(KTSG Online) – Nông nghiệp ghi nhận kỷ lục mới khi đạt kim ngạch xuất khẩu 62,5 tỉ đô la Mỹ năm 2024. Tuy nhiên, lĩnh vực chủ lực này vẫn chịu nhiều thách thức, cả bên trong lẫn bên ngoài. Vậy, nông nghiệp cần làm gì để thích ứng với bối cảnh mới?
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, KTSG Online đã phỏng vấn ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những kết quả cũng như trăn trở trong hành trình phát triển lĩnh vực chủ lực này, đem lại ấm no hạnh phúc cho người nông dân...
Ông Lê Minh Hoan: Đây là con số biết nói, nhất là trong bối cảnh đầy khó khăn của thiên tai, nhưng khả năng phục hồi nhanh. Nông dân, doanh nghiệp thích ứng tốt với xu thế của thị trường, dù nó rất “huyền ảo”, tức nay đưa ra tiêu chuẩn này, mai có tiêu chuẩn khác.
Sự liền lạc thông tin thị trường do cơ quan quản lý (các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao và cơ quan thương vụ ở nước ngoài) chuyển về nhanh chóng được hiệp hội/doanh nghiệp tiếp cận, chia sẻ lại với hợp tác xã/nông dân đã giúp thích ứng nhanh, linh hoạt theo sự co giãn/chuẩn mực của thị trường để làm tốt.
Dù nông nghiệp phổ biến vẫn là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, nhưng doanh nghiệp dần hình thành được các mối liên kết, tức mỗi doanh nghiệp đều có vùng nguyên liệu, bao gồm liên kết với nông dân/hợp tác xã cũng đã góp phần đạt được cấu trúc của ngành hàng, giúp tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn.
Ngành nông nghiệp được thể hiện qua mấy chữ, đó là “hợp tác, liên kết, thị trường, chi phí, tăng chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm”. Đây là nội dung nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tức hợp tác những người nông dân nhỏ trở thành quy mô hàng hoá lớn; liên kết nông dân/hợp tác xã với doanh nghiệp và lấy thị trường làm tiêu chuẩn cho sản xuất, chế biến, kinh doanh, giảm chi phí và nâng cao chất lượng nông sản- vốn là tiền đề tạo kỷ lục mới cho xuất khẩu.
Sản phẩm ngành nông nghiệp dần được đa dạng, tức chế biến sâu dần hình thành. Trong đó, Nghị định thư xuất sang Trung Quốc các sản phẩm dừa chế biến, sầu riêng chế biến…, đã dần phá bỏ lời nguyền “bán nông sản thô”, giúp tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm rủi ro áp lực mùa vụ.
Rõ ràng, như khu vực tỉnh Tiền Giang, nhà máy chế biến, từ thanh long, xoài, sầu riêng, dừa…, để đa dạng hoá sản phẩm được hình thành nhiều hơn. Đây là kết quả của chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Doanh nghiệp thấy và đã cấu trúc lại, làm chủ vùng nguyên liệu, liên kết với người nông dân xung quanh, đưa tiêu chuẩn thị trường đến nông dân/hợp tác xã là những thành quả, góp phần vào kết quả của năm 2024.
Về mặt thuận lợi, đó là tính chủ động, kịp thời, thậm chí qua các nhóm zalo, mỗi khi có thông tin thay đổi tiêu chuẩn thị trường, lập tức được chuyển đến doanh nghiệp để họ biết. Đây là thuận lợi của các Bộ ngành Trung ương, trong đó, có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, ngược lại đây cũng là thách thức, tức tiêu chuẩn thị trường thay đổi quá nhanh, người dân không theo kịp. Chẳng hạn, vụ tôm hùm ở Phú Yên, thị trường Trung Quốc thường dùng "size" lớn, nhưng đột ngột chuyển sang "size" nhỏ, dẫn đến con lớn bán không được, phải tiếp tục đàm phán với Trung Quốc tháo gỡ. Đây là minh hoạ cho sự biến động đối với ngành nông nghiệp mà tôi hay nói nông nghiệp đứng trước ba biến là “biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng”.
Chẳng hạn, với biến động thị trường, nhiều khi thị trường mở ra một cánh cửa, nhưng lại đóng một cánh cửa khác bằng hàng rào kỹ thuật, bảo hộ. Thậm chí, là sự cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu trên cùng một loại nông sản.
Rõ ràng, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc, là sự cạnh tranh với Thái Lan hay mới đây có thêm Malaysia, tức cuộc đua này không chỉ hai mà rất nhiều bên. Do đó, vừa phải lắng nghe thị trường nhập khẩu, nhưng vừa phải xem những quốc gia xuất khẩu cùng mặt hàng để có sự tính toán.
Chính vì vậy, doanh nghiệp phải thay đổi, cần đi cùng nhau để đi xa. Vừa rồi, doanh nghiệp được tập hợp, cùng tổ chức phiên chợ ở chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh là để khai thác thị trường cao cấp của Trung Quốc, đánh động thị trường, mời nhà tiêu thụ, chợ đầu mối lớn nhất Trung Quốc để quảng bá nông sản Việt, bắt đầu đưa hàng nông sản chế biến để tạo sự thay đổi.
Ông Lê Minh Hoan: Thật ra, bản thân ngành nông nghiệp đã có sự “chông chênh” của nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việt Nam không phải là quốc gia có lợi thế sản xuất nông nghiệp như chúng ta vẫn thường nghĩ.
Rõ ràng, nếu xét quy mô, Việt Nam gần như nằm ở nhóm thấp nhất về quy mô đất nông nghiệp/hộ, thậm chí Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nói đến là thuận lợi, thì đô thị hoá, công nghiệp hoá đã “xé” nhỏ hết. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam tính bằng công (1 công là 1.000 m2), thậm chí bằng sào (360m2 đối với Bắc bộ và 500m2 đối với Trung bộ), trong khi châu Âu 10-15, thậm chí 20 héc ta/người.
Thực trạng trên cho thấy, cần phải hợp tác, liên kết nhằm tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, giúp giảm chi phí. Muốn vậy, phải cấu trúc lại ngành hàng và dựa vào lợi thế so sánh từng địa phương, chứ không phải lúc nào cũng làm… “cánh đồng mẫu lớn”.
Ví dụ, hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL, không cần "cánh đồng mẫu lớn", nông dân vừa nuôi tôm, nuôi cá, vừa trồng lúa, tức chuyển sang sản xuất quy mô hàng hoá phù hợp vùng sinh thái, trong đó, quyết định là tăng được giá trị trên cùng đơn vị diện tích, chứ không phải sản lượng quy mô lớn quyết định. Điều này có nghĩa, nông nghiệp phải mang tư duy tích hợp đa ngành, chuyển sang tăng trưởng đa ngành, thay vì là đơn ngành như hiện nay.
Ông Lê Minh Hoan: Thật ra nông dân đã rất giỏi, như mô hình lúa- cá, lúa- tôm do doanh nghiệp và nông dân triển khai rất hiệu quả nên đừng nghĩ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay cấp trên làm.
Tuy nhiên, từ những mô hình được nông dân thực hiện thành công trong thực tiễn, cần nhân rộng lên và xây dựng thị trường riêng. Ví dụ, lúa- tôm, tức là lúa sinh thái, thì phải khác lúa không có tôm, chứ bán như lúa thường sẽ không thu hút nông dân tham gia.
Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước là tổng hợp, đúc kết mô hình và đưa thêm giá trị mới, trong đó, quan trọng phải tạo được thị trường cho phân khúc này; hỗ trợ, huấn luyện người nông dân kể câu chuyện lúa- tôm khác lúa thường.
Mặt khác, tư duy nông nghiệp bây giờ cũng khác xưa, phải là cụm liên kết ngành công nghiệp vì ranh giới giữa công nghiệp và nông nghiệp dần xoá bỏ, tức nông nghiệp vẫn là công nghiệp và ngược lại.
Ngày xưa, nghĩ công nghiệp hoá nông nghiệp là xây dựng logistics, đường xá, nhưng không phải, bản thân những tiêu chuẩn nông nghiệp là phải phải tiệm cận với công nghiệp, tức phải có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng như công nghiệp vì nông nghiệp không chuẩn thì nguyên liệu đầu vào cho chế biến của công nghiệp cũng không tốt.
Như vậy, làm nông nghiệp, nông dân cũng trở thành công nhân, trong đó, mỗi người như một khâu của dây chuyền trong nhà máy, chỉ một người lỗi thì hư luôn cả sản phẩm.
Ông Lê Minh Hoan: Thật ra, tinh giảm biên chế đợt này hướng tới mục tiêu sâu xa hơn, đó là tư duy lại quản trị quốc gia, mà trong quản trị quốc gia được chia làm hai loại: một là quản trị quốc gia và hai là quản trị địa phương.
Ngày xưa quyền lực nằm trên quốc gia và nông nghiệp là ngành rõ nhất, tuy nhiên, địa phương mới quan trọng, bởi cấp cơ sở mới nắm hết mọi việc diễn ra trong thực tế, chứ không phải cấp Trung ương. Do đó, quan trọng nhất là chuyển nhiệm vụ quốc gia về địa phương, nhưng muốn vậy phải đào tạo lại cho cán bộ.
Hệ thống hiện tại của mình bây giờ, đó là "cấp trên với xuống không tới", nhưng "cấp dưới lại chờ cấp trên", trong khi "nông dân thì ở ngoài đồng" nên không biết nghe ai. Do đó, khuyến nông cộng đồng hay cán bộ hội phải là người thực chiến. Đây sẽ là đội ngũ địa phương.
Quan trọng hơn, là phân định lại quản trị, tức việc nào của địa phương là địa phương phải làm và chịu trách nhiệm, trong khi trách nhiệm của Trung ương là đi đàm phán thị trường, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, huấn luyện cán bộ địa phương, chứ không làm thay cán bộ địa phương.
Ông Lê Minh Hoan: Trước tiên, cần hiểu rõ ngành nông nghiệp đang đối mặt với những thách thức rất lớn, bao gồm: một là, đất đai manh mún, nhỏ lẻ và sẽ còn nhỏ hơn do công nghiệp hoá, xây dựng hạ tầng; hai là, biến động thị trường và ba là, biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức phải là tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, chứ không phải chỉ... "ăn ngon".
Điều quan trọng hơn, là các là các quốc gia bắt đầu có xu thế “tự chủ lương thực”, trong đó, Indonesia đã tuyên bố điều này hay các đoàn nông nghiệp Philippines qua Việt Nan học trồng lúa, tức khi họ tự chủ được bao nhiêu cũng đồng nghĩa thị phần Việt Nam bị thu hẹp bấy nhiêu, chưa kể cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.
Từ vấn đề nêu trên, doanh nghiệp cần chuyển từ “tư duy thương mại sang tư duy đầu tư”, tức doanh nghiệp sẽ qua các nước để đầu tư và thương mại. Chúng tôi đang trình Trung ương cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, giống như đầu tư ra nước ngoài.
Không gian vật lý của Việt Nam đã hết, đã quá chen chút như với ngành khai thác thuỷ sản, có hơn 800.000 tàu cá cùng khai thác trong vùng hơn 1 triệu km. Do đó, trong Nghị quyết sắp tới, chúng tôi có phương án hình thành các tập đoàn nông nghiệp, tập đoàn khai thác để hợp tác khai thác ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách hợp pháp.
Như vậy, một là, với không gian cũ, cần phải tích hợp đa tầng giá trị; hai là, mở ra không gian mới, chủ động chuyển từ “tư duy thương mại sang tư duy đầu tư”. Phải tìm kiếm các quốc gia để hợp tác đầu tư, chứ nếu không đến một lúc nào đó mình mất luôn thị phần. Đây là những bài toán mà nông nghiệp sắp tới phải thay đổi hoàn toàn, có một cuộc cách mạng về tư duy nữa…
Tác giả: Trung Chánh - Trình bày: Thu Trang