(KTSG Online) - Theo thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ, tại nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác.
- Cơ chế mua bán điện trực tiếp – động lực mới cho nền kinh tế xanh
- Bộ Công Thương hoàn thành nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp
Theo Baochinhphu.vn đưa tin, văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 205 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng và nội dung chính của nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Thường trực Chính phủ lưu ý, đối với nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể. Bộ Công Thương cần hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15-5-2024.
Đối với tiến độ xây dựng nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Bộ Công Thương bổ sung các nội dung chính sách khuyến khích một cách thực chất, khả thi. Bộ hoàn thiện 2 nghị định, trình Chính phủ trong tháng 5-2024.
Cụ thể, đối với nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các bộ trong thực hiện các thủ tục về phòng cháy chữa cháy… Cơ quan cũng nghiên cứu chính sách về khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này.
Với nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, những nội dung cần quan tâm là xác định vai trò của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí.
Việc xây dựng các nghị định này sẽ thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn điện lực Việt Nam.