(KTSG Online) - Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính sách cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ FDI để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Sẵn sàng từ chối dự án FDI lớn nhưng công nghệ lạc hậu
Ngoài những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nhiều tỉnh thành khác cũng đang nỗ lực cải thiện chính sách và hạ tầng để thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao (CNC) và sản phẩm có giá trị gia tăng, sẵn sàng "nói không" với những dự án quy mô lớn nhưng không đúng mục tiêu.
Tháng đầu năm 2025, tỉnh Đồng Nai ghi nhận thu hút FDI với hơn 627 triệu đô la, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 78,4% kế hoạch cả năm. Các dự án mới thu hút được từ ngành cơ khí, chế biến thực phẩm và sản xuất hóa dược... trong khi các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm và thâm dụng lao động được sàng lọc kỹ lưỡng.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tập trung thu hút những dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực mong muốn nâng cao như CNC, công nghiệp hỗ trợ, không thâm dụng lao động.
Để đạt được mục tiêu, Đồng Nai đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp (KCN) mới. Đáng chú ý, khu công nghệ cao Long Thành với diện tích hơn 410 hécta đang thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo nên những ngành công nghiệp mang lại giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển khu CNC 500 hécta và KCN công nghệ thông tin 100 hécta để thu hút nhà đầu tư CNC.
Tại Bình Dương, chính quyền tỉnh đặt nhiều kỳ vọng vào những ngành công nghiệp phù hợp xu thế thời đại, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Địa phương đang triển khai xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 220 hécta, tập trung vào nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm CNC, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn triển khai các KCN thông minh, áp dụng nền tảng quản trị thông minh với công nghệ tự động hóa, AI, IoT và 5G.
Ở khu vực phía Bắc, các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh... cũng đang nỗ lực thu hút FDI mang lại giá trị cao hơn. Năm 2025, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút 1 tỉ đô la FDI, tập trung vào các dự án CNC với suất đầu tư tối thiểu 9 triệu đô la/hécta. Tỉnh này cũng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc đăng ký đầu tư.
Bắc Ninh, với hướng đi phát triển “thung lũng silicon”, đang thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin và thu hút các trung tâm nghiên cứu. Chính quyền địa phương cũng tích cực hoàn thiện hạ tầng, nhắm đến việc thu hút các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo đối với lĩnh vực bán dẫn.
Các địa phương khác dù chưa thu hút nhiều vốn FDI nhưng cũng đã bắt đầu chuyển hướng, từ chối các dự án công nghệ lạc hậu thay vào đó là tập trung vào các dự án sản xuất công nghiệp xanh và giá trị gia tăng cao hơn.