Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần sòng phẳng trong việc tính ‘giá thành’ học phí

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Học phí đại học tăng từ năm học mới 2023-2024 xem ra là đúng theo lộ trình ghi trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP, thậm chí là muộn hơn so với thời điểm được cho phép là “từ năm học 2022-2023” do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về phía các trường, việc tăng học phí sẽ giúp họ cân đối nguồn lực tài chính, đặc biệt là khi nguồn thu từ ngân sách của Chính phủ không còn nữa sau khi trường đại học thực thi cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nguồn thu hàng năm nói trên dù được cho là còn khiêm tốn nhưng vẫn là một trong ba nguồn thu chính (bên cạnh thu từ người học và xã hội) của trường đại học khi chưa bước vào con đường tự chủ đại học.

Vấn đề là trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập, việc tái cơ cấu nguồn thu đã đặt ra đôi điều đáng nghĩ. Số liệu từ một nghiên cứu được công bố ở Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 cho thấy, nguồn thu của các trường từ ngân sách giảm từ mức 25,5-28,7% của năm 2015 xuống còn 2,6-6,1% vào năm 2022.

Trong khi đó, nguồn thu từ học phí, lệ phí tăng từ 53,5-59,7% lên mức 69-75,5%. Còn nguồn thu từ hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các dịch vụ khác tăng không đáng kể(1).

Nhìn vào cơ cấu nguồn thu mà học phí phải gánh đến 70-75% chi phí, các trường đại học công lập buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí để duy trì hoạt động. Hệ lụy tất yếu kéo theo là gây ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục đại học trong dân chúng. Nói cách khác, cánh cửa vào trường đại học của sinh viên con nhà nghèo ngày càng thu hẹp lại.

Xét về mối quan hệ kinh tế thì sinh viên là “người mua dịch vụ giáo dục” của “nhà cung cấp” là các trường đại học. Như vậy, “người mua” phải nhận được dịch vụ tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Ngoài ra, bên cung cấp dịch vụ cũng không thể đẩy hết chi phí vào “giá thành dịch vụ” và buộc “người mua” phải gánh chịu hết.

Vì vậy, cơ cấu “giá thành” dịch vụ giáo dục (học phí) là điều cần kiểm soát trong bối cảnh tự chủ tài chính hiện nay. Nghị định 81/2021/NĐ-CP cho phép đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng thì trường đại học công lập được tự ấn định mức thu học phí.

Tuy nhiên, lỗ hổng đang nằm ở chỗ quá trình kiểm định hiện nay vẫn chưa hoàn toàn bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo. Có tình trạng một số thành viên kiểm định chương trình cũng chưa có tiêu chuẩn nghề nghiệp mà chỉ có chứng chỉ kiểm định viên(2).

Chất lượng kiểm định đang bỏ ngỏ nhưng học phí thì được tính theo kiểu tự quyết định là một rủi ro tiềm ẩn cho người học. Để bảo đảm quyền lợi sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giám sát và đánh giá các trung tâm kiểm định hiện nay để bảo đảm việc kiểm định có chất lượng thực chất.

Cũng cần làm rõ cơ cấu học phí theo hướng, những môn nào không thật sự cần thiết cho chuyên môn thì cho sinh viên được lựa chọn học hay không học, như vậy sẽ góp phần kéo giảm học phí.

Các trường đại học công lập cần có lộ trình kéo giảm tỷ lệ chi phí mà học phí phải gánh trong cơ cấu nguồn thu, tìm cách tăng các nguồn thu khác ngoài học phí như nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ… Nếu không làm được điều này, cách tính học phí không sót khoản nào như hiện nay sẽ tiếp diễn và đổ lên vai sinh viên và cha mẹ các em một gánh nặng tài chính.

Cuối cùng, cần xem xét triển khai chương trình tín dụng sinh viên như các nước, bảo đảm khoản vay đủ chi trả chi phí học tập chớ không giới hạn như hiện nay. Người nghèo vay để đóng học phí và trả dần cho Nhà nước khi đã có việc làm là cơ chế hợp lý hơn các hình thức trợ cấp hay học bổng không ổn định, đây là điều cần triển khai càng sớm càng tốt. Có như vậy, cơ hội tiếp cận bình đẳng trong giáo dục mới thành hiện thực và con nhà nghèo mới còn cửa vào đại học.

(1) https://tuoitre.vn/tu-chu-dai-hoc-de-ganh-nang-tai-chinh-khong-de-nguoi-hoc-20220805085026477.htm

(2) https://tuoitre.vn/tang-hoc-phi-lam-sao-de-nguoi-ngheo-con-co-hoi-vao-dai-hoc-20230514223040738.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Học phí/ học bổng/ học hành… Mỗi thứ đều luôn có giá của nó. Một hệ thống giáo dục được xem là chuẩn mực là hệ thống mà ở đó mọi thứ đều được phân loại/ đánh giá một cách phân minh/ rõ ràng. Bạn muốn vào trường công, được thôi, hãy chứng minh ta đây giỏi giang thực sự. Bạn thích vào trường tư, điều đó không có nghĩa đây là trường “dỏm”, mà là tiền nào của nấy, học ra học, chơi ra chơi. Hơn bất kỳ lĩnh vực nào hết, giáo dục phải luôn đảm bảo tiêu chí chuẩn mực/ chuẩn hóa, từ thầy cho đến trò. Nếu không, mọi thứ sẽ hỏng bét.

  2. Kiểm định thì như diễn, không khéo theo vết xe đổ của kiểm định ô tô. Định mức chi tiêu thì theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Tuyển dụng thì không theo nhu cầu mà theo quan hệ, sửa chữa mua sắm thì kém minh bạch, chi phí hoạt động như điện nước thì không tiết kiệm… Trong khi chưa có định mức và kiểm toán tính hợp lý của chi phí bộ máy và chi phí hoạt động mà cho tự chủ là thiệt thòi cho quyền lợi của người học, nhất là người nghèo. Đội ngũ vừa yếu lại vừa thừa, môn nào cũng giảng được dẫn đến không đảm bảo chất lượng nhưng người học không được quyền lực chọn giảng viên nhưng vẫn phải trả học phí tính theo tín chỉ mỗi năm mỗi tăng. Có trong chăn mới biết chăn có rận! Người học vì cần tấm bằng nên phải cắn răng mua dịch vụ mà chất lượng không tương xứng với số tiền đã trả. Mất lòng thì chịu nhưng còn hơn là để càng ngày càng mất lòng tin của người học và phụ huynh vào sự nghiệp giáo dục đại học

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới