Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần Thơ kỳ vọng phát huy tiềm năng và thế mạnh của trung tâm ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, kinh tế thành phố Cần Thơ được đánh giá phát triển ở mức khá, từng bước khẳng định được vị thế là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng vốn có của địa phương...

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ nhận huân chương lao động hạng nhất tại lễ kỷ niệm diễn ra vào tối nay, 31-12. Ảnh: Trương Trường Tiến

Đó là thông tin được nêu ra tại “Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1-1-2004 đến 1-1-2024) và chương trình nghệ thuật đặc biệt hương sắc Tây Đô” diễn ra ở địa phương này vào tối nay, 31-12.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, qua 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, kinh tế của địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product) bình quân bằng 9,2 lần so với 20 năm trước.

Quy mô nền kinh tế của Cần Thơ từng bước được mở rộng; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, nguồn lực xã hội tiếp tục được phát huy, từng bước khẳng định vai trò là trung tâm thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu, logistics, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao..., đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông của thành phố Cần Thơ từng bước được cải thiện, giúp kết nối, tạo không gian và các hành lang phát triển mới.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ cho biết, đến năm 2023, GRDP của địa phương đạt hơn 118.000 tỉ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 94,7 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.000 đô la Mỹ/người/năm), gấp 9,2 lần so năm 2004.

Cơ cấu kinh tế của địa phương có sự dịch chuyển đúng hướng, tức công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển hơn và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. “Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh, ngành thương mại- dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL”, ông Hiếu cho biết.

Đặc biệt, các dự án giao thông quan trọng qua địa bàn thành phố Cần Thơ cũng đang được quan tâm đầu tư, bao gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường vành đai phía Tây. Điều này, từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, phát triển lĩnh vực logistics, giúp tăng tính cạnh tranh của kinh tế thành phố…

Cùng với đó, các dự án lớn khác cũng đang được nghiên cứu triển khai như: dự án nạo vét luồng hàng hải Định An, hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ…

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL chưa thể hiện rõ.

Theo đó, tỷ trọng ngành công nghiệp còn thấp, ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, ngành nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. “Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu bền vững”, ông nêu ra.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Để xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, một trong những gợi ý được Chủ tịch nước nêu ra, đó là tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ cao, công nghệ xanh,  phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị hàng hóa, dịch vụ gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Cần Thơ tiếp tục cải cách hành chính, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển thành phố. “Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế; tạo nguồn nhân lực cao cho thành phố và cả vùng”, ông gợi ý.

Song song đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Cần Thơ cần chủ động và có giải pháp thiết thực, phù hợp trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, các công trình phục vụ đời sống dân sinh, thay đổi cách sản xuất cho phù hợp với tình hình mới...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới