(KTSG Online) - Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ, lãnh đạo địa phương đã trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Cái “bắt tay” quan trọng này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Cần Thơ trong thời gian tới.
Tại sự kiện diễn ra vào hôm nay, 10-12, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã trao 18 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các hạ tầng kỹ thuật khác; 10 bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đô thị; thương mại- dịch vụ có 10 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được trao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và 6 bản ghi nhớ hợp tác được trao cho lĩnh vực y tế- giáo dục và các lĩnh vực khác.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết quy hoạch thành phố Cần Thơ là cơ sở để địa phương tăng tốc nhằm hướng đến đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế, tiềm năng của Tây Đô.
Theo ông, quy hoạch thành phố Cần Thơ mang tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng và cả nước.
Quy hoạch là cơ sở pháp lý, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai; là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo quy định của pháp luật có liên quan; là nền tảng để tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, việc thực hiện quy hoạch của Cần Thơ phải bám vào các nghị quyết để cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch và dự án.
Tuy nhiên, để thực hiện được, theo Thủ tướng, vấn đề đầu tiên là phải có nguồn lực đầu tư. “Cần Thơ phải tự lực, từ cường từ nguồn lực nội sinh của địa phương, chứ không nên trông chờ”, ông gợi ý và cho rằng Cần Thơ phải tập trung đổi mới sáng tạo, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số…, làm động lực chính.
Theo gợi ý của Thủ tướng, Cần Thơ phải tận dụng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, bao gồm kết nối giữa các địa phương trong vùng và ĐBSCL với các vùng khác để tạo không gian phát triển mới, lập ra khu công nghiệp, dịch vụ và du lịch mới. “Tức phát triển giao thông để gia tăng giá trị của đất, tạo động lực mới từ hoạt động hạ tầng giao thông, kéo giảm chi phí logistics từ 17-18% GDP xuống còn 10-11% như của thế giới”, ông nói.
Mặt khác, phải kết hợp nguồn lực hợp tác công tư (PPP), tức lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư khối tư nhân tham gia phát triển. “Một đồng của Nhà nước phải thu hút được 5-7 đồng, thậm chí 10 đồng của doanh nghiệp và xã hội, thì chúng ta mới có nguồn lực để phát triển”, ông nói.
Muốn vậy, theo gợi ý của Thủ tướng, phải giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp hay nói cách khác là tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút được nguồn lực từ bên ngoài.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu đến với Cần Thơ phải đầu tư nghiêm túc, lâu dài và gắn với chiến lược phát triển của doanh nghiệp với quy hoạch của địa phương. “Tôi tin chắc rằng, nhà đầu tư sẽ thành công trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro phải chia sẻ” và Cần Thơ cũng phải trên nguyên tắc “hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước””, ông nhấn mạnh.
Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2023 có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5-8%; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 220 triệu đồng. Cần Thơ cũng hướng đến tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%; công nghiệp- xây dựng khoảng 35,9%; dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11-15%/năm. Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.Cần Thơ sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng. Đồng thời, hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ; đô thị- công nghiệp- cảng- logistics Thốt Nốt; trung tâm năng lượng, công nghiệp công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An.