Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần sửa gấp và công bố rộng rãi quy tắc ứng xử của ngành giáo dục

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong hai vụ “cô giáo xã hội hóa” và “cô giáo thân mật với nam sinh” đang làm dậy sóng dư luận, cách giải thích của cả người trong cuộc lẫn cơ quan chức năng bộc lộ một điều: bộ quy tắc ứng xử của ngành giáo dục còn những điểm thiếu sót cần bổ sung gấp.

Trong tuần qua, dư luận xã hội dậy sóng với hai vụ việc liên quan đến ngành giáo dục nối tiếp nhau khi chưa hết tháng đầu tiên của năm học mới.

Vụ thứ nhất, một cô giáo dạy lớp 4 tại một trường ở TPHCM đề nghị phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop cho cô sử dụng cá nhân. Trả lời trên báo chí sau khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng trường nhận định chuyện như vậy sai hoàn toàn nhưng “hiện tại chưa biết giải quyết thế nào”(1). Trong khi đó, cô giáo này cho biết cô đề nghị mua laptop “vì nghĩ là việc bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm”(2).

Vụ thứ hai, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay cảnh một nam sinh có hành động “quá thân mật” với cô giáo trẻ tại bàn giáo viên ngay trước mắt nhiều học sinh khác. Chuyện xảy ra tại phòng học lớp 10 của một trường phổ thông trung học ở Hà Nội.

Trong buổi làm việc với ban giám hiệu trường, cô giáo xuất hiện trong đoạn video thừa nhận sự việc nhưng giải thích nguyên nhân là “do còn thiếu kiến thức và kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm”. Không thấy ban giám hiệu có ý kiến gì về lời giải thích từ cô giáo này tại buổi làm việc(3).

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định "Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên”.

Tuy nhiên, khi hai vụ việc liên quan đến giáo viên xảy ra tại hai trường học nói trên và nhiều vụ việc trước đó nữa, cụm từ “quy tắc ứng xử” (code of conduct) hầu như không được nhắc tới dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khá lâu. Không rõ là những người trong ngành giáo dục có nhớ đến sự tồn tại của quy tắc ứng xử được quy định trong Thông tư 06 này hay không.

Quy tắc ứng xử nói trên ghi rõ là “áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học”. Tuy nhiên, dù thuộc đối tượng áp dụng nhưng từ khi Thông tư 06 được ban hành đến nay, người viết bài này chưa bao giờ nghe đề cập đến qua các kênh liên lạc với nhà trường hay qua các buổi họp phụ huynh với giáo viên.

Không chỉ mờ nhạt về sự hiện diện khiến quy tắc ứng xử này ít được biết đến, nội dung các quy định trong quy tắc ứng xử cũng chung chung, không bao quát và thiếu sót.

Chẳng hạn, hành vi “thân mật” của cô giáo ở Hà Nội hoàn toàn không được đề cập như một nguyên tắc chung trong bộ quy tắc nói trên. Nội dung liên quan đến vấn đề giới tính, tính dục trong quy tắc này chỉ giới hạn ở cụm từ “không xâm hại người học”. Ở nhiều nước, hành vi “thân mật” như của cô giáo này được ghi rõ là bị cấm trong bộ quy tắc ứng xử của trường, của ngành giáo dục. Đó là chưa kể, trong một số trường hợp giáo viên vi phạm nặng hơn còn có thể rơi vào vòng lao lý(4).

Để chấm dứt tình trạng lạm thu núp bóng “xã hội hoá” hay những chuyện dẫn đến suy diễn kiểu “vòng tay học trò” gây tai tiếng về mặt đạo đức, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm ngay hai việc liên quan đến quy tắc ứng xử.

Đầu tiên là biên soạn bổ sung lại quy tắc ứng xử theo hướng bao quát hơn, đầy đủ hơn các vấn đề phát sinh mà quy tắc hiện hành chưa đề cập đến. Các vấn đề nhạy cảm liên quan đến tính dục cũng cần quy định rõ trong bộ quy tắc mới. Việc thứ hai là bộ quy tắc mới khi được ban hành phải kèm theo quy định bắt buộc phổ biến, công bố để tất cả những ai thuộc đối tượng áp dụng đều biết rõ.

Dựa trên bộ quy tắc khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử chi tiết, trong đó liệt kê rõ những điều bị cấm, những điều muốn làm phải báo cáo cấp trên, chẳng hạn giáo viên báo cáo ban giám hiệu hoặc ban giám hiệu báo cáo phòng hay sở giáo dục để được phê duyệt.

Cũng cần quy định bản quy tắc ứng xử của các trường học phải được sở giáo dục địa phương phê duyệt trước khi ban hành, tương tự như trường hợp nội quy lao động của doanh nghiệp phải được sở lao động địa phương chuẩn thuận trước khi áp dụng.

Việc phê duyệt liên quan đến quy tắc ứng xử sẽ tạo ra sự minh bạch trong triển khai, đặc biệt là với các hạng mục xã hội hoá. Ai ký duyệt người đó sẽ chịu trách nhiệm, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi các vụ lạm thu bị phát hiện như trong thời gian qua.

Vào đầu năm học, các trường dùng bản quy tắc ứng xử này để làm căn cứ cho việc huy động nguồn lực xã hội hoá. Khi đưa ra một hạng mục huy động đóng góp, phụ huynh có cơ sở để kiểm tra xem hạng mục đó có được phép hay không.

Cuối cùng, cần bổ sung quy định bảo vệ học sinh, người cung cấp thông tin. Hiện nay, theo bản quy định trong Thông tư 06 thì việc đưa thông tin lên mạng xã hội bị xem là vi phạm. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì điều khoản đó không kèm theo quy định học sinh sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng như thế nào.

Đồng thời, quy chế tiếp nhận, bảo mật thông tin phải được công bố rộng rãi cho tất cả giáo viên, nhân viên trường học, học sinh và phụ huynh nắm rõ. Có như vậy, thay vì đưa lên mạng xã hội thì họ có thể gửi cho các cơ quan chức năng, hơn là để “chìm xuồng” vì không biết phản ánh ở đâu.

------------------------------

(1) https://nld.com.vn/xin-phu-huynh-ung-ho-mua-laptop-bat-thanh-giao-vien-khong-soan-de-cuong-on-tap-196240927201636016.htm

(2) https://tuoitre.vn/co-giao-xin-ho-tro-laptop-vi-nghi-la-chu-truong-xa-hoi-hoa-giao-duc-20240930141859313.htm

(3) https://tuoitre.vn/vu-nam-sinh-than-mat-voi-co-giao-tren-buc-giang-co-giao-noi-gi-20241002152927141.htm

(4) https://cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/My-Bo-tu-nhieu-nu-giao-vien-vi-quan-he-tinh-duc-voi-hoc-sinh-vi-thanh-nien-i529329/

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngành giáo dục, nếu xét về tiêu chí tầm nhìn/ sứ mệnh/ mục tiêu/ giải pháp… thì không có gì phải sửa nhiều. Mọi chủ trương hầu như đều đúng cả, quan trọng là cách thức thực thi, tổ chức thực hiện. Tóm lại, chỉ cần chỉnh sửa chính con người làm giáo dục thôi.

  2. Ngày xưa lúc tôi còn đi học cấp 1 cấp 2, mỗi lần phạm lỗi bị thầy cô đánh là má tôi cho ăn roi tiếp. Ngày hôm sau má tôi lập tức lên trường xin lỗi thầy cô, thầy cô rất được phụ huynh kính trọng nhưng không có chuyện phân biệt học sinh đóng nhiều tiền hay ít tiền vì học sinh không phải đóng bất cứ khoản tiền nào cho trường công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới