Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần quyết sách mới và mạnh để thu hút được ‘FDI bền vững’

PGS. Trương Quang Thông (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam đang rất cần một chiến lược thu hút những dòng FDI chất lượng hơn, đóng góp bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế, thoát khỏi mô hình phát triển dựa vào thâm dụng lao động. Cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn để  giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI.

Chúng tôi bắt đầu từ các số liệu của cán cân thanh toán Việt Nam trong khoảng thời gian 2020-2023. Nguồn dữ liệu chúng tôi phần lớn lấy từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), do những dữ liệu khả dụng công khai từ các cơ quan Việt Nam còn chưa cập nhật kịp thời và không đầy đủ. 

FDI đóng góp cho xuất khẩu Việt Nam với tỷ trọng 73% vào năm 2023. Ảnh: T.L

Cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư

Nhìn qua dữ liệu cán cân thanh toán Việt Nam giai đoạn 2020-2023 mà tâm điểm của giai đoạn đó là đại dịch Covid-19, cán cân thương mại Việt Nam vẫn giữ trạng thái thặng dư liên tục trong 4 năm, ngoại trừ có sự sụt giảm vào năm 2021, ở mức 17,47 tỉ đô la so với con số 30,70 tỉ đô la vào năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam đã rất nhanh chóng khôi phục mức thặng dư cán cân thương mại vào ngay năm sau đại dịch, với mực thặng dư 29,40 tỉ đô la vào năm 2022.

Cán cân vãng lai nhìn chung đã gia tăng thặng dư trong giai đoạn 2020-2023, từ mức 15,10 tỉ đô la vào năm 2020 lên 25,10 tỉ đô la năm 2023. Tuy nhiên, giữa hai thời điểm đó, mặc dù cán cân thương mại vẫn duy trì mức thặng dư khá tốt, thì cán cân vãng lai lại chứng kiến mức thâm hụt 4,63 tỉ đô la vào năm 2021, năm cao điểm của Covid-19,  và chỉ một ít thặng dư 1,40 tỉ đô la  vào năm sau đó.

Thống kê cho chúng ta biết nguyên nhân chính bao gồm mức gia tăng cao của thâm hụt cán cân dịch vụ, ở mức hơn 15 tỉ đô la, theo đánh giá, phần lớn do sự yếu kém cạnh tranh của dịch vụ vận tải ngoại thương Việt Nam so với các nước. Trong khi đó, kiều hối, luồng tài chính chủ yếu để bù đắp thâm hụt cán cân ngoại thương thời kỳ trước năm 2020, lại tăng chậm, thậm chí sụt giảm trong hai năm 2021-2022.

Cập nhật một số dữ liệu mới nhất cho thấy, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư khoảng 2,29 tỉ đô la trong tháng 9-2024, nâng tổng xuất siêu của nước ta 9 tháng năm 2024 lên khoảng 20,79 tỉ đô la. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 24,78 tỉ đô la vốn đầu tư FDI đã chảy vào Việt Nam, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị gia tăng trong xuất khẩu của FDI vẫn ở mức thấp

Theo lý thuyết, cán cân vãng lai là một trạng thái lý tưởng để diễn tả quan hệ nợ nần của một quốc gia với phần còn lại của thế giới. Nếu cán cân vãng lai thặng dư, thì chúng ta nợ nước ngoài ít hơn nước ngoài nợ chúng ta, và ngược lại. Thâm hụt cán cân vãng lai có thể được bù đắp bằng thặng dư của cán cân tài chính, trong đó, chúng ta mong muốn rằng, với mục tiêu ổn định và cân bằng kinh tế vĩ mô, những nguồn bù đắp đó phải là những nguồn dài hạn và ổn định.

Thế nhưng, như trên đã phân tích, dù trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn, chúng ta gần như không còn nhu cầu bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai nữa, vì lẽ cán cân vãng lai trong giai đoạn trên đã liên tục thặng dư, chỉ ngoại trừ năm 2021 là thâm  hụt ở mức 4,63 tỉ đô la. Cán cân tài chính trong giai đoạn 2020-2023 luôn thặng dư, chỉ thâm hụt 2,84 tỉ đô la vào năm 2023.

Trong rất nhiều năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn chủ yếu để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam kể từ sau chính sách mở cửa, trong việc chuyển giao công nghệ, tạo ra việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách quốc gia... Có thể thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2023 vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thu hút FDI trên toàn cầu suy giảm.

Trong bối cảnh những thách thức kinh tế toàn cầu, điều đó đã nhấn mạnh khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại, với những với điều kiện khá thuận lợi như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng với những đầu tư đáng kể của Chính phủ vào hạ tầng trong các năm 2022-2023 giúp hoàn thành các dự án lớn, đặc biệt là các dự án  đường cao tốc. Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho các dự án sản xuất lớn (10% trong 15 năm đầu tiên) cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn đầu tư FDI. Bên cạnh đó, là các cơ hội ngành, với sự tập trung vào sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu các mặt hàng điện tử.

Bảng 1 dưới đây tổng hợp các chỉ tiêu đánh giá đóng góp của FDI trong nền kinh tế Việt Nam. Ấn tượng nhất có lẽ là đóng góp cho xuất khẩu, với tỷ trọng hơn 73% vào năm 2023. Trong khi đó, đóng góp cho tăng trưởng GDP từng chiếm tỷ cao nhất là 30,45% vào năm 2017, đã sụt giảm xuống mức còn 22,10% vào năm 2023. Tương tự, tỷ trọng trong tổng thu ngân sách đạt mức cao nhất vào năm 2016 với mức 14,40%, đến năm 2023 chỉ còn khoảng 8,50%.

Như vậy, thành tích nổi bật nhất của các doanh nghiệp FDI là đóng góp cho xuất khẩu với tỷ trọng hoàn toàn áp đảo và ngày gia tăng, trong khi đó, đóng góp vào tăng trưởng GDP và đóng góp vào ngân sách đã chứng kiến một sự sụt giảm tương đối.

Bảng 1: Đóng góp của FDI trong nền kinh tế

Năm Tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng GDP (%) Tỷ trọng trong

xuất khẩu (%)

Tỷ trọng trong

tổng thu ngân sách (%)

2011-2015 21,52 64,96 12,65
2016 22,12 71,5 14,40
2017 30,45 72 13,31
2018 29,69 71,40 13,29
2019 20,45 70,1 13,66
2020 22,70 72,30 11,84
2021 14,39 73,40 13,85
2022 20,30 74,40 10,00
2023 22,10 73,10 8,50

 

Cũng theo bảng 1, mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI trong lĩnh vực  xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các mặt hàng điện tử do FDI sản xuất cũng chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam, lên tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2024.

Tuy vậy, giá trị gia tăng hàm chứa trong các sản phẩm xuất khẩu của FDI  vẫn còn ở mức rất thấp, do hoạt động sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp. Ngành sản xuất điện tử, công nghệ cao của FDI lại là một ngành nhìn chung không ổn định trong tổng cầu, do yếu tố phát triển công nghệ như vũ bão sẽ có những tác động khó lường đến vòng đời sản phẩm, từ đó dẫn đến đặc điểm khó dự báo của thị trường của người tiêu dùng trung gian, cũng như người tiêu dùng cuối cùng. Đó là chưa kể đến những căng thẳng và bất định của hệ thống địa chính trị toàn cầu hiện nay.

Bên cạnh đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp FDI khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa, và có xu hướng giảm trong ba năm trở lại đây, theo Tổng cục Thuế. Riêng báo cáo của Bộ Tài chính năm nào cũng ghi nhận quá nửa số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam báo lỗ. Trong năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293, chiếm 55%; số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258, chiếm 62%.

Đi sâu hơn nữa , chúng ta thử phân  tích vai trò đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong đầu tư toàn xã hội.

Bảng 2 trình bày tỷ trọng đóng góp của FDI, kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế nhà nước vào vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2022. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước giữ vị thế chủ đạo trong đóng góp vốn đầu từ toàn xã hội, trong khi đó, FDI lại tương đối sụt giảm, từ mức 18,22% vào năm 2016, xuống còn 16,21% vào năm 2022. Tổng cục Thống kê ước tính con số đó vào năm 2023 là 16%.

Bảng 2: Tỷ trọng đóng góp đầu tư toàn xã hội (%)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022
FDI 18,22 18,12 17,93 17,58 16,53 15,81 16,21
Kinh tế ngoài nhà nước 51,31 53,69 56,10 58,34 57,26 59,36 58,18
Kinh tế nhà nước 30,47 28,19 25,97 24,08 24,83, 24,83 25,61

 

Phân tích về đóng góp tư bản vào đầu tư phát triển một nền kinh tế sẽ rõ hơn nếu chúng ta phân tích thêm dòng vốn FDI vào ròng (FDI Net Inflows). Đó là giá trị đầu tư trực tiếp vào một nền kinh tế được thực hiện bởi các nhà đầu tư không cư trú. Dữ liệu của World Bank thông qua Hình 1 cho chúng ta thấy tỷ lệ FDI Inflows so với GDP cao nhất ở  ở mức 11,90% và 9,70% lần lượt vào các năm 1994 và 2008, nhưng đã sụt giảm đáng kể, chỉ ở mức 4,3% vào năm 2023.

Như vậy, nếu kết hợp phân tích về vai trò của FDI vào xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng, trong ngắn hạn, FDI là một thành phần quan trọng nhưng vẫn còn những tiềm ẩn không ổn định trong tổng cầu. Còn trong dài hạn, sự không ổn định, kể cả sụt giảm đáng kể của tỷ lệ FDI Net Inflows/GDP cho thấy FDI chưa thực sự chứng minh sự đóng góp bền vững vào việc gia tăng thêm năng lực sản xuất, cũng như đóng góp bền vững vào tăng trưởng kinh tế.

 FDI Net Inflows/GDP – Vietnam (%)

Nguồn: Dataworldbank.org

Cần thoát khỏi mô hình phát triển dựa vào thâm dụng lao động

Nếu kết hợp phân tích về vai trò của FDI vào xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong ngắn hạn, FDI là một thành phần quan trọng. Thế nhưng, vẫn còn đó những tiềm ẩn không ổn định trong tổng cầu. Trong trung dài hạn, sự không ổn định, kể cả sụt giảm đáng kể của tỷ lệ FDI Net Inflows/GDP cho thấy FDI chưa thực sự chứng minh đóng góp bền vững vào việc gia tăng thêm năng lực sản xuất, cũng như đóng góp bền vững vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ảnh: Hùng Lê

Đó là chưa kể việc tạo ra những giá trị gia tăng thấp cùng việc sụt giảm trong nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách quốc gia. “Bẫy” giá trị gia tăng thấp là một vấn đề nhãn tiền mang những nguy cơ tiềm ẩn đến tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. “Bẫy” về giá trị gia tăng thấp trong thu hút và thực hiện đầu tư FDI thể hiện trong việc không có sự hình thành các mối liên kết với nền kinh tế trong nước; hiệu quả hoạt động thấp xét về mọi mặt (đầu tư, năng suất, phát triển kỹ năng...); chủ yếu đầu tư vào các ngành kinh tế thâm dụng lao động, cạnh tranh bằng giá, nhìn nhận lao động là yếu tố chi phí hơn là một nguồn lực.

Có thể thấy, các doanh nghiệp 100% FDI khi đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp chế xuất. Họ tận dụng các  hiệp định thương mại tự do để nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu. Như vậy cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nhận được chuyển giao công nghệ hay lợi ích là rất ít. Điều nầy có thể nhận thấy rõ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, làm nổi lên vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và gần đây hơn, trong giai đoạn giao thời của Đại dịch Covid-19.

Khu vực FDI tuy đóng góp hơn 70% vào xuất khẩu nhưng có đến 65% nhập khẩu cũng là từ khu vực nầy. Thêm nữa, dữ liệu cán cân thanh toán quốc tế trong thời gian 2020-2023 cho thầy, tiền chi trả sở hữu, một thành phần quan trọng của thu nhập sơ cấp (Primary Income) chuyển ra nước ngoài từ FDI đang gia tăng mạnh. Điều nầy có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm quốc gia cũng như khả năng tái đầu tư của nền kinh tế.

Do đó, Việt Nam đang rất cần một chiến lược hay quốc sách  thu hút những dòng FDI chất lượng hơn, có khả năng đóng góp bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế trong định hướng thoát khỏi mô hình phát triển công nghiệp dựa vào thâm dụng lao động. Các lĩnh vực ưu tiên bắt buộc có những đóng góp về giá trị gia tăng cao, với những cam kết về chuyển giao công nghệ, tạo sự lan tỏa cụ thể.

Bên cạnh đó, chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng cần có những quyết sách và giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước thể hiện qua sự phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, và sự phát triển khá mờ nhạt của nền công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó,  cần nới lỏng và giải tỏa các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp doanh nghiệp nội địa trong sự phát triển song hành và bình đẳng với các doanh nghiệp FDI.

Cuối cùng, sự sụt giảm trong đóng góp cho ngân sách nhà nước, việc hơn 50% doanh nghiệp FDI hoạt động chưa có lãi có thể có liên quan đến vấn đề chuyển giá. Do đó, cần củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

------------------------------------

(*) Khoa Ngân hàng - Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế TPHCM)

  • Chủ đề :
  • FDI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới