Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần xem xét lại diễn ngôn ‘ly nông, bất ly hương’!

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong đại dịch Covid-19 năm 2021, số người rời bỏ đô thị về quê nhiều lên, đặc biệt là từ các thành phố, khu công nghiệp phía Nam. Không những thế, số người lựa chọn ở lại miền quê làm việc cũng tăng lên, kể cả khi đại dịch đi qua.

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc ở Tổ chức Nghiên cứu Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Viện SocialLife) đã chia sẻ từ các khảo sát của ông, rằng có nhiều người trẻ ở độ tuổi 30 quay về quê và chấp nhận mạo hiểm với những kế hoạch lập nghiệp mới. Điều này cũng hợp lý nếu chiếu theo lý thuyết “Người nông dân duy lý” của Samuel Popkin, bởi đây là nhóm người trong độ tuổi cho phép họ tính toán lại “chiến lược sống”, và “lý tính” nơi họ tạo ra những cơ hội thay đổi. Tuổi 30 là cơ hội thử thách với các mục tiêu lớn của cuộc đời, nếu thất bại, họ vẫn còn thời gian để làm lại.

Nhưng với nhóm nông dân trên 40 tuổi thì lại khác. Tuy họ cũng mong muốn trở về với cuộc sống tại quê nhà, nhưng nhiều người đã không tìm thấy sinh kế ổn định để rồi lại lên thành phố tìm kiếm việc. Đây là nguồn lao động chất lượng không cao khi mà các doanh nghiệp tại các đô thị đang cần nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với sự thay đổi trong công việc, vừa có tay nghề vừa có “độ nhạy” với công nghệ. Do vậy, họ bị dạt ra các khu vực phi chính thức, phải chật vật tìm các công việc bán thời gian hoặc thời vụ và lưới an sinh thì khá bấp bênh. Với họ, lựa chọn nào cũng đầy rủi ro, thôi thì “cứ đi làm thuê” vậy.

Thực tế về những dòng người ly hương khiến không thể không liên tưởng đến cụm từ “ly nông, bất ly hương” xuất hiện trong các văn bản, báo cáo của cơ quan làm chính sách và cả trên báo chí, được xem như một mô hình phát triển nông thôn thời gian qua. Vậy, mục tiêu của diễn ngôn “ly nông, bất ly hương” là làm cái gì?

Trong hội nghị trực tuyến ngày 8-12-2021 của Ban Kinh tế Trung ương với ba tỉnh, thành Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Phó trưởng ban Nguyễn Duy Hưng chủ trì hội nghị “đã bày tỏ băn khoăn khi những địa phương có tiềm năng nông nghiệp lại đặt mức tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng chung (trên dưới 3%)”(*).

Theo ông Hưng, cơ chế thu ngân sách tạo áp lực lớn, khiến các tỉnh, thành khó có thể chọn chiến lược phát triển thuần nông. Nhiều địa phương phải triển khai các dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu. Thực tế này đã phần nào cho thấy diễn ngôn “ly nông, bất ly hương” nhắm tới mục tiêu giữ nông dân ở lại nông thôn nhưng không còn chỉ để làm nông nghiệp (được cho là mang lại giá trị đóng góp thấp so với “áp lực ngân sách”), mà là làm trong các ngành dịch vụ, công nghiệp, chế biến khác.

Trong một công bố năm 2007 của Philip Taylor về khảo sát quá trình phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (Poor policies, wealthy peasants: alternative trajectories of rural development in Vietnam, Journal of Vietnamese Studies, 2(2)), tác giả đánh giá hiệu quả thấp của chính sách phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ… tại các địa phương nông nghiệp, làm cho lượng người di cư đến thành phố nhiều hơn.

Đã hơn 15 năm sau những phản ảnh đáng lo ngại ấy, thiết tưởng ngày hôm nay rất cần phải đánh giá một cách chi tiết và toàn diện việc áp đặt mô hình phát triển tại các địa phương nông nghiệp suốt thời gian dài đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như thế nào? Nó có thực sự phù hợp hay không?

Những nỗ lực đưa người nông dân ra khỏi mảnh ruộng để tham gia vào các ngành dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến có được thực hiện một cách đồng bộ với khả năng tạo ra việc làm ổn định cho họ, hay vẫn khiến cho những dòng người phải liên tục ly hương mưu sinh?

Nhà nước cần xem xét lại chuỗi kinh tế nông nghiệp (xin phép nhắc lại là “chuỗi kinh tế nông nghiệp” chứ không chỉ riêng chuyện làm nông) để người nông dân thực sự có cơ hội làm việc tại quê nhà và là những thành tố quan trọng trong chuỗi giá trị này, từ sản xuất, chế biến thành phẩm, vận hành, xuất khẩu… Có như vậy, mục đích đưa người nông dân trở về quê hương an cư, góp phần phát triển địa phương mới tìm thấy lối ra.

Theo góc nhìn của người viết bài này, với cơ cấu dân số (70% sống ở nông thôn) và tỷ lệ nông nghiệp (80% diện tích là đất nông nghiệp), nếu phát triển theo chiều hướng tích cực thì Việt Nam phải thực sự mạnh về kinh tế nông nghiệp. Và phải chăng mục tiêu của diễn ngôn “ly nông, bất ly hương” cũng cần được xem xét lại.

Bởi nếu không có tư duy thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, vẫn cứ xem nông nghiệp là lĩnh vực có giá trị thấp cần phải “nhường chỗ” cho các lĩnh vực khác, thì e rằng với những gì như đã diễn ra suốt thời gian qua, di cư bất an vẫn tiếp diễn, văn hóa làng xã bị chia cắt, xã hội sẽ rất bất ổn khi những biến động toàn cầu ập đến các khu chế xuất, khu công nghiệp…

(*) https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/lam-sao-ly-nong-khong-ly-huong-loi-giai-o-dau-191932.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Phi nông, chắc chắn là bất ổn. Nhất là với nước ta, nông nghiệp không chỉ là nền tảng kinh tế mà cả về chính trị – xã hội. Ly nông, nên được hiểu theo nghĩa cần rời bỏ kiểu làm nông cũ kỹ, lạc hậu, manh mún. Làm nông thời nay, không đơn thuần chỉ là một quy trình sản xuất hiện đại, mà phải triển khai một chiến lược cải biến lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn – nông dân trở thành nơi đáng đến và đáng sống. Bởi vậy, không có gì lạ khi nhiều start-ups đã rất dũng cảm khi quay trở về làm nông nghiệp theo cách nghĩ cách làm mới. OCOP cũng là một cách làm mới, nhưng nếu không có cách thức duy trì và phát triển bài bản, thì dễ quay trở lại kiểu cũ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới