Thứ Năm, 25/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần sớm bù giá mua cát Campuchia cho vành đai 3 TPHCM

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM đã khởi công hơn một năm và hiện có nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu cát. Giải pháp được cho là khả thi nhất hiện nay là nhập cát từ Campuchia để sử dụng, nhưng phương án này đang bị vướng quy định, phải xin ý kiến nhiều bộ để tháo gỡ dù chỉ làm tăng thêm 0,5% chi phí phần xây lắp.

Vành đai 3 TPHCM là trục giao thông huyết mạch có vai trò rất quan trọng, tạo thành hành lang vận tải giữa TPHCM với miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ, nối liền bốn địa phương gồm TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Dự án đường vành đai 3 TPHCM đã được khởi công vào tháng 6-2023, tổng mức đầu tư bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là gần 75.400 tỉ đồng. Công trình có tổng chiều dài hơn 76 ki lô mét gồm bốn đoạn qua TPHCM (47 ki lô mét), tỉnh Đồng Nai (11 ki lô mét), Bình Dương (11 ki lô mét) và Long An (7 ki lô mét).

Tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, vấn đề của vành đai 3 là thiếu cát và cần cơ chế tháo gỡ.

Hiện nay, đoạn vành đai 3 qua TPHCM tiếp tục thiếu cát trầm trọng. Nếu đến tháng 8-2024 vẫn chưa có cát đắp nền thì tiến độ hoàn thành khó bảo đảm. Đoạn vành đai 3 trên địa bàn TPHCM còn thiếu đến 1,5 triệu mét khối. Các mỏ cát ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ đáp ứng được 500.000 mét khối, còn thiếu 1 triệu mét khối cát.

Dù TPHCM đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có mỏ cát ở ĐBSCL nhưng đến thời điểm hiện tại nguồn cát này vẫn không có hướng ra. Bản thân các tỉnh này chỉ đủ sức cung cấp cát cho các dự án cao tốc trong khu vực, không thể tăng công suất khai thác để cung ứng cho vành đai 3 TPHCM.

TPHCM có đề xuất mua cát từ Campuchia cho dự án vành đai 3 nhưng đang bị vướng về giá. Cát Campuchia hiện nay về tới công trường có giá 360.000 đồng/mét khối, trong khi giá cát trong hợp đồng chỉ 240.000 đồng/mét khối, tức chênh lệch 120.000 đồng/mét khối. Như vậy nếu mua 1 triệu mét khối cát từ Campuchia thì phải bù thêm khoảng 120 tỉ đồng.

Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có giao TPHCM nghiên cứu về việc mua cát từ Campuchia, nhưng nếu có vướng mắc như phải bù giá thì phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cho chủ trương để thực hiện.

Với nguồn lực tài chính của mình và thẩm quyền được giao theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TPHCM, thiết nghĩ nên giao cho chính quyền TPHCM quyền quyết định bù giá để sớm triển khai việc nhập cát từ Campuchia.

Nếu xét trên tổng thể lợi ích thì phần chi phí tăng thêm khi mua cát Campuchia không phải là con số quá lớn. Có thể so sánh đoạn vành đai 3 trên địa phận TPHCM có tổng chi phí xây dựng 22.400 tỉ đồng. Như vậy, phần chênh lệch phải bù giá là 120 tỉ đồng, tương đương hơn 0,5% tổng giá trị phần xây lắp.

Xét về con số tuyệt đối lẫn tỷ lệ, số tiền bù thêm để mua cát này không làm đội giá dự án, gây ảnh hưởng lớn như một số dự án khác, chẳng hạn như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội giá từ gần 9.000 lên đến 18.000 tỉ đồng.

Việc chậm trễ đưa đường vành đai 3 đi vào hoạt động sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực lớn hơn nhiều so với số tiền đã bỏ ra để bù giá khi mua cát nói trên. Sớm thông xe, đường vành đai 3 TPHCM sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được những khoản chi phí mà lẽ ra phải tốn như khi đi vòng, kẹt xe hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới