Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần cơ chế và hướng dẫn để thu hút tư nhân tham gia ‘đổi mới sáng tạo’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nguồn lực của tư nhân đóng góp quan trọng vào hoạt động đổi mới sáng tạo, tuy nhiên, để thu hút được nguồn lực này cần có cơ chế chính sách ưu đãi và hướng dẫn rõ ràng hơn. Đó là ý kiến của đại biểu đưa ra tại hội nghị đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong tại hội nghị chiều 5-4. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị diễn ra chiều nay, 5-4, ở TP Cần Thơ, bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) cho rằng, trong quá trình đầu tư tại tỉnh Long An, đơn vị này có thời gian tham quan, tìm hiểu rất dài nên hiểu rất rõ về tình trạng nguồn nhân lực ĐBSCL.

Chính vì vậy, theo bà Phương, đơn vị này đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và nhận được ủng hộ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. “Đến lúc làm đề án này, tôi rất băn khoăn và phải trình bày với Hội đồng quản trị rất nhiều", bà nói và giải thích vì luật không có ưu đãi đầu tư nào cho nhà đầu tư trực tiếp hạ tầng như SAIGONTEL.

Theo bà Phương, do đơn vị này có nhiều khu công nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư lớn như: Samsung, LG… , cho nên, đã mạnh dạn phối hợp để thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân tại tỉnh Long An.

Bà Phương cho rằng, dù đơn vị này nhận được sự ủng hộ rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Long An cũng gửi cho đơn vị này một công văn với 10 câu hỏi. “10 câu hỏi này chúng tôi hiểu các anh chị cũng băn khoăn vì trong luật không có gì rõ ràng”, bà cho biết và thông tin trong Nghị định 94 cũng chỉ “đưa ra vấn đề đơn giản” là tư nhân cũng được giống như Nhà nước.

Tuy nhiên, bà Phương nhấn mạnh, tư nhân khác, bởi không được giao đất, ưu đãi cũng không, rồi cơ chế vận hành thế nào? cơ chế thu hút đầu tư ra sao?…, gần như không có hướng dẫn. “Chúng tôi phải tiếp tục “vật lộn” kể từ ngày nhận được ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đến hôm nay”, bà nói.

Chính vì vậy, tại hội nghị hôm nay, bà Phương mong có hướng dẫn cụ thể hơn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân. “Tôi nghĩ rằng, đổi mới sáng tạo phải là nguồn lực của cả xã hội, của cả tư nhân vì tư nhân họ sẽ “sốt ruột” đồng tiền bỏ ra nên thu hút mạnh hơn, đưa các doanh nghiệp về nhiều hơn”, bà cho biết.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh đơn vị này sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn cũng như sẽ làm việc với tỉnh Long An để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi thì hướng dẫn về đầu tư, doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo nên chúng tôi nghĩ cũng không vấn đề gì”, ông Đông nói.

Trước đó, tại hội nghị này, ông Đông cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng dựa trên tài nguyên tri thức với trụ cột là internet và kỹ thuật số. “Nền kinh tế số đang từng bước thay đổi nền kinh tế truyền thống, cho nên, cơ cấu lao động cần có sự thay đổi theo hướng chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, đáp ứng kịp thời cho nền kinh tế số”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Đông, lao động của Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm có kỹ năng thấp với tỷ lệ hơn 40%, cao nhất khu vực Đông Nam Á và chỉ có 10% lực lượng lao động có kỹ năng cao, thấp hơn so với 20% của Malaysia, Philippines và 50% của Singapore.

Trong khi đó, để thích ứng với các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của quá trình chuyển đổi số và tự động hoá đòi hỏi số lượng lớn lao động có kỹ năng cao. “Để đáp ứng yêu cầu này, đào tạo mới, đào tạo nâng cao kỹ năng để phát triển nguồn nhân lực số là vấn đề cấp thiết và cần được tập trung nguồn lực triển khai bài bản và liên tục”, ông Đông nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi động sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Initiative-MII) nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo nguồn lực cho cho nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở khu vực ĐBSCL.

Ông Đông nhấn mạnh: “Sáng kiến MII sẽ thúc đẩy sự quan tâm, làm động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho ĐBSCL”.

Bà Ann Marie Yastisshock, Giám đốc USAID Việt Nam cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tận dụng tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi kinh tế. “Để làm được điều này, cần trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động nhằm tận dụng nền kinh tế tri thức để phát triển nhiều lĩnh vực”, bà gợi ý.

1 BÌNH LUẬN

  1. Để đổi mới sáng tạo (ĐMST) thì cần phải vượt qua điểm nghẽn then chốt 3M (Management/ Man/ Money). Cụ thể 1. Môi trường thể chế và pháp luật, 2. Con người dấn thân ĐMST, 3. Nguồn lực tài chính. Không nhất thiết phải thành lập trung tâm ĐMST, nhiều khi chỉ là hình thức, sa đà vào thủ tục hành chính, không thực chất, mà nên kiên trì chiến lược biến ĐMST trở thành nội lực/ động lực phát triển của mỗi tổ chức/ cá nhân. Nâng cấp mạnh mẽ chất lượng giáo dục, đào tạo, liên kết, hội nhập, từ đó kiến tạo nền tảng vững chắc, không ngừng hoàn thiện thể chế và nguồn nhân lực, mạnh dạn từ bỏ những thứ cản trở, lạc hậu. Cần thiết phải có một hệ thống tài chính kết hợp công tư hiệu quả để bảo trợ cho quá trình nghiên cứu, đầu tư phát triển, hỗ trợ nguồn lực mạnh mẽ cho ĐMST. Thay vì lập ra các trung tâm này nọ thì nên xây dựng mô hình ngân hàng hoặc định chế tài chính chuyên biệt, huy động, tập trung tài trợ cho các mô hình khởi nghiệp, sáng kiến, cải tiến diễn ra liên tục, bền bỉ, có chiều sâu, biết chấp nhận và kiểm soát được rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới