Cần hiểu đúng về giảm phát
![]() |
Nhiều ý kiến cho rằng cần nhận định chính xác về hiện tượng giảm phát để Việt Nam có thể chủ động hơn về chính sách - Ảnh minh họa: Hữu Thắng |
(TBKTSG) - Đọc hai bài viết “Quá sớm để lo giảm phát” và “Nỗi lo lạm phát và đình trệ kinh tế” của TS. Vũ Thành Tự Anh giải đáp những ý kiến của bạn đọc Cảnh Thái (TBKTSG số 45 ra ngày 30-10 và số 47 ra ngày 13-11), tôi thấy có một số điểm trong bài viết của TS. Vũ Thành Tự Anh cần được trao đổi kỹ và làm rõ hơn; có lý giải đầy đủ, chính xác hơn về hiện tượng giảm phát để chúng ta có thể chủ động hơn về chính sách.
Hiểu đúng về giảm phát
Trước tiên, TS. Vũ Thành Tự Anh đã sử dụng định nghĩa được coi là chính thống của những người theo trường phái kinh tế học Keynes cho rằng “giảm phát là tình trạng giảm giá phổ biến trong nền kinh tế” và lạm phát và tăng trưởng kinh tế thường đi cùng nhau còn giảm phát sẽ kéo theo suy thoái kinh tế. Nguyên nhân gây ra tăng giảm CPI là do sự tăng giảm của tổng cầu, tổng cung và khẳng định “nguyên nhân chủ yếu của giảm phát là do tổng cầu sụt giảm, kéo theo suy thoái kinh tế (tốc độ tăng trưởng âm) và thất nghiệp”.
LTS: Tiếp nối loạt bài trao đổi về vấn đề lạm phát và nguy cơ giảm phát ở nước ta, TBKTSG tuần này giới thiệu bài viết sau và mong nhận được những ý kiến đóng góp khác. |
Quan niệm trên là cách hiểu khá đơn giản về giảm phát và cũng chính căn bệnh “đình lạm” (stagflation) mà TS. Tự Anh nêu ra đã từng xuất hiện trong cuộc khủng hoảng những năm 1970 mà kinh tế học Keynes đã rất lúng túng và không thể lý giải cũng như đưa ra liều thuốc chữa trị hiệu quả.
Đúng là giảm phát sẽ gây ra sự sụt giảm mức giá chung (CPI), hay sự sụt giảm mức giá chung là kết quả của giảm phát nhưng nếu dùng kết quả của một hiện tượng để định nghĩa hiện tượng đó là không hợp lý. Thực tế đã chứng minh rằng chỉ nhìn vào tổng cung, tổng cầu là chưa đủ để thấy được gốc rễ của vấn đề giảm phát.
Các nhà kinh tế, đặc biệt là những người theo trường phái Tân cổ điển, sử dụng nhiều hơn định nghĩa “giảm phát là sự thu hẹp khối lượng tiền tệ so với số lượng hàng hóa trong nền kinh tế” hay “giảm phát là sự tăng giá trị đơn vị tiền tệ quốc gia”. Theo đó, giảm phát xảy ra không chỉ do tổng cầu, tổng cung mà do sự tương quan giữa bốn nhân tố cung tiền, cầu tiền, tổng cung, tổng cầu.
Nhìn nhận yếu tố cung tiền ở đây có ý nghĩa quan trọng vì giả sử tổng cung tăng 5% thì theo như phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh có thể sẽ gây ra tình trạng giảm phát, nhưng nếu đồng thời cung tiền cũng tăng 10% thì lúc này vẫn xuất hiện lạm phát chứ không phải giảm phát. Với yếu tố cung tiền chúng ta cũng có thể lý giải tại sao giảm phát không phải lúc nào cũng kéo theo suy thoái kinh tế.
Trong những năm từ 1998-2002, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua giai đoạn giảm phát mạnh do tổng cung tăng với tốc độ lớn hơn cung tiền với chỉ số CPI trung bình ở mức -10% nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt trung bình 7,8%/năm, mức cao nhất thế giới trong giai đoạn này.
Nguyên nhân chính của giảm phát ở Trung Quốc là do các nhân tố ngắn hạn và dài hạn làm tăng tổng cung như cam kết cắt giảm thuế quan khi gia nhập WTO, vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh (lên tới 308 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn này), năng suất tăng sau những cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước, lao động nông thôn dồi dào với giá rẻ và việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất trong khi cung tiền đã không tăng tương ứng do những bất cập về thể chế làm giảm hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ.
Với trường hợp Nhật Bản, nguyên nhân giảm phát cũng xuất phát từ mối quan hệ giữa tổng cung và cung tiền. Sau vài thập niên khôi phục và phát triển đất nước, Nhật Bản đã đạt tới trình độ cao về phát triển sản xuất, xây dựng và dịch vụ, tổng cung khá dồi dào vào đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, trước nguy cơ lạm phát bùng nổ do sự đổ vỡ của thị trường nhà đất và chứng khoán, Nhật Bản đã giảm mạnh cung tiền từ trên 11% năm 1990 xuống chỉ còn 0,6% năm 1991. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng giảm phát tại Nhật Bản và cùng với những sai lầm sau đó trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu mà Nhật Bản đã tiếp tục rơi sâu hơn vào vòng xoáy giảm phát (deflationary spiral).
Nước Mỹ có hai lần giảm phát đáng chú ý là năm 1836 và trong cuộc Đại suy thoái 1930-1933 mà nguyên nhân sâu xa không chỉ từ phía tổng cung tổng cầu mà do cung tiền đã giảm mạnh trước khi xuất hiện giảm phát. Năm 1836 cung tiền đã giảm 30% trước khi xảy ra giảm phát.
Đối với cuộc Đại suy thoái, nhiều nhà kinh tế trong đó có cả Chủ tịch đương nhiệm của FED Ben Bernanke đã đi xa hơn cách lý giải của kinh tế học Keynes và cho rằng nguyên nhân chính nằm ở chính sách tiền tệ khi FED đã giảm một phần ba cung tiền trong thời gian 1929-1933, gây ra tình trạng giảm phát và suy thoái trong thời kỳ này.
Không nên chủ quan
Như vậy có thể thấy rằng một trong những yếu tố cơ bản gây ra giảm phát là sự thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ. Trong năm 2008, để đối phó với lạm phát tăng cao chúng ta đã có nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm giảm cung tiền như tăng dự trữ bắt buộc, phát hành hơn 20.000 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc, liên tục tăng lãi suất cơ bản, thu về hơn 52.000 tỉ đồng ngân sách nhà nước được gửi kinh doanh tại các ngân hàng thương mại quốc doanh...
Đầu năm 2008, tăng trưởng tín dụng nước ta ở mức rất cao 60%, nhưng trong các tháng cuối quí 2, sang quí 3 tăng trưởng tín dụng thậm chí gần như bằng 0. Đến nay có thể nói mục tiêu chống lạm phát đã đạt kết quả tích cực nhưng kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy những biện pháp tiền tệ mạnh tay nói trên cũng cần được nhìn nhận như áp lực gây giảm phát.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là giảm phát do thắt chặt tiền tệ thường kéo theo gánh nặng nợ nần và đổ vỡ của các ngân hàng thương mại mà các nhà kinh tế gọi là tình trạng giảm phát - nợ (debt-deflation). Nước Mỹ những năm 1929-1933 và Nhật Bản những năm 1990 đều rơi vào tình trạng này. Khi mức giá giảm từ 20-50% thì chỉ trong 10 tháng đầu năm 1930 đã có 744 ngân hàng ở Mỹ phá sản, tín dụng ngưng trệ làm tăng mạnh hơn áp lực giảm phát.
Tại Nhật Bản, sau khi thị trường bất động sản và chứng khoán đổ vỡ, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ mất trắng các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản. Một số thậm chí tiếp tục cho vay nuôi sống các doanh nghiệp hấp hối với hy vọng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi và doanh nghiệp có thể trả được nợ.
Rõ ràng là Việt Nam đã có những dấu hiệu ban đầu của tình trạng giảm phát - nợ khi thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn rất ảm đạm (giá bất động sản có nơi giảm 40-50%).
Việc tăng cường năng lực cạnh tranh và phân bổ vốn đầu tư hiệu quả hơn chắc chắn sẽ góp phần tăng tổng cung, khuyến khích phát triển kinh tế nhưng nếu chính sách tiền tệ không được nới lỏng một cách hợp lý và tương ứng với sự gia tăng tổng cung thì nguy cơ giảm phát không thể nói là “quá sớm để lo” vì trên thực tế vòng xoáy giảm phát đã thực sự hiển hiện khi mà sản xuất của hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị đình trệ do không thể tiếp cận được tín dụng và nhiều doanh nghiệp đã và đang phá sản làm tăng thất nghiệp.
Việc hạ lãi suất cơ bản, hoàn trả hơn 20.000 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc và tăng lãi suất dự trữ bắt buộc để giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua là những động thái tích cực ban đầu nhưng chúng ta cần tiếp tục theo dõi để có phản ứng kịp thời và hợp lý với nguy cơ giảm phát.
Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng việc bắt mạch nền kinh tế và chủ động chuẩn bị các phương án, chính sách là rất cần thiết trong tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay.
Có hai vấn đề quan trọng các nhà hoạch định chính sách cần tính đến trong thời gian tới là, thứ nhất, khơi thông mọi nguồn lực để kích thích sản xuất, tăng tổng cung. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc có thể thấy rằng ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh, phân bổ hợp lý vốn đầu tư còn rất nhiều vấn đề khác cần đẩy mạnh hơn nữa để khơi thông sản xuất như cải cách hành chính - thể chế, nâng cao năng lực quản lý của khu vực nhà nước (tránh tình trạng ra quyết định rất thiếu nhạy cảm như ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho nền kinh tế như hồi đầu năm), cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế dân doanh, khai thác các lợi thế từ việc gia nhập WTO.
Thứ hai, cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hợp lý và cân đối với tình hình phát triển kinh tế.
NGUYỄN TRÍ BẢO