Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần kiểm soát hiệu quả thị trường tín dụng không chính thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần kiểm soát hiệu quả thị trường tín dụng không chính thức

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) - Nhiều các chuyên gia kinh tế đề xuất không nên gọi thị trường tín dụng ngoài ngân hàng là "tín dụng đen”, mà nên thừa nhận đây là thị trường tín dụng phi chính thức và cần có chính sách để kiểm soát thị trường này hiệu quả.

Doanh nghiệp nhỏ cần “tín dụng đen”?

Cần kiểm soát hiệu quả thị trường tín dụng không chính thức
Quảng cáo "tín dụng đen" trên mạng xã hội.

“Tín dụng đen” là vấn đề rất được quan tâm tại Diễn đàn chuyên đề “Mở rộng thị trường vốn - tài chính, thách thức và giải pháp” đang diễn ra tại Hà Nội ngày 21-9 do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Báo VNExpress tổ chức.

Nhân đề cập đến thị trường vốn cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong điều kiện khối doanh nghiệp này chịu cảnh vốn mỏng mà thị trường tài chính, điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân vay khắt khe, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: kinh nghiệm của các quốc gia xử lý vấn đề này như thế nào?

Câu hỏi này trở thành đề tài thu hút sự bàn luận sôi nổi của các chuyên gia tham dự diễn đàn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright) nhận định rằng thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được vốn cho doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có quy mô trung bình. Những doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn và phải sử dụng đến nguồn vốn “tín dụng đen”.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần tái cấu trúc doah nghiệp Việt cho biết, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ "tín dụng đen”. Nhiều doanh nghiệp SME hiện chưa có cấu trúc vốn. Từng tham gia tái cấu trúc một số doanh nghiệp, ông thấy doanh nghiệp SME được chia thành 3 loại, trong đó phần lớn là doanh nghiệp của những kỹ sư đi lên từ đam mê và chưa có kinh nghiệm về quản trị nên không hiểu về vốn, nhất là tiếp cận vốn ngân hàng lại khó khăn nên phải tìm vốn qua các nguồn không chính thức, kể cả gia đình, bạn bè.

“Vốn ngân hàng thì khó, trái phiếu cũng không vay được thì họ phải tiếp cận những nguồn không chính thức hay gọi là tín dụng đen”, ông Hùng nói và nhấn mạnh, kênh này nhiều rủi ro, đặc biệt là lãi suất cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn đồng tình với những phát biểu của ông Hùng. Ông Tuấn nói nguyên nhân nở rộ tín dụng đen là xuất phát từ nhu cầu của người dân. Vay theo cách này nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ, thậm chí có tình trạng vay "tín dụng đen" để trả nợ ngân hàng.

Thời gian gần đây, công nghệ thông tin phát triển khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và bên cho vay càng trở nên thuận tiện. Thậm chí có những cá nhân không muốn gửi ngân hàng mà cho vay không chính thức lãi suất cao hơn.

Ứng xử với thị trường tín dụng phi chính thức

Ông Hà Huy Tuấn cho rằng "tín dụng đen” không phải xấu. Vấn đề là giải pháp quản lý ra sao. Rất nhiều người đồng tình với ý kiến của ông.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm CEO Công ty kiểm toán KPMG tại Việt Nam cho rằng cần gọi đây là tín dụng không chính thức vì nó vẫn tạo điều kiện cho người vay tiền. Tuy nhiên cần có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả, đưa vào khuôn khổ quản lý và kèm giải pháp ra sao.

Ông Tuấn đề xuất  cách tiếp cận: hợp thức hóa kênh cho vay này qua các cơ quan thuế, thậm chí có cả thuế tư nhân để minh bạch thị trường. Thứ hai là vẫn phải rà soát lại hoạt động ngân hàng để giảm thiểu cách người dân tiếp cận thị trường phi chính thức và có thể tiến gần vốn ngân hàng hơn.

Chủ tịch KPMG đề xuất cần có biện pháp giám sát thị trường này đồng thời với các hoạt động bảo hộ hoạt động tín dụng chính thức. Gợi ý của một chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, ông Alatabani, là cần có những gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường vì doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn, ví dụ như các gói thuê mua tài sản là kênh để doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay.

Ngoài ra còn có các công cụ khác như Fintech. Ông Hùng cho biết, có những sàn điện tử của doanh nghiệp tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỉ đồng trong nửa năm để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp. Nếu được tạo hành lang pháp lý, các doanh nghiệp này sẵn sàng tham gia thị trường, tạo các giải pháp về vốn. Thậm chí, ông Hùng khẳng định ngay các doanh nghiệp startup cũng có thể IPO trên nền tảng số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới