Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần có ‘ngân hàng cát’ để quản lý bền vững nguồn cát ở ĐBSCL

Huỳnh Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Báo cáo tham vấn của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai cho thấy, sạt lở đã và đang “bủa vây” Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu thống kê ghi nhận trong thời gian qua cho thấy, trung bình mỗi năm vùng này mất đến 500 hecta đất vì sạt lở.

Nhiều nhà báo cùng đại diện WWF Việt Nam khảo sát cát trên sông Hậu vào tháng 10-2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ngày 19-12, tại Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm “Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”. Toạ đàm xoay quanh dự án quản lý bền vững cát ở ĐBSCL.

Mỗi năm sạt lở “nuốt” mất 500 ha đất

Theo WWF Việt Nam, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với hơn 18 triệu dân đang đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở… cũng đang gia tăng từng ngày tại vùng này.

Trong đó, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là việc đối mặt với sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Báo cáo tham vấn của WWF Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) cho thấy, sạt lở đã và đang “bủa vây” ĐBSCL. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500 hecta đất. Trong 3 năm (2018 – 2020), sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Riêng năm 2020, tỉnh An Giang có 53 điểm sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 171.000 mét, khiến khoảng 20.000 hộ dân bị đe dọa phải di dời. Đồng Tháp mất khoảng 329 hecta đất do sạt lở, phải di dời khoảng 8.000 hộ dân. Thành phố Cần Thơ nằm ở giữa đồng bằng mà vào cuối năm 2020, đã có 30 điểm sạt lở, 1.400 mét sông bị xói mòn, thiệt hại hơn 16 tỉ đồng.

Gần đây, hôm 5-12, vụ sạt lở dài khoảng 350 mét, rộng khoảng 160 mét ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã làm 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, có 12 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Thống kê mới nhất của Bộ NNPTNT đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 km, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193 km.

Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5 mét; giai đoạn 2009-2016 độ sâu này tăng thêm 5-10 mét và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức, chuyện xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng.

Ông Hà Huy Anh, người quản lý dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL thuộc WWF Việt Nam, khẳng định việc khai thác cát không bền vững đang tác động không nhỏ đến hình thái của hai dòng sông chính ở khu vực ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu.

Tọa đàm về quản lý bền vững cát ở ĐBSCL sáng ngày 19-12-2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nguy cơ cạn kiệt nguồn cát

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cho quá trình đô thị hoá và công trình giao thông ở cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL vẫn gia tăng từng ngày. Do vậy, việc khai thác cát tràn lan vừa ảnh hưởng về môi trường - xã hội, vừa gây ra tình trạng khan hiếm cát, tạo thêm thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, giao thông.

ĐBSCL đang chuẩn bị khởi công một số công trình giao thông trọng điểm như các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh, hay dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ vừa khởi công. Những dự án này cần đến gần 40 triệu mét khối cát. Các địa phương đang lo thiếu cát và Cần Thơ còn phải tính đến phương án nhập cát từ Campuchia.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong và nhiều nhà khoa học, hàng năm lượng cát từ thượng nguồn đổ về vùng ĐBSCL khoảng 7 triệu tấn nhưng có đến 6,5 triệu tấn đổ ra biển Đông. Trong khi đó, lượng cát khai thác hàng năm trên sông Tiền và sông Hậu là từ 28 - 40 triệu tấn. Như vậy, mỗi năm ĐBSCL hụt khoảng 27,5 – 39,5 triệu tấn cát.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường sinh thái ĐBSCL, cho biết cát di chuyển từ thượng nguồn, trải qua mấy ngàn cây số và hàng chục năm để về đến ĐBSCL. Cát là vật liệu nặng, di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển khi có dòng nước lũ mạnh cuốn đi. Thực tế trên sông Mekong, cát di chuyển về hạ lưu trong 3 tháng đầu mùa lũ, cụ thể là tháng bảy, tám và chín, với hành trình từ 100 - 200 km/năm tùy theo dòng nước lũ lớn hay nhỏ. Đến tháng 10, hành trình này sẽ dừng lại, chờ đến mùa lũ năm sau cát sẽ tiếp tục trôi xuôi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các đập thủy điện trên phía thượng nguồn làm giảm lượng cát di chuyển xuống hạ lưu và trong tương lai số lượng thủy điện được xây dựng sẽ còn tăng. Trong các thập kỷ vừa qua, việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện dọc sông Mekong, đặc biệt khi các đập thủy điện cũ không được thiết kế để cho phép trầm tích lưu thông từ thượng nguồn về hạ lưu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do dòng chảy và vận chuyển trầm tích.

