Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần một góc nhìn khác về người khuyết tật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần một góc nhìn khác về người khuyết tật

Đức Tâm

Cần một góc nhìn khác về người khuyết tật
Nguyễn Minh Hảo chia sẻ về câu chuyện của mình tại hội thảo – Ảnh: Tâm

(TBKTSG Online) – Có được việc làm tự nuôi sống mình và qua đó khẳng định giá trị của bản thân là một cách rất tốt để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Muốn vậy, bản thân sự nỗ lực của người khuyết tật và gia đình là chưa đủ mà rất cần sự chung tay của xã hội, và đặc biệt là các doanh nghiệp.

Ý kiến trên được nhiều người chia sẻ tại hội thảo mang chủ đề “Tạo dựng một trung tâm kết nối doanh nghiệp với người tàn tật" do mạng lưới CIO (Chief Informative Officer) Việt Nam tổ chức cuối tuần này, và câu chuyện của Nguyễn Minh Hảo, chàng trai khuyết tật đang làm Quản lý dự án tại công ty Enable Code, là một minh chứng cụ thể cho ý kiến nêu trên.

Chuyện chàng trai khuyết tật

Nguyễn Minh Hảo sinh ra tại Kiên Giang với khuyết tật hai chân, không thể đi lại bình thường. Với tình thương yêu của gia đình, khát khao đi học, cộng với sự may mắn, Hảo được một cô giáo thương tình, dũng cảm “đặc cách” cho học thẳng lớp 5 khi tuổi đã quá trễ để bắt đầu từ lớp 1.

Nhờ cô giáo tận tình chỉ dạy cùng sự kèm cặp của anh hai ở nhà, và quan trọng nhất là sự nỗ lực của bản thân, bắt đầu từ học kỳ II năm lớp 6, Hảo học giỏi đứng đầu trường và duy trì vị trí này suốt thời gian học trung học đến lớp 12.

Như bao gia đình hiếu học khác ở đất nước này, cha Hảo từng khoe bằng khen của con mình khi có người đến thăm nhưng đáp lại sự tự hào này, có người từng nói thẳng “què quặt như vậy thì cho ăn học làm gì, có mà chặt đi câu sấu.”

Hảo kể rằng ở quê, người ta gọi người như Hảo là thằng què chứ không lịch sự gọi là người khuyết tật.

“Tôi buồn lắm. Chỉ cố gắng học thật giỏi để làm sao cho miếng thịt của mình phải có giá trị hơn thịt cá sấu mặc dù khi đó, tôi cũng không tin rằng việc học có thể giúp gì cho cuộc sống của mình hôm nay.” Hảo nhớ lại một phần ký ức khi anh đang học năm lớp 7.

Mọi chuyện không hẳn suôn sẻ với chàng trai này khi hai lần phải bỏ học giữa chừng tại hai trường đại học tại TPHCM, một lần vì học phí, một lần vì tai nạn không đủ sức khỏe để tiếp tục việc học. Bất quá tam, sau khi hồi phục sức khỏe, anh quay lại giảng đường đại học tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở TPHCM, và hoàn tất việc học vào năm 2014.

Có thể nói năm 2014 là một cột mốc quan trọng với Hảo khi anh gặp Colin Blackwell, một doanh nhân người nước ngoài tại Trung tâm khuyết tật và Phát triển (DRD).

Colin cần người thiết kế trang web cá nhân và Hảo nhận công việc này, hoàn thành trong vòng 10 ngày, ngắn hơn 4 – 6 ngày so với thời gian thông thường các đơn vị khác trên thị trường thực hiện.

Sau vài công việc, hai người trở nên thân thiết với nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn và vào tháng 9-2014 hai người cùng nhau thành lập công ty phần mềm Enablecode, nơi dành riêng cho những nhân viên IT khuyết tật với lý do rất đơn giản như Hảo chia sẻ: “Tôi đã rất may mắn khi có công việc này và tôi muốn sự may mắn đến với người khuyết tật nhiều hơn”.

Hiện đội ngũ IT của Hảo tại Enablecode có tất cả bốn người, nhận gia công các đơn hàng từ khắp nơi, trong nước có, nước ngoài có nhưng dù đơn hàng khác biệt như thế nào thì tất cả đều có một điểm chung là sự ngạc nhiên của khách hàng khi họ biết chính Hảo và đồng nghiệp, những người khuyết tật, trực tiếp làm ra những sản phẩm cho họ.

Vậy sự ngạc nhiên này nói lên điều gì?

Phải chăng sâu xa trong xã hội chúng ta vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về người khuyết tật và khả năng của họ? Rằng họ vẫn có thể là một lực lượng lao động hữu ích trong xã hội? Rằng họ vẫn có thể làm tốt công việc phù hợp với năng lực của họ mà không hề thua kém về năng suất so với những người bình thường?

Tôi xin mượn ý của ông Colin Backwell để trả lời phần nào trả lời cho câu hỏi này, đại ý rằng khi bạn ngồi trước máy tính, cái đầu quan trọng hơn đôi chân.

Colin cho rằng IT là một ngành rất phù hợp với những người khuyết tật. Tuy vậy, khi Enablecode có nhu cầu tuyển thêm người để đáp ứng nhu cầu đơn hàng ngày càng tăng, mọi việc không dễ dàng.

Dưới góc nhìn của mình, ông Colin cho rằng cha mẹ Việt thường hay bảo bọc con cái ở nhà, và với những đứa con khuyết tật, sự bảo bọc càng lớn hơn. Họ sợ con mình bị tổn thương khi tiếp xúc với xã hội. Khi chỉ loanh quanh ở nhà, không học, không tiếp xúc với xã hội thì làm sao có năng lực để tìm việc làm.

Đó là một phần lý do mà dù Việt Nam có đến 13 triệu người khuyết tật, một con số không nhỏ, chúng ta cũng rất ít khi thấy họ ở ngoài xã hội, ông Colin nói.

Ở vị trí Phó giám đốc Quản lý Dự án tại DRD, bà Lương Thị Quỳnh Lan đưa ra những con số cụ thể hơn, rằng trong số 13 triệu người khuyết tật, có đến 43% số người trên 6 tuổi bị mù chữ; chỉ 0,1% số người khuyết tật có bằng cao đẳng/đại học.

Cần lắm sự thay đổi tư duy từ cộng đồng doanh nghiệp

Trong suốt 10 năm qua, DRD chỉ giới thiệu được 266 người khuyết tật có việc làm hiệu quả, so với 3000 bạn tìm đến DRD để nhờ hỗ trợ tìm việc làm hàng năm, nghĩa là tỉ lệ chưa đến 9%..

Từ hiệu quả ở đây được hiểu là người khuyết tật có công việc và gắn bó được với nơi làm việc trong thời gian dài chứ không nghỉ việc giữa chừng trong một thời gian ngắn, chỉ vài tháng.

Tại sao chỉ có 266 người khuyết tật có được việc làm hiệu quả, một con số quá khiêm tốn như vậy?

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm cùng người khuyết tật, bà Lan chia sẻ, người khuyết tật rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Thật khó để họ có thể ngồi trước bạn, nhìn thẳng vào mặt bạn khi giao tiếp chứ đừng nói là làm việc trong môi trường công ty đông người. Thế nhưng khi làm việc, chính sự kỳ thị, thiếu gần gũi, đơn giản như những ánh nhìn kỳ kỳ, giờ cơm trưa bị tách riêng ra khỏi những người đồng nghiệp… khiến người khuyết tật bị tổn thương và xin nghỉ việc.

Vậy là không ít người khuyết tật bị đặt ngoài thị trường lao động. Và yếu tố này, ở góc nhìn vĩ mô, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được bà Lan chia sẻ tại hội thảo, đã làm mất khoảng 3% GDP của Việt Nam hằng năm.

Để thay đổi điều này, rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp với tư cách những người tiên phong tạo cơ hội, trao niềm tin cho người khuyết tật làm việc chứ không phải tạo một công việc cho có, theo kiểu nhìn nhận đó là việc từ thiện, tích phúc tích đức.

Muốn vậy, theo bà Lan, thiết nghĩ cần nói thêm về những giá trị mà người khuyết tật có thể mang lại cho doanh nghiệp.

Cụ thể, mỗi dạng khuyết tật riêng phù hợp với một công việc riêng. Người khiếm thị vẫn có thể làm tốt công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại; người khiếm thính thường thì có đôi bàn tay cực khéo và cảm quan mỹ thuật rất tốt; người khuyết tật ở chân không ngăn họ trở thành một nhân viên IT xuất sắc…

Ở góc nhìn nhân sự, người khuyết tật có tính cam kết gắn bó với công việc rất cao; và sự hiện diện của họ cũng là động lực cho những nhân viên còn lại cố gắng làm việc.

“Hiểu thêm về người khuyết tật sẽ giúp doanh nghiệp bớt e dè khi tuyển dụng họ”, bà Lan gửi gắm thông điệp của mình đến các doanh nghiệp khi nói chuyện trước cộng đồng mạng lưới CIO Việt Nam.

Nếu khuyết tật là một điều bất hạnh thuộc về số phận không thể tránh, thì giúp người khuyết tật hòa nhập lại là một lựa chọn. Cuộc sống cần nhiều hơn bàn tay của xã hội và doanh nghiệp đưa ra những lựa chọn như cách ông Colin Blacbwell và bà Lương Thị Quỳnh Lan đã thực hiện.

Mời xem thêm:

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không dễ

Từ chuyện “khuyết tật” có nghĩa là gì

Người khuyết tật và cách quản trị hoàn hảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới