(KTSG Online) - Theo Bộ Giao thông vận tải, dự kiến tổng mức đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng khoảng 6 tỉ đô la còn tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Quảng Ninh) cần khoảng 7 tỉ đô la.
- Thủ tướng đề nghị ưu tiên đầu tư ba tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc
- Vốn cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam có thể đến từ đâu?
Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo Chính phủ về kế hoạch nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Quảng Ninh), TTXVN đưa tin.
Cụ thể, dự án đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài khoảng 156 km. Điểm đầu dự án tại cửa khẩu Đồng Đăng, điểm cuối tại ga Yên Viên. Tuyến này kết nối thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Đông Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu liên vận quốc tế đường sắt Đồng Đăng.
Dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 6 tỉ đô la.
Dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài khoảng 187 km, thuộc tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định. Điểm đầu tại ga Nam Đình Vũ (thành phố Hải Phòng), điểm cuối tại điểm nối ray gần khu vực cầu Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh). Tuyến này kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 7 tỉ đô la.
Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu, lập quy hoạch, làm cơ sở cho công tác chuẩn bị đầu tư. Bộ cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, hoàn thành năm 2025, làm cơ sở đánh giá tính khả thi, xác định lộ trình đầu tư.