Ông Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh rằng, với việc khai thác cát không bền vững như hiện nay trong hoàn cảnh đó, tương lai nguồn cát trên sông Mekong sẽ cạn kiệt.

Cán bộ kỹ thuật của WWF Việt Nam khảo sát cát dưới lòng sông Hậu ở An Giang vào tháng 10-2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

“Ngân hàng cát” và vật liệu thay thế

Sau đợt khảo sát mùa khô vào tháng 4, cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, đoàn khảo sát thuộc dự án Quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL đã cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức đo đạc lượng bùn và cát từ sông Mekong đổ về ĐBSCL ở 12 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Điểm đầu ở trạm thủy văn Tân Châu - Châu Đốc, điểm cuối trước ngã 3 sông Hậu đổ ra biển.

Các đợt khảo sát này thuộc dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện. Dự án kéo dài từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2024 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Dự án có 4 hợp phần: xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của khai thác cát không bền vững; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát không bền vững; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

Theo kết quả đợt khảo sát vào mùa khô, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu (An Giang), “mỏ cát” lớn nhất ĐBSCL, nay chỉ còn khoảng 30 mét khối/mét rộng ngang sông/năm, bằng khoảng 15-20% lượng cát đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm. Kết quả đo đạc cũng cho biết phù sa Mekong đổ về sông Hậu mùa này chủ yếu là bùn hữu cơ, chỉ ở sông Tiền mới có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mekong. Riêng kết quả đợt khảo sát vào mùa mưa vừa qua, đến tháng 4-2023, WWF Việt Nam sẽ công bố.

Theo ông Hà Huy Anh, kết quả các đợt khảo sát này là dữ liệu quan trọng để xây dựng “ngân hàng cát” cho cả vùng ĐBSCL. Qua đó, sẽ đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác với khối lượng cụ thể.

Ông Hoàng Việt, Giám đốc dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL cho rằng, dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay không bền vững, việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi nên việc xây dựng “ngân hàng cát” là rất cần thiết.

“Ngân hàng cát” sẽ cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp), và lượng cát đổ ra biển. Kết quả tính toán ngân hàng cát sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.

Về việc phát triển các vật liệu thay thế cát sông, ông Hoàng Việt cho biết đây là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Vật liệu thay thế cát sông phổ biến nhất hiện nay ở nước ta là cát nghiền từ đá vôi, đá granite để sản xuất bê tông đúc hoặc để xây dựng đập ở các công trình thủy điện.

Một số doanh nghiệp ở TPHCM cũng đang sử dụng thạch cao thay cát để trát tường, hoặc sử dụng xốp đặc biệt thay một phần cát để đổ bê tông trần nhà cao tầng. Thực tế là nguồn vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam và riêng ĐBSCL rất hạn chế, nên cần có thêm giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm lượng cát tiêu thụ song song với phát triển vật liệu thay thế.

Với chuyện khai thác cát biển, dự án này cho biết kinh nghiệm toàn cầu chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng với việc khai thác cát ngoài khơi vì sự ổn định của bờ biển, xói mòn và các vấn đề về mất da dạng sinh học. Nhiều nước đã cấm khai thác cát ngoài khơi. Hơn nữa, cát biển phải được rửa mặn trước khi sử dụng nếu không sẽ gây ăn mòn bê tông.

“Trong bối cảnh hơn 68% bờ biển đang đối mặt với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu trầm tích sông bổ sung cho các bờ biển, việc khai thác cát biển cần được nghiên cứu và đánh giá một cách thận trọng trước khi khai thác phục vụ phát triển hạ tầng ở ĐBSCL”, ông Hoàng Việt nhấn mạnh.

Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL nêu rõ, cần có thời gian và sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế cát sông ở Việt Nam. WWF Việt Nam cũng đang cùng tư vấn quốc tế thực hiện nghiên cứu về vật liệu thay thế cát sông bền vững và sẽ công bố vào tháng 4-2023.

Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL đề xuất các hoạt động thúc đẩy công tác truyền thông bao gồm:

  • Thành lập mạng lưới các nhà báo môi trường - thời sự - chính sách để kịp thời thông tin về các vấn đề liên quan đến khai thác cát ở Việt Nam và trên thế giới; tăng cường số lượng và chất lượng thông tin về khai thác cát trên truyền thông đại chúng.
  • Nâng cao năng lực nhà báo ở nội dung khai thác cát bằng cách tổ chức các buổi tập huấn, đi thực tế và tạo điều kiện để nhà báo tiếp xúc với các chuyên gia.
  • Thực hiện các bài đăng ý kiến chuyên gia về vấn đề khai thác cát, vật liệu thay thế và các đề tài liên quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới