(KTSG Online) – Tham gia một cuộc khảo sát trực tuyến, có 86,4% doanh nghiệp cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1-3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.
Đây là một trong số những nội dung chính của bản báo cáo khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5-2021 (có thể tải tại đây).
Cuộc khảo sát trực tuyến dựa trên phần trả lời của hơn 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và báo VnExpress tiến hành.
Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo có liên quan đến “ngưỡng chịu đựng” của các doanh nghiệp, vì nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh dòng tiền hiện nay là không còn đủ để trang trải các chi phí tới hạn trả.
Cụ thể, có đến gần 40% doanh nghiệp cho biết đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” cho biết chỉ còn có thể cầm cự “ít hơn 1 tháng”. Đây cũng là ngưỡng chịu đựng của khoảng 17,7% doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất”.
Chi tiết hơn, báo cáo đánh giá hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất với 45% số hộ trả lời có dòng tiền duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng”. Tỷ lệ này theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần của Việt Nam là 39,5%. Còn loại hình doanh nghiệp nhà nước là 30%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%.
“Điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao”, báo cáo nhận định.
Với khoảng thời gian dài hơn ở mức “cầm cự” từ 1-3 tháng, có đến 46% doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và cả nhóm doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” đánh giá ở mức này.
“Vì thế, thời điểm tháng 9-2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho hai nhóm doanh nghiệp nêu trên nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh”, báo cáo nhận định.
Ngoài ra, vẫn có một số doanh nghiệp tích lũy dòng tiền đủ để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian hơn 6 tháng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” có dòng tiền để duy trì hoạt động “hơn 6 tháng” là 17%, cao hơn gần 6 lần so với tỷ lệ này (3,1%) ở nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch”.
Cắt giảm lao động để phục hồi dòng tiền
Các doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất về tình hình tài chính là việc trả tiền lương cho người lao động. Trên 71% doanh nghiệp tham gia khảo sát của cả nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” cho biết họ gặp khó khăn này.
Khó khăn thứ hai là trả lãi vay cho ngân hàng. Tiếp theo là trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng ở khối tư nhân.
Khó khăn tiếp theo mà nhiều doanh nghiệp đối mặt là đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Khó khăn thứ năm mà nhiều doanh nghiệp của cả hai nhóm gặp phải là trả nợ gốc cho ngân hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ gốc cho ngân hàng là 37% với nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 31% với nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”.
Để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt, giải pháp được lựa chọn nhiều ở cả doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và doanh nghiệp đang “duy trì sản xuất kinh doanh” là giảm chi phí hoạt động.
Cụ thể là cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất. Tỷ lệ các doanh nghiệp chọn cách thức này tương đồng ở cả hai nhóm doanh nghiệp là khoảng 64%.
Đề xuất gói tài chính hỗ trợ trực tiếp
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp, các doanh nghiệp vẫn tập trung phần lớn kiến nghị vào các vấn đề thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng.
Chính sách được nhiều doanh nghiệp đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn nhất là hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương, với tỷ lệ lựa chọn là 62%.
Lý do vì doanh nghiệp vẫn phải giữ chân người lao đồng chờ cơ hội phục hồi sản xuất, dù phải tạm ngưng hoạt động. Trong khi chi phí tuyển dụng lại rất cao, đặc biệt với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu.
Còn những doanh nghiệp đang “duy trì sản xuất kinh doanh” thì việc vay trả lương không phải là lựa chọn hàng đầu mà xếp thứ hai với tỷ lệ 55%.
Tuy nhiên, đây cũng là nhóm doanh nghiệp hiện phải chịu áp lực lớn về chi phí, đặc biệt là chi phí thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, dù công suất hoạt động thấp hơn nhiều so với lúc bình thường.
Để giải quyết bài toán dòng tiền, việc tiếp cận nguồn tiền là điều cần thiết. Tuy nhiên, có khoảng 2,4% số doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” cho biết “không có cách nào khác” để giải quyết khó khăn này.
Theo đó, các doanh nghiệp phản ánh sự bi quan ở nhiều góc độ: “không thể tiếp cận được gói hỗ trợ của nhà nước”, “không thể vay”, “lên tivi vi mà vay”, “xin vay từ năm ngoái đến năm nay không được”…
Với nguồn vay ngân hàng, có khoảng 30% doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” là tiếp cận được, trong khi tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” là hơn 39%.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cũng tiếp cận từ nguồn cá nhân, hoặc vay tổ chức tài chính vi mô với tỷ lệ gần 22% doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 18% ở các doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”.
Sài Gòn oi, làm ơn xúc tiến mở cửa trở lại để cứu doanh nghiệp. Một doanh nghiệp cưu mang biết bao nhiêu người, giãn cách hạn chế thế này sao doanh nghiệp chịu nổi rồi người dân người ta sẽ sống ra sao. Ai cũng cần được sống mà!