Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần khôi phục mô hình chở khách linh hoạt

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Xe buýt 40-50 chỗ vốn đã kềnh càng, loại xe buýt điện mới xuất hiện năm ngoái còn dềnh dàng hơn, nhưng vấn đề là hiệu quả về chuyên chở khách không được như mong đợi.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, lượng khách đi xe buýt giảm đều từ gần 290 triệu lượt năm 2018 xuống còn 255 triệu lượt 2019, 148 triệu lượt vào năm 2020 và trong 10 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 73 triệu lượt. Trong giai đoạn hoàng kim 2010-2013, xe buýt phục vụ bình quân 365 triệu lượt khách/năm, tức đến một triệu lượt hành khách đi xe buýt mỗi ngày(1). Mới đây, công ty khai thác tuyến xe buýt điện D4 từ đầu năm 2022 đã phải xin tăng trợ giá để bù lỗ. Loại xe buýt “5 sao” sạch đẹp, hiện đại này dù nhận được nhiều lời khen nhưng cũng không thể thu hút đủ lượng khách như kỳ vọng.

Việc khách đi xe buýt ngày càng giảm có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chủ yếu vẫn là tốc độ chậm và nhiều lộ trình xe buýt không thuận tiện. Người đi xe buýt phải chờ đợi lâu và không thể biết chính xác thời gian xe đến nơi, khiến họ dễ bị trễ giờ học, trễ giờ đi làm.

Còn nhớ, vào đầu năm 2002 tại TPHCM từng có tới 500 xe buýt mini được cải tạo từ xe tải nhỏ hiệu Daihatsu, Suzuki chở được 12 người thay thế cho loại xe lam ba bánh cũ kỹ và ô nhiễm. Nhờ nhỏ gọn, linh hoạt cộng thêm chính sách trợ giá nên loại xe này được nhiều hành khách chọn đi, kể cả đi chợ, đi học.

Cuối năm 2006, Nghị định 110/2006/NĐ-CP được ban hành, trong đó có quy định xe buýt chở người phải từ 17 chỗ trở lên và tất cả xe buýt không đúng tiêu chuẩn phải loại bỏ vào cuối năm 2007. Quy định này đã đặt dấu chấm hết cho loại hình vận tải hành khách linh hoạt này. Tuy nhiên tại TPHCM, vì sự thiết thực không thể thiếu được, xe buýt 12 chỗ được cho phép “sống” thêm 10 năm, đến năm 2017 mới bị khai tử.

Hồi cuối tháng 10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả thí điểm hoạt động xe điện bốn bánh cho thấy, việc hoạt động theo lộ trình và lịch trình cố định không phát huy được ưu điểm phục vụ linh hoạt theo nhu cầu của người dân và du khách trong khu vực thí điểm. Vì vậy, sở này đề xuất cho phép chỉ quy định phạm vi hoạt động, không bắt buộc theo tuyến cố định và thời gian hoạt động. Các loại xe điện bốn bánh này sẽ hoạt động trên các tuyến đường có bề rộng hạn chế lưu thông xe buýt hoặc phục vụ kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác(2).

Đề xuất này của sở về bản chất là khôi phục lại mô hình chở khách linh hoạt mà trước đây rất phổ biến ở TPHCM: xe lam. Nhưng đi kèm mô hình xe lam có lẽ cần tính thêm cả việc khôi phục lại xe buýt mini.

Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, ở thủ đô Bangkok và nhiều thành phố khác của nước này, bên cạnh hệ thống giao thông công cộng đa dạng gồm xe điện trên không, xe điện ngầm, xe buýt lớn thì vẫn có thêm các loại xe nhỏ như Tuk Tuk và Songthaew.

Xe Tuk Tuk hoạt động như mô hình xe lam ba bánh của Việt Nam trước đây, còn xe Songthaew là xe buýt mini cải tạo từ xe bán tải có hai hàng ghế dọc theo xe. Loại xe giống như Songthaew hiện ở Việt Nam vẫn được dùng chở người nhưng hạn chế chủ thể sử dụng là một số cơ quan nhà nước như UBND phường, quân đội, công an.

Thiết nghĩ việc duy trì chỉ một loại xe buýt lớn trong đô thị đã quá chật hẹp sẽ tạo ra cái vòng luẩn quẩn: Xe buýt bất tiện thì khó giảm xe hai bánh, xe hai bánh tăng thì xe buýt “voi” ngày càng bất tiện hơn khiến bài toán giao thông công cộng ngày càng khó giải hơn! Một mô hình vận tải khách linh hoạt trong lòng đô thị đặc biệt như TPHCM với cả xe buýt mini là điều các nhà quản lý nên xem xét. Bởi vì, mối lo ngại lớn nhất về ô nhiễm, sự an toàn của dòng xe nhỏ này hoàn toàn có thể khắc phục bằng chính sách quản lý.

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/xe-buyt-tp-hcm-kho-khan-vay-bua-20231106210951776.htm

(2) https://thanhnien.vn/tphcm-de-xuat-cho-xe-dien-4-banh-don-khach-khong-gioi-han-lo-trinh-18523102711413142.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Tuk Tuk, giống như Lamberta trước đây ở ta. Dù gì cũng thuận tiện, linh hoạt cho du khách hơn nhiều. Mặt khác, hình ảnh giao thông không “đáng buồn” như xích lô đạp hiện hành.

  2. Sử dụng xe giống như xe lam cũng tốt và tiện di chuyển trong Tp. Nhưng quan trọng là giá vé như thế nào. Bạn tôi đi làm bằng xe buýt, hai chặng đi tới chỗ làm và hai chặng về nhà tốn 24.000 đ, xe buýt ế mèm. Nhưng ở các bãi giữ xe khổng lồ của các trường đại học và trung học ở trung tâm TP, giá giữ xe chỉ có hai, ba ngàn, thậm chí nhiều cơ quan, xí nghiệp nhà nước giữ xe miễn phí. Nên tăng phí giữ xe lên và tính theo giờ để buộc SV, học sinh và cán bộ cnv đi phương tiện công cộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới