Thứ sáu, 21/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần làm gì để tránh rủi ro từ thặng dư thương mại quá cao với Mỹ

Đinh Hồng Kỳ (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam cần một chiến lược dài hạn để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cần minh bạch hóa quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng là một yếu tố quan trọng để tránh nguy cơ bị Mỹ áp thuế trừng phạt trong tương lai.

Gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã từng bị Mỹ áp thuế chống phá giá. Ảnh minh họa: H.Như

Rửa xuất xứ (C/O fraud) không còn là chuyện hiếm trong thương mại quốc tế. Việt Nam đã từng bị cuốn vào vòng xoáy này khi trở thành một điểm đến chiến lược của các doanh nghiệp tìm cách lẩn tránh thuế quan trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung giai đoạn 2018 - 2019.

Trong hai năm qua, chúng tôi đã tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc tìm đến với mong muốn hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Khi được hỏi về thị trường mục tiêu, họ không ngần ngại trả lời: Hoa Kỳ. Đơn giản vì mức thuế ưu đãi của Mỹ dành cho hàng hóa từ Việt Nam thấp hơn đáng kể so với hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.

Một thực tế rõ ràng là, nếu sản xuất tại Trung Quốc, một sản phẩm đá nhân tạo khi vào Mỹ sẽ chịu thuế suất từ 236%. Nhưng nếu được sản xuất tại Việt Nam, mức thuế có thể chỉ từ 6-8%. Thậm chí nếu sản xuất ở Thái Lan thuế suất chỉ dao động từ 3-5%. Điều đó lý giải vì sao làn sóng “chạy thuế” đã trở thành một xu hướng, với việc các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sản xuất sang các nước Đông Nam Á nhằm lợi dụng sự chênh lệch thuế quan của Mỹ.

Một nhà đầu tư từ Trung Quốc mà chúng tôi gặp gỡ đã chia sẻ một câu chuyện đáng suy ngẫm: Một số công ty Trung Quốc đã đầu tư vào một nước ASEAN có ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Mỹ. Tổng số hàng xuất đi Mỹ của họ không hoàn toàn được sản xuất tại nước đó mà vẫn có hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng bằng cách nào đó vẫn được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của nước sở tại để tận dụng mức thuế suất thấp khi vào Mỹ.

Câu chuyện nói trên cho thấy nếu rơi vào tình trạng này, thặng dư thương mại của Việt Nam phải đối mặt với rủi ro về thuế quan từ Mỹ trong khi phần lớn lợi nhuận lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Một trong những yếu tố chính góp phần vào thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hơn 70% giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đến từ các doanh nghiệp FDI. Các ngành như điện tử, dệt may, giày dép và nội thất đều do các công ty nước ngoài chi phối, với những cái tên quen thuộc như Samsung, Intel, Foxconn, Nike, Adidas...

Mô hình này giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: Việt Nam đang đóng vai trò là một trung tâm sản xuất thực thụ hay chỉ là một điểm trung chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Hiện tượng rửa xuất xứ (C/O fraud) không còn là chuyện hiếm trong thương mại quốc tế. Việt Nam đã từng bị cuốn vào vòng xoáy này khi trở thành một điểm đến chiến lược của các doanh nghiệp tìm cách lẩn tránh thuế quan từ Mỹ.

Từ 2018, sau khi chính quyền Donald Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, một lượng lớn sản phẩm được chuyển sang Việt Nam để thay đổi nhãn mác trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã từng điều tra các mặt hàng như thép, gỗ dán và linh kiện điện tử từ Việt Nam, phát hiện rằng nhiều lô hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được "hô biến" thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để hưởng thuế suất thấp hơn.

Một ví dụ điển hình là vào năm 2019, Mỹ đã áp thuế lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được gia công tại Việt Nam. Điều này đặt ra một rủi ro lớn, nếu xu hướng này tiếp diễn, Hoa Kỳ có thể áp thuế trừng phạt lên toàn bộ ngành công nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Mặc dù thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ có vẻ là một thành tựu kinh tế nhưng câu hỏi đặt ra là: Việt Nam thực sự hưởng lợi bao nhiêu?

Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ việc tăng trưởng GDP và tạo công ăn việc làm, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu lớn như dệt may, điện tử và gỗ. FDI mang lại công nghệ, kỹ năng quản lý và chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế cũng rất rõ ràng.

Tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất của Việt Nam vẫn còn thấp, với hơn 80% linh kiện, nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu. Phần lớn lợi nhuận từ xuất khẩu rơi vào tay các doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đóng vai trò gia công, lắp ráp với biên lợi nhuận thấp. Điều này khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong chính sách thương mại của các đối tác lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Sau khi trở lại Nhà Trắng vào năm 2025, ông Donald Trump đang đưa ra các biện pháp cứng rắn để giảm thặng dư thương mại với các quốc gia như Việt Nam. Các biện pháp có thể bao gồm áp thuế cao hơn với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, siết chặt quy trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa và gây áp lực buộc Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ.

Đáng lo ngại hơn, nếu chính quyền Trump áp dụng thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động không chỉ dừng lại ở các ngành có giá trị xuất khẩu cao như điện tử, dệt may hay nội thất. Các ngành nông sản và thủy sản, những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng thực sự cho Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu Mỹ áp thuế lên các mặt hàng như tôm, cá tra, cà phê hay hạt điều, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường lớn nhất của họ.

Việt Nam cần một chiến lược dài hạn để đảm bảo rằng tăng trưởng xuất khẩu không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nước. Điều này đòi hỏi nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đầu tư mạnh hơn vào R&D và công nghệ, đồng thời xây dựng các thương hiệu Việt có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, minh bạch hóa quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng là một yếu tố quan trọng để tránh nguy cơ bị Mỹ áp thuế trừng phạt trong tương lai.

Thặng dư thương mại 124 tỉ đô la có thể là một thành tựu, nhưng nếu Việt Nam không có chiến lược phù hợp, lợi ích thực sự vẫn sẽ thuộc về các tập đoàn nước ngoài, trong khi doanh nghiệp nội địa lại đối mặt với những rủi ro ngày càng lớn.

--------------

(*) Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới