(KTSG) - Hơn 1,5 năm trôi qua kể từ khi có dịch bệnh, xảy ra tình trạng mỗi địa phương đặt ra những quy định cấm đoán hoặc hạn chế quyền của công dân khác nhau. Điều này gây khó khăn trong cuộc sống của nhiều người dân cũng như sự không thống nhất trong công tác điều hành của Chính phủ.
Đại dịch Covid-19 đã đặt Việt Nam và nhiều quốc gia vào tình trạng phải có các quyết sách nhanh chóng để kịp thời xử lý tình trạng lây lan nhanh. Các quy định được ban hành thường có hiệu lực ngay, với những giải pháp ứng phó nhanh, trong đó có nhiều quy định ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đặc trưng của việc ban hành chính sách trong phòng, chống dịch bệnh
Khi rơi vào tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, hầu hết hiến pháp và luật ở các quốc gia đều trao cho chính phủ hoặc cho người đứng đầu hành pháp một số thẩm quyền đặc biệt để thực hiện các hành động nhanh, tập trung và quyết đoán nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh - mà trong bối cảnh thông thường thì thuộc về quyền hạn của cơ quan lập pháp, như các biện pháp hạn chế quyền công dân, sự ưu tiên các dịch vụ thiết yếu hay huy động các nguồn lực cứu trợ…
Nhiều ví dụ về các quy định của các địa phương cho thấy sự không thống nhất trong cách quản lý và điều hành giữa các địa phương, đồng thời cũng bộc lộ rõ việc nhiều tỉnh không tuân thủ mệnh lệnh ở trung ương.
Đồng thời, khi dịch bệnh lớn xảy ra có thể làm cạn kiệt nguồn lực của địa phương, cũng như để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong cả nước khi ngăn chặn dịch bệnh, nhiều quyền hạn thuộc về quyền tự chủ của chính quyền địa phương trong điều kiện bình thường cũng sẽ được “chuyển giao tạm thời” về trung ương. Điều này không chỉ áp dụng ở nhiều nhà nước đơn nhất, mà kể cả nhà nước liên bang như Ấn Độ.
Điều 250 Hiến pháp Ấn Độ quy định trong khi tuyên bố khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh…) đang có hiệu lực, Nghị viện có quyền ban hành luật cho toàn bộ hoặc bất kỳ phần nào của lãnh thổ Ấn Độ liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được liệt kê trong Danh sách thẩm quyền của bang.
Lúc này, các cơ quan nhà nước trung ương có thể phải can thiệp thông qua việc tổng hợp, điều phối những nguồn lực trên toàn quốc, bao gồm việc đảm bảo giao thông thuận tiện, yêu cầu chia sẻ các nguồn lực giữa các địa phương với nhau nhằm tránh tình trạng cục bộ địa phương. Bởi nếu sự khác biệt trong phòng, chống dịch tạo ra sự phân mảnh, cát cứ, điều này sẽ dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và kinh tế.
Ở Việt Nam, đến ngày 28-7-2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tự do đi lại, quyết định các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, được sử dụng các hình thức như chỉ thị, công điện, công văn... để triển khai các biện pháp cấp bách.
Tình trạng ban hành chính sách không thống nhất ảnh hưởng đến đời sống xã hội
Ngày 23-8-2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1102/CĐ-TTg với nội dung đảm bảo vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Cần thống nhất chủ trương chung trong tình hình phòng, chống dịch mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo ngày 29-8-2021 của Thủ tướng “xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng và Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương không kiểm tra xe dán thẻ QR tại chốt kiểm dịch; chấp nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong thời hạn 72 giờ đối với tài xế.
Tuy nhiên, theo phản ánh, thực tiễn thì có nhiều sự khác biệt trong việc áp dụng như:
- Thành phố Cần Thơ: Yêu cầu phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành khác vào thành phố để giao nhận hàng hóa phải “đăng ký trước”. Thành lập các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa ở vùng ven. Trường hợp không thể giao nhận hàng hóa tại các điểm tập kết, trung chuyển này thì doanh nghiệp chọn hình thức đổi tài xế hoặc giao nhận tại các bãi tập kết của doanh nghiệp nhưng cơ quan chức năng sẽ kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các điểm này của doanh nghiệp.
- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Thực hiện test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt trên quốc lộ 51 theo quy định của UBND tỉnh, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực.
- Tỉnh An Giang: Các lái xe khi vào tỉnh An Giang phải tiến hành test nhanh cho tất cả các trường hợp, sau khi test xong ghi lại thông tin thì cho xe qua.
- Tỉnh Quảng Ninh: Yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT- PCR trước 48 giờ
Sau đó, ngày 26-8-2021, Bộ Giao thông Vận tải có công điện 12/CĐ-BGTVT yêu cầu rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt, thực hiện trước ngày 28-8-2021. Những ví dụ nêu trên, cho thấy sự không thống nhất trong cách quản lý và điều hành giữa các địa phương, đồng thời cũng bộc lộ rõ việc nhiều tỉnh không tuân thủ các mệnh lệnh ở trung ương.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường học khai giảng và dạy trực tuyến, thì nhiều địa phương vội vã đề xuất sách giáo khoa cần được xem là mặt hàng thiết yếu (để được phép lưu thông).
Không chỉ các thủ tục hạn chế việc lưu thông trên các tuyến đường như trên, quy định về danh mục hàng hóa thiết yếu không rõ ràng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Hiện chỉ có Công văn 601/VPCP-KGVX ngày 3-4-2020 về việc thực hiện Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch Covid-19 của Văn phòng Chính phủ, nêu một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương theo tình hình kinh tế - xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép sản xuất, kinh doanh và mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Để xử lý vấn đề nêu trên, gần đây Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các loại hàng hóa với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là kiến nghị, còn hiện tại có quá nhiều vấn đề phát sinh, như khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường học khai giảng và dạy trực tuyến, thì nhiều địa phương vội vã đề xuất sách giáo khoa cần được xem là mặt hàng thiết yếu.
Cần một sự thống nhất về chính sách để ngăn chặn dịch bệnh ở Việt Nam
Tình hình dịch bệnh đã xảy ra gần hai năm, nhưng cơ chế pháp lý vẫn không rõ ràng, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như ảnh hưởng đến tính “pháp quyền” của Nhà nước.
Sự chậm trễ này gây bức xúc trong dư luận khi mà Việt Nam đã nhìn thấy bài học kinh nghiệm của các quốc gia năm 2020. Nhiều quốc gia khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu đã lập tức sửa đổi và ban hành rất nhiều luật để có căn cứ pháp lý ứng phó phù hợp. Vì vậy, đã đến lúc, trung ương cần thiết lập khung pháp lý đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, chặt chẽ về phòng, chống dịch để áp dụng chung trên toàn quốc.
Thứ nhất, cần ban hành một văn bản mới thay thế Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 vì văn bản này đã không còn hiệu lực. Toàn bộ nội dung Chỉ thị 16, thể hiện rõ chỉ thị này áp dụng trong một thời gian ngắn, các giải pháp đưa ra trong bối cảnh tháng 4-2020, kể cả biện pháp cách ly toàn xã hội cũng chỉ áp dụng trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc.
Nhiều nội dung trong Chỉ thị 16 còn đề cập các chi tiết trong thời điểm lúc đó (mà nay đã cũ), cụ thể là về các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TPHCM); yêu cầu Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh, Bộ Y tế báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (đã nghỉ)… Tức là, Chỉ thị 16 này về bản chất mang tính chất chỉ đạo giải quyết tình huống thực tế hơn là một văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, không nên tiếp tục duy trì việc áp dụng trong cả nước một văn bản không còn phù hợp nữa. Khi ban hành văn bản mới, cần thống nhất nguyên tắc phân cấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, tránh tình trạng đưa ra các quy định xung đột trong thời gian qua.
Có thể đưa ra tiêu chí cụ thể, như khi số lượng F0 (ca nhiễm bệnh) liên tục trong ba ngày trên tổng số dân từng tỉnh đạt đến ngưỡng nào, thì cho phép các địa phương có quyền áp dụng biện pháp hạn chế ; điều này sẽ tránh được tình trạng cực đoan, lo sợ trách nhiệm mà thời gian qua các địa phương đưa ra các biện pháp quá cứng rắn, ngăn chặn sự lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đời sống nhân dân và nền kinh tế.
Đồng thời, cũng cần chấn chỉnh tình trạng các địa phương tự mình đưa ra các quy định trái với các văn bản của Thủ tướng, các bộ trưởng, thậm chí nên đưa ra nguyên tắc các chính sách đã thống nhất, địa phương nào cố tình làm trái thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Thứ hai, cần thống nhất chủ trương chung trong tình hình phòng, chống dịch mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo ngày 29-8-2021 của Thủ tướng “xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.
Các bộ không nên bỏ lỡ cơ hội hoàn thiện các văn bản phòng, chống dịch như thời gian qua, mà cần gấp rút thống nhất một cách khoa học về ban hành các quy phạm pháp luật trong điều kiện dịch bệnh, tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa như thời gian qua.
Có thể quy định hàng hóa thiết yếu là gì, xác định điều kiện lưu thông của tài xế xe tải, xe máy; xác định cơ quan quản lý thống nhất dữ liệu trên các app (ứng dụng) liên quan phòng, chống dịch; quy định về hộ chiếu vaccin; quy định về cơ chế hỗ trợ người nghèo, người thất nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả; và quy định tiêu chuẩn về môi trường (như an táng người chết do dịch bệnh) trong trường hợp khủng hoảng xảy ra.
(*) Trường đại học Kinh tế- Luật, ĐHQG TPHCM
Bài viết là một gợi ý cho các bộ ngành và địa phương cần thống nhất, phân cấp trong chỉ đạo chống dịch và tính pháp lý của các văn bản pháp luật trong tình hình mới