Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cẩn thận với sức mua dịp lễ Tết

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong giai đoạn hiện nay, từ đây cho đến hết quí 1-2023, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cần lưu ý điều gì? Đuổi theo giá hàng hóa thương phẩm với kỳ vọng tăng vì mục đích lợi nhuận hay nên cẩn thận với nhiều rủi ro có thể gặp phải?

Ảnh: N.K

Chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tại các nước phát triển đã và đang làm rối tung đồng tiền nhiều nước nghèo. Tình trạng lạm phát tại Mỹ và EU đã làm đảo lộn cuộc sống của không chỉ người dân sở tại mà còn cản trở việc tiêu thụ sản phẩm của các nước cung cấp nguyên liệu.

Một bạn trẻ là công chức ăn lương tại Mỹ cho biết lạm phát tăng trên 8% nhưng lương nhận thực tế chỉ mới được tăng thêm 3%. Túi tiền của người dân vì thế mà co lại nên từng gia đình thắt chặt chi tiêu là chuyện dễ hiểu. Tất cả các mặt đời sống đều bị ảnh hưởng một cách tiêu cực không đây thì đó, không ít thì nhiều.

Làn sóng cho nghỉ việc tại nhiều nước trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền và quản lý xã hội. Từ đầu năm đến giữa tháng 11-2022, có gần 75.000 người tại các hãng công nghệ trên đất Mỹ bị cho nghỉ việc. Amazon còn dự kiến sẽ giảm cả chục ngàn chỗ làm. Hãng máy tính HP tính sa thải 10% số do doanh số không đạt yêu cầu.

Ở châu Âu, ngoài các công ty công nghệ, các doanh nghiệp phân phối hàng tạp hóa cũng giảm biên chế như Getir (Thổ Nhĩ Kỳ), một công ty phân phối và giao hàng nhanh trong tháng 6 năm nay cũng cắt giảm 4.500 việc làm… và nhiều trường hợp khác nữa từ các hãng hàng không đến sản xuất thiết bị y tế như Philips (Hà Lan) báo sẽ cắt 4.500 việc làm…

Nỗi lo của doanh nghiệp và người mua bán lẻ trong thời gian tới vào dịp lễ Tết nên chăng cần thận trọng với lực tiêu thụ, khi lương thưởng của dân lao động tại nhiều nước tự dưng bị cắt toàn phần hay một phần, khi lạm phát buộc họ chỉ tập tung chi tiêu vào những thứ “nhu yếu”.

Mới đây, Công ty TNHH Tỷ Hùng cho nghỉ 1.200 người hay hai phần ba số lượng công nhân do không có đơn đặt hàng giày da xuất khẩu, một công ty chế biến cá ba sa tại An Giang cũng cắt hơn một nửa lượng công nhân vì lý do tương tự.

Nhiều hãng tàu cho biết lượng đặt chỗ giảm rõ rệt dù họ đã giảm giá cước vận tải container về gần bằng thời trước đại dịch Covid-19. Điều này chứng minh thêm rằng đơn đặt hàng dịp lễ tết cuối năm 2022 và 2023 không nhộn nhịp như người ta tưởng dù giá dầu thô vẫn còn cao. Giá hợp đồng dầu thô Mỹ WTI tính từ đầu năm đến nay tăng 12,33% và so với thời tiền đại dịch vẫn cao hơn một phần ba lần.

Có thể thấy rằng giá năng lượng cao chưa hẳn kéo phí vận chuyển lên mà còn do sức mua của thị trường hàng hóa. Black Friday, ngày bắt đầu mùa bán khuyến mãi lớn nhất trong năm, được ghi nhận hết sức trầm lắng, đặc biệt tại các quày có phân khúc cho khách hàng có mức thu nhập trung bình(1).

Ám ảnh lạm phát và các dự đoán về một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu buộc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ các nước phải sử dụng mọi biện pháp để theo đuổi và khống chế. Đừng tưởng chỉ số giá trị đô la Mỹ DXY giảm tức là giá hàng hóa thương phẩm phải tăng. Đối mặt với lạm phát, chính quyền các nước không chỉ cố gắng kéo giá hàng hóa xuống để “an dân” mà bất cần theo nguyên tắc “khi DXY tăng thì giá hàng hóa giảm”.

Chính sự “bất chấp” này đã thể hiện rõ nét trong thời gian qua dù DXY giảm nhưng giá hàng hóa, nhất là thương phẩm (commodities) sẽ không nhất thiết phải tăng mà có khi phải xuống. Đây là một nghịch lý mà không phải doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thương phẩm nào cũng kịp thời để ý.

Nỗi lo của doanh nghiệp và người mua bán lẻ trong thời gian tới vào dịp lễ Tết nên chăng cần thận trọng với lực tiêu thụ, khi lương thưởng của dân lao động tại nhiều nước tự dưng bị cắt toàn phần hay một phần, khi lạm phát buộc họ chỉ tập tung chi tiêu vào những thứ “nhu yếu”.

(1) https://thesaigontimes.vn/mua-mua-sam-giang-sinh-duoc-khoi-dong-bang-mot-black-friday-buon/

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới