Lãnh đạo Cần Thơ cam kết lắng nghe góp ý và tháo gỡ mọi khó khăn để giúp doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển. Đây cũng là cam kết nhằm đưa kinh tế của địa phương phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Tại tọa đàm “Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp thành phố năm 2024” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức diễn ra hôm 13-12, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, 2024 là năm kinh tế Cần Thơ có nhiều phát triển, dù gặp không ít khó khăn, thách thức.
Theo ông, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Cần Thơ đạt 7,12%, cao nhất trong 4 năm của nhiệm kỳ này; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 105 triệu đồng/người/năm so với mức 94 triệu trước đó; thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra, đạt khoảng 12.500 năm tỉ; tổng vốn đầu tư trên địa bàn khoảng 31.500 tỉ đồng, đạt cao hơn kỳ vọng. “Đây là điều rất phấn khởi trước thềm năm mới”, ông nói.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thừa nhận, có ba vấn đề địa phương vẫn rất băn khoăn. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu 7,5-8% như nghị quyết năm đã đề ra; quy mô nền kinh tế vẫn không tăng nhiều hơn so với những năm trước và giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế.
Chính vì vậy, ông Hè nhấn mạnh, địa phương cam kết lắng nghe doanh nghiệp góp ý, thậm chí đón nhận phê bình mang tính chất xây dựng từ doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội để địa phương có giải pháp hiệu quả đưa kinh tế thành phố phát triển hơn.
Ông Lê Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vườn Trái Cửu Long (Le Fruit) đề xuất, địa phương cần có tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông kể, khi công ty đề cập về nhu cầu cần từ 2-3 héc ta đất xây dựng thêm nhà máy, mở rộng sản xuất thì tất cả những cơ quan liên quan đều trả lời là: “đang rà soát quy hoạch nên doanh nghiệp đợi đến quí 3 hoặc 4-2025 mới biết có hay không”, không có hành động thiết thực. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang hoạt động ở địa phương, mà còn tác động đến thu hút đầu tư vì bởi doanh nghiệp mới vào đầu tư thường tham khảo hoạt động của doanh nghiệp tại chỗ.
Liên quan nội dung trên, ông Hè đề nghị, Le Fruit có văn bản gửi đến Văn phòng UBND thành phố, lãnh đạo địa phương sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức họp tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan quan, đối với những vấn đề chưa trả lời được ngay tại buổi toạ đàm phải có giải thích, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc. “Sau khi trả lời, phải có hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp hoặc kịp thời đề xuất ủy ban các vấn đề vượt thẩm quyền”, ông nói.
Ông Hè yêu cầu duy trì đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm đồng thời duy trì mô hình cà phê doanh nhân 1 tháng/lần để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. “Đề nghị nhân rộng bằng hình thức thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo uỷ ban trước hoặc sau giờ làm việc”, ông nói.