Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần lắm cái neo để giữ an lòng doanh nghiệp

Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hãy tạo cho cộng đồng doanh nghiệp một sự an tâm để đầu tư dài hạn, tránh đầu cơ ngắn hạn.

Các công ty dệt may Việt Nam cần công nghệ hiện đại; dịch vụ tốt; chuyên môn hóa cao.
Ảnh: Thành Hoa

Những quả ngọt

Với tốc độ tăng 5,05%, Việt Nam xếp trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2023. Đạt được thành quả tăng trưởng đó trong một thế giới đầy màu xám là không dễ dàng, nhất là khi độ mở của nền kinh tế nước ta ngày một lớn, qua đó cho thấy sức mạnh nội lực, khả năng chống chịu và mức độ đa dạng hóa của nước ta tiếp tục được cải thiện.

Điều ý nghĩa là chúng ta vẫn duy trì được sự ổn định vĩ mô cần thiết, kiểm soát lạm phát ở mức thấp giúp cho thu nhập và đời sống người dân không bị xói mòn. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của nước ta năm 2023 ước đạt hơn 4.300 đô la Mỹ. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2024 theo chuẩn phân loại của Ngân hàng Thế giới.

Tăng trưởng đã đi vào thực chất với động lực tăng trưởng được mở rộng hơn trước. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được thúc đẩy. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 nền kinh tế, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội và môi trường cũng được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm ước giảm còn 2,93%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân được nâng lên trên 94%.

Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net zero) vào năm 2050 của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng cũng đặt Việt Nam trước những thúc ép cải cách không thể bàn lùi trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” theo xu hướng của thế giới.

Năm 2023 là năm bội thu về các thành quả ngoại giao, đặc biệt nước ta đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản; làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc sau 25 năm thiết lập và thực thi.

Và những quả chua

Bên cạnh những quả ngọt trên đây, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những “quả chua” để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ và khơi thông động lực phát triển cho năm 2024.

Đầu tiên, mặc dù tăng trưởng khá nhưng vẫn dưới mức tiềm năng, chất lượng tăng trưởng thấp, chưa khơi dậy hết các tiềm năng và lợi thế để phát triển. Có địa phương tìm được động lực và tăng trưởng cao song cũng có địa phương tăng trưởng thấp, loay hoay chưa tìm ra động lực tăng trưởng. Điều đáng nói là ngay cả hai địa phương sát vách nhau nhưng kết quả tăng trưởng lại hoàn toàn đối ngược nhau, cho thấy tính chia cắt, mức độ lan tỏa, gắn kết kinh tế giữa các địa phương là khá rời rạc.

Thể chế kinh tế thị trường vẫn còn khá lạc hậu, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, cả trong tư duy, nhận thức lẫn hành động, thực thi. Các quyền về tài sản chưa được xác lập và bảo vệ tốt. Đôi khi gỡ nút thắt thể chế này lại tạo ra nút thắt thể chế khác, hóa giải được trở ngại này lại tạo ra trở ngại khác.

Mô hình tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào tăng vốn đầu tư, tăng trưởng tín dụng ngân hàng, trong khi tăng trưởng năng suất (TFP) vẫn còn hạn chế. Năng suất lao động trung bình của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ tương đương 5,5% của Singapore (tức chỉ 1/18 lần), 31% của Malaysia, 32% của Trung Quốc, 60% của Thái Lan, 76% của Indonesia, 85% của Philippines. Khoảng cách giữa Việt Nam với các nước mặc dù đã được thu hẹp đáng kể về tỷ lệ, song khoảng cách tuyệt đối vẫn còn lớn.

Sức cạnh tranh của các ngành kinh tế vẫn còn thấp, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng 27% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế, tương đương với Trung Quốc và Thái Lan, song tỷ lệ nội địa hóa thì thấp hơn nhiều. Chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn chậm cải thiện. Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành và nhiều địa phương đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh nhưng so với nhiều nước trong khu vực, vị trí của Việt Nam vẫn còn thua xa.

Thể chế kinh tế thị trường vẫn còn khá lạc hậu, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, cả trong tư duy, nhận thức lẫn hành động, thực thi. Các quyền về tài sản chưa được xác lập và bảo vệ tốt. Đôi khi gỡ nút thắt thể chế này lại tạo ra nút thắt thể chế khác, hóa giải được trở ngại này lại tạo ra trở ngại khác; có khi phải lựa chọn giữa công bằng với hiệu quả, giữa kinh tế với xã hội, giữa xã hội với môi trường, giữa môi trường với kinh tế, giữa ngắn hạn với dài hạn, giữa trung ương với địa phương...

Chất lượng và tiến độ đầu tư công còn nhiều nút thắt, chất lượng cơ sở hạ tầng được nâng lên nhưng chủ yếu ở một phần của đất nước. Đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn thành được một dự án cơ sở hạ tầng tầm cỡ nào để gọi là đột phá khẩu cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Việc quản lý, phân bổ, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn cầm chừng. Nhiều tài sản công như tiền vốn, cơ sở hạ tầng, đất đai, nhà ở, công sản khác... có giá trị rất lớn đang bị để không hoặc sử dụng thiếu hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất nước. Sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân còn yếu, chưa kịp hồi phục sau Covid-19 thì nay nhiều trụ cột kinh tế tư nhân đang bị lung lay.

Phát triển xã hội vẫn chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Nhiều biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, những vụ việc như bạo lực gia đình, học đường, bạo hành trẻ em, phụ nữ gây xói mòn niềm tin và đảo lộn trật tự xã hội. Chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm và vùng miền ngày càng lớn. Trẻ em chưa được học hành và chăm sóc y tế toàn diện và hoàn toàn miễn phí. Trong việc ứng phó với già hóa dân số, chính sách phúc lợi cho người già chưa đủ bao phủ đến nhóm đối tượng dễ tổn thương, như người không có lương hưu, người thiếu khả năng chăm sóc của gia đình và con cái.

Công tác quản lý môi trường và chống biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn và thách thức. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp.

Việt Nam nên là “cái neo” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tránh bão

Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo kém thuận lợi hơn so với năm 2023 do chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn hơn ngoài những nhân tố bất ổn hiện tại chưa đi qua.

Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam duy trì được sự ổn định chính trị và xã hội sẽ giúp chúng ta trở thành điểm đến an toàn và tin cậy của dòng vốn đầu tư mới. Bối cảnh sóng to gió lớn của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam nên là “cái neo” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tránh bão. Môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2024 mong sao phải thật ổn định, tránh xáo trộn, không nên tạo thêm tâm lý bất an khi mà thế giới đã quá thừa bất ổn. Hãy tạo cho cộng đồng doanh nghiệp một sự an tâm để đầu tư dài hạn, tránh đầu cơ ngắn hạn.

Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là rất thách thức nhưng không phải là không thể đạt được nếu biết khơi thông nội lực. Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, đòi hỏi phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, giữ vững, cải thiện các cân đối của nền kinh tế. Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần thúc đẩy hơn nữa cải cách môi trường kinh doanh, nền hành chính công vụ, khơi thông và tạo ra các động năng tăng trưởng kinh tế mới, nhất là khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh.

Tiếp tục cải cách thể chế kinh tế một cách thực chất và sâu rộng hơn nữa để giải phóng các tiềm năng, kích hoạt các động năng phát triển mới của đất nước, đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị; cải cách bộ máy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước ở cấp trung ương lẫn địa phương, đổi mới công tác cán bộ, cải cách tiền lương gắn với hiệu quả công vụ.

Cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền giáo dục nước nhà, xem đây là sứ mệnh lớn lao trong việc canh tân đất nước; đào tạo nhân lực phải đi trước một bước trong chiến lược thu hút đầu tư. Đặc biệt, phải ưu tiên tăng chi cho khoa học và công nghệ cũng như khuyến khích R&D lên ngang tầm khu vực với mục tiêu là 1% GDP trong năm năm tới.

Song song với đó là cải cách hệ thống y tế cùng với chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm hưu trí để đáp ứng trước các thách thức già hóa dân số nhanh.

Năm 2024, Chính phủ và các địa phương cần quyết tâm đặt mục tiêu hoàn thành một số hạng mục kết cấu hạ tầng trọng yếu, huyết mạch của quốc gia, sớm hoàn thành các tuyến cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông, đẩy nhanh dự án sân bay quốc tế Long Thành, hoàn thành và khởi động mới các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và các tuyến cao tốc, giao thông liên kết vùng.

Đặc biệt, cần tăng cường phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền địa phương khi mà bộ ngành thì đang quá tải, địa phương thì trông ngóng cơ chế đặc thù, đi cùng với trách nhiệm giải trình độc lập. Cần nhận thức sâu sắc quan điểm một chính quyền hiệu quả phải là một chính quyền gần dân nhất.

Chào đón năm Rồng 2024, mong rằng môi trường kinh tế nước ta sẽ ổn định hơn, làm chỗ dựa tin cậy và lâu dài cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân an tâm bỏ vốn liếng phát triển sự nghiệp, đóng góp cho kinh tế đất nước thêm cường thịnh, xã hội thêm thăng tiến, người dân ai cũng ấm no và hạnh phúc.

(*) Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới