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy hệ số ICOR của cả nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 là 6,25, nghĩa là phải bỏ ra 6,25 đồng để đầu tư mới tạo ra được 1 đồng tăng trưởng GDP.
Đến giai đoạn 2016-2021, hệ số này đã tăng lên tới 7,54. Hệ số ICOR tăng nhanh như vậy chủ yếu là do hiệu quả đầu tư từ phía Nhà nước suy giảm, trong đó “thủ phạm” chính là những dự án đầu tư kéo dài tiến độ, công trình xây dựng để bỏ hoang hay thiết bị mua về để “đắp chiếu”... Đầu tư để có tăng trưởng, nhưng hiệu quả đầu tư ngày càng kém đi như vậy thì tăng trưởng càng cao nợ nần sẽ càng lớn.
Những bất cập về cơ chế được cho là lý do chính dẫn đến tình trạng tiến độ đầu tư của nhiều dự án bị kéo dài, khiến cho hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn bị mắc kẹt trong các công trình dở dang. Đây là nguyên nhân chủ quan.
Nếu Nhà nước không thể thiết lập được cơ chế quản trị đầu tư linh hoạt, mà cứ tiếp tục “chịu trận” với những trói buộc hành chính như lâu nay, thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước sẽ khó cải thiện.
Hiện nay nợ của của Chính phủ vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng với tình trạng sử dụng vốn đầu tư lãng phí như vậy thì liệu sẽ còn an toàn được trong bao lâu nữa!