Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cẩn trọng khi định giá cổ phiếu không còn rẻ

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng trước mỗi quyết định đầu tư trong bối cảnh định giá thị trường chứng khoán năm 2022 không còn thấp như những năm trước.

Khuyến nghị này được đưa ra tại tọa đàm: "Triển vọng đầu tư 2022 – FiinGroup Invest Summit" diễn ra cách đây ít ngày.

Nhà đầu tư cần lưu ý việc tham khảo, lựa chọn cổ phiếu phù hợp khi nền giá cổ phiếu ở mức cao. Ảnh minh hoạ: M.P.

Bà Đỗ Hồng Vân – trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup – cho biết định giá (PE) của chỉ số VNIndex hiện ở mức 17,2 lần, tương đương mức trung bình của thị trường giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Nhưng định giá này chịu ảnh hưởng mạnh lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, hiện chiếm 1/3 vốn hóa và lợi nhuận trên trị trường.

Vì vậy, nhà đầu tư cần tách riêng khối ngân hàng và khối phi tài chính để nhìn rõ bức tranh vốn hoá trên thị trường. Cụ thể, chỉ số P/E (so sánh quy mô và lợi nhuận - PV) của khối phi tài chính đang ở vùng cao so với lịch sử. Còn chỉ số P/B (so sánh giá với giá trị sổ sách – PV) của khối ngân hàng đang tiệm cận mức 2 lần với độ lệch chuẩn trung bình 10 năm.

Việc định giá của khối ngân hàng chạm vùng cao này, theo bà Vân, xuất hiện không quá nhiều trong chuỗi lịch sử, đa số thời gian nó nằm ở dưới.

“Như vậy chúng ta đang bắt đầu năm 2022 với một nền định giá không còn thấp như những năm trước nữa", bà Vân nói.

Với mức định giá này và quy luật giữa giá và định giá, trưởng nhóm phân tích dữ liệu của FiinGroup dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp cũng phải tăng tương đương, thậm chí là cao hơn P/E thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp mới tăng. Vì vậy, những cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận dự kiến năm 2022 thấp hơn P/E sẽ trong vùng có rủi ro khá cao.

Ngoài ra, bà Vân lưu ý nhà đầu tư cần quan sát thêm về tính bền vững của thị giá cổ phiếu, tránh mắc phải sai lầm với cổ phiếu thép và ngân hàng năm 2021.

"Ngành thép và ngân hàng tăng rất tốt trong nửa đầu năm 2021. Nhưng khi thị trường nhìn ra những yếu tố bất lợi về mặt triển vọng lợi nhuận thì giá không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm", bà Vân nói.

Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Đào Phúc Tường - chuyên gia tài chính – cho biết hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của nhóm ngành này trong khoảng 10-11 lần. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro khi lãi suất tăng hoặc thanh khoản giảm đột biến.

Ngoài ra, P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng ở mức 2,4 lần - nằm trên 2 lần độ lệch chuẩn. Nếu tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hnagf ở mức 20-25% năm 2022 mà giá cổ phiếu không tăng thì P/B mới quay về mức trung bình 1,8-2 lần.

Vì vậy, phải có yếu tố kích thích giá cổ phiếu tăng và ông Tường cho rằng các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên tới đây sẽ là bản lề thu hút dòng tiền.

Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh, M&A cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Về định hướng đầu tư năm 2022, bà Đỗ Hồng Vân cho biết nhà đầu tư có thể tham khảo để giải ngân theo 3 chủ đề.

Thứ nhất, chủ đề phòng thủ với những nhóm ngành tránh được rủi ro lạm phát như điện và dược. Với ngành dược, một số doanh nghiệp đang chuẩn bị đưa thêm dây chuyền, nhà máy vào hoạt động.

Yếu tố tích cực này, theo bà Vân, sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm dược phẩm không chỉ năm 2022 mà có thể giúp ngành này kéo dài đà tăng trưởng sang năm 2023.

Thứ hai, chủ đề đầu tư công, gồm: ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng.

Theo đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ các yếu tố, gồm: tăng trưởng tín dụng nhờ nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ; tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục duy trì dù lãi suất huy động tăng, do một số cái ngân hàng không phải hỗ trợ lãi suất như năm 2021; thu nhập từ phí của nhóm ngân hàng sẽ hồi phục trở lại khi mà kinh tế hồi phục; một số ngân hàng đã phải trích lập dự phòng trước cái thời hạn của Thông tư 01, 03 và 14 sẽ không phải trích lập, thậm chí còn có cơ hội là hoàn nhập trở lại trong năm nay.

Với nhóm vật liệu xây dựng, bà Vân cho rằng giãn cách xã hội là một yếu tố khiến tăng trưởng lợi nhuận suy giảm trong năm 2021. Nhưng khi bất lợi qua đi, đây là nhóm có khả năng nhanh chóng chuyển từ suy giảm mạnh sang tăng trưởng cao.

Thứ ba, chủ đề hưởng lợi từ phục hồi hậu Covid-19, gồm: bán lẻ, cá nhân và thủy sản.

Với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng năm 2022 khá phân hóa khi cơ hội có thể đến với những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 thấp hơn trung bình ngành.

Với ngành hàng cá nhân, việc tăng trưởng năm 2022 sẽ xuất phát từ nền tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm trong năm 2021.

Với ngành thủy sản, mức tăng trưởng lợi nhuận hiện vẫn chưa thực sự hồi phục so với giai đoạn trước Covid-19, dù năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng khá tích cực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới