(KTSG) - 1. Cuối năm, thành phố Cần Thơ tự xếp loại ở cấp độ 3, là “vùng cam”, có tuần mỗi ngày F0 Covid-19 lên hơn ngàn ca. Đã bỏ hẳn “ngăn sông cấm chợ” và làm theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thí dụ, khi du khách vào thành phố, Cần Thơ không còn chặn “test nhanh, truy vết” tại các chốt như một số địa phương vì sợ Covid lây lan.
Nhờ vậy, du khách nội địa vẫn lai rai đến với Cần Thơ từ sau ngày bỏ giãn cách xã hội. Như hồi giữa tháng 11, có một đoàn khách tám người từ Sài Gòn, trước đó tính đi Vũng Tàu nhưng nơi này chưa cho nghỉ đêm; còn Phan Thiết, Đà Lạt thì bị kẹt chuyện “test nhanh” nên đã quyết định về với Cần Thơ. Họ đã nghỉ đêm tại khách sạn Vinpearl Cần Thơ và sáng bữa sau đi chơi chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền với giá cả không khác trước thời giãn cách. Một thành viên trong đoàn kể: “Khi vào khách sạn, tôi quét mã QR khai báo của khách sạn, nó hiện lên đầy đủ thông tin đã tiêm vaccine ở đâu, mấy mũi, ngày nào…
Rồi bước hai là ngay gần quầy lễ tân, nhân viên khách sạn mời tôi tự ngoáy mũi bằng bộ kit miễn phí của khách sạn mang nhãn hiệu Vinsmart. Như thế thì rất tiện lợi cho người lưu trú”.
Tuy vậy, do nhiều dịch vụ du lịch ở Cần Thơ chưa mở lại (vì tâm lý sợ F0) nên không khí du lịch ở Cần Thơ còn lặng lẽ lắm. Dạo quanh công viên bến Ninh Kiều vốn tấp nập thời trước khi có Covid-19, giờ chỉ gặp mấy cặp bồ câu đáp xuống kiếm ăn. Nhắn tin hỏi, chị bạn đại diện chi nhánh Vietravel Cần Thơ trả lời “Vẫn còn đóng cửa, từ tháng 7-2021 tới giờ”. Còn mấy điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng trên Cồn Sơn, thì “Chưa đón khách anh ơi!” hoặc “Chỗ em vẫn còn đóng cửa”.
Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ), ước tổng lượt khách đến Cần Thơ năm 2021 là 2.118.200 lượt, giảm 62,2% so với năm 2020. Doanh nghiệp lưu trú chỉ phục vụ 898.200 lượt khách, giảm 55,5%. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xây dựng phát triển sản phẩm, hợp tác, liên kết du lịch cũng bị tác động. Phải dừng các chuyến quảng bá du lịch Cần Thơ tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Bình Định và cả Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hanoi 2021.
Nhiều sự kiện là điểm nhấn tại Cần Thơ năm 2021 đã chuẩn bị cũng phải dừng như Ngày hội du lịch Vườn trái cây Tân Lộc, Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền...
Từ thực tế này, Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ đã soạn “Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Cần Thơ năm 2021”. Theo ông giám đốc trung tâm, kế hoạch này trước hết là nhằm tái khởi động, phục hồi hoạt động ngành du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ số, đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách.
Mong là sang năm mới, kế hoạch chuyển đổi số này có thể góp sức giúp du lịch Cần Thơ “bình thường mới” hiệu quả hơn trong khi dịch Covid-19 còn phức tạp trước biến chủng mới Omicron.
2. Nhắc chuyện du lịch xứ mình vẫn còn bị kẹt trong Covid-19, anh bạn đồng nghiệp tại Cần Thơ lại đau đáu chuyện ở xứ người, Nhật Bản - nơi mà người con trai của anh đang làm việc sau khi đã tốt nghiệp kỹ sư xây dựng. Trong đại dịch Covid-19, con trai anh, cùng bao người dân Nhật khác, mỗi ngày vẫn đi làm bình thường, cuối tuần, lái xe ra ngoại ô xả hơi, tỷ như đi câu cá.
Con trai anh kể: “Ở Nhật bây giờ mỗi ngày chỉ còn vài chục ca nhiễm Covid-19. Nhật không chống dịch như ở Việt Nam là test nhanh bóc tách F0. Họ không giãn cách xã hội, không thực hiện ba tại chỗ; lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp vẫn làm việc bình thường. Họ tiêm vaccine và điều trị rất hiệu quả khi có ca bệnh, không tốn kém chi phí kit test nhiều như mình. Có điều ở Nhật họ chuẩn bị thuốc điều trị rất tốt, một liệu trình chỉ trong năm ngày. Mấy tháng nay ở Nhật không có ca nào tử vong vì Covid-19”.
Từ chuyện “chung sống với dịch” kiểu Nhật, anh bạn lại trăn trở chuyện khác: làm sao để Cần Thơ, để ĐBSCL giàu lên. Anh kể: “Nhật bây giờ ưu ái dân ĐBSCL nhưng dường như đa phần giới trẻ miền Tây chưa thay đổi cách nghĩ. Hôm làm việc với Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Miền Tây, đại diện phía Nhật đặt hàng kỹ sư xây dựng rất nhiều. Họ sẽ dạy tiếng Nhật, lo thủ tục miễn phí đầy đủ, nhưng số lượng sinh viên miền Tây bữa đó chỉ đăng ký trên đầu ngón tay”.
“Bà con nông dân miền Tây mình nếu chỉ lo no bụng cho người khác thì còn nghèo mãi. Lo nồi cơm cho thế giới mà nồi cơm của mình lại không đủ đầy. ĐBSCL là vựa lúa nhưng khi dịch bệnh, Chính phủ phải xuất kho hàng trăm ngàn tấn gạo để cứu đói. Điều đó rất nghịch lý.
Người con trai của anh đang phụ trách vẽ kỹ thuật cho một công ty đường cao tốc tại Tokyo, lương mỗi tháng gần 4.000 đô la Mỹ, sáu tháng đầu năm được thưởng 8.000 đô la. Công ty còn chi hơn 2.000 đô la để học lái xe. Trong hai năm dịch bệnh, anh làm việc bình thường, không nghỉ, không một lần phải test nhanh. Tính ra, tổng thu nhập của anh trên 1 tỉ đồng/năm. Chi tiêu mọi thứ và đóng thuế xong còn khoảng 800 triệu đồng. Vì nhà, xe, vật dụng gia đình, công ty đã mua sắm hết. Ăn uống thì tự nấu. Chỉ có thuế thu nhập là cao.
Từ trải nghiệm này, anh bạn tâm sự: “Tôi là một nông dân chính hiệu ĐBSCL nhưng tôi phải suy nghĩ khác. Không để con cái mình cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn với cây lúa, củ khoai, con cá, con tôm mà phải hướng tầm nhìn ra thế giới để mai sau về góp phần xây dựng ĐBSCL tốt hơn. Bây giờ, con mình đã học được cái hay cái tốt ở xứ người nhưng nó không chịu mãi làm công ở xứ người mà đang khát vọng trở lại Cần Thơ quy tụ nhóm trẻ làm ăn lại với Nhật. Giống như anh Lê Minh Hoan hồi còn làm Bí thư Đồng Tháp đưa lao động sang Nhật thường hay nói “đi làm công để về làm chủ” vậy. Cho nên cần thấy rằng, xu hướng di chuyển lao động từ nơi này đến nơi khác là bình thường, nếu nơi đó có cơ hội khởi nghiệp và cuộc sống tốt hơn. Chứ không nhất thiết phải bám ruộng, bám vườn. Khi ta làm việc ở nơi có trình độ, có quy cũ thì dân trí sẽ nâng cao, xã hội sẽ tốt hơn”.
Theo anh, ĐBSCL cứ nặng nề lúa, cá, tôm nhưng vẫn nghèo hoài. Vì sản phẩm ít chất xám mà lao động chân tay lại quá nhiều, sản phẩm làm ra quá rẻ. Còn Mỹ thì đầu tư trí óc làm iPhone, máy tính, Boeing, xuất khẩu hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô la mỗi năm. Nhật thì họ xuất khẩu ô tô, đồ dùng dân dụng cao cấp, điện máy, điện tử đi khắp thế giới; họ đâu có sợ mất an ninh lương thực quốc gia như mình. Mình thay đổi suy nghĩ thì xã hội sẽ khác.
“Bà con nông dân miền Tây mình nếu chỉ lo no bụng cho người khác thì còn nghèo mãi. Lo nồi cơm cho thế giới mà nồi cơm của mình lại không đủ đầy. ĐBSCL là vựa lúa nhưng khi dịch bệnh, Chính phủ phải xuất kho hàng trăm ngàn tấn gạo để cứu đói. Điều đó rất nghịch lý. Như vậy tự bản thân nông dân và lao động ĐBSCL không đủ no”, anh bạn đồng nghiệp trăn trở.