(KTSG Online) - Liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khu vực cần có những dự án lớn, mang tính lâu dài. Theo đó, ĐBSCL cần chuẩn bị kế hoạch, huy động được nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thực hiện các công trình chống sạt lở.
- Thêm một nhà máy đường tại ĐBSCL dừng hoạt động
- Bắc Trung bộ, Tây Nguyên khả năng còn xảy ra lũ quét, sạt lở do mưa
Trong chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với các đại biểu về những vấn đề liên quan đến đầu tư, phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), baochinhphu.vn đưa tin.
Trước đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 4.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục những vấn đề trên. Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL đang đối mặt với một số vấn đề như sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn và đề nghị các đoàn đại biểu giám sát việc sử dụng nguồn lực sao cho đem lại hiệu quả tích cực.
Về lâu dài, ông nhấn mạnh vùng cần có những dự án lớn, mang tính dài hạn. Những dự án này có thể cần vốn hàng tỉ đô la Mỹ. Trong đó, ngành chức năng lưu ý ở các tỉnh như Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau bởi đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, để giải quyết tình trạng sạt lở ĐBSCL thì ngành chức năng, địa phương cần chuẩn bị kế hoạch cho những dự án mang tính lâu dài này, huy động được nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện dự án hợp tác công tư, hướng đến xây dựng các công trình chống sạt lở.
Hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án, góp phần giảm bớt ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mê Kông. Ngoài ra, việc thúc đẩy các tiểu vùng sông Mê Kông với các đối tác lớn, các nước liên quan trong khu vực để cùng giải quyết vấn đề cũng là nhiệm vụ quan trọng.
Thông tin tại cuộc họp, Chính phủ đang hướng dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình trồng 1 triệu héc-ta lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu. Ngoài ra, bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL có thể tận dụng lợi thế từ dòng sông.