Thứ tư, 19/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ phát triển đến đâu?

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngay sau khi các biện pháp thuế quan của Mỹ có hiệu lực, Trung Quốc đã đưa ra những động thái đáp trả của mình. Những kịch bản nào có thể xảy ra trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại

Hôm thứ Ba tuần trước (4-2-2025), Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận trì hoãn việc đánh thuế lên mọi mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, nhưng thuế quan đối với Trung Quốc vẫn được áp dụng như dự kiến. Trong khi Chính phủ Mỹ coi thuế quan là một công cụ đàm phán để đạt được các mục tiêu phi kinh tế với Mexico và Canada, vấn đề với Trung Quốc có nhiều khó khăn hơn, bắt nguồn từ sự mất cân bằng sâu sắc giữa hai nền kinh tế. Nhà kinh tế Neil Shearing tại Capital Economics nhận định: “Những vướng mắc giữa Mỹ và Trung Quốc trầm trọng hơn nhiều so với những vướng mắc với Mexico hay Canada”.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump quyết định áp mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc như đã cam kết.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng nhanh chóng đáp trả bằng việc áp thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, trong đó bao gồm mức thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cùng với mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số ô tô.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng áp đặt giới hạn xuất khẩu các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao, mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google và cân nhắc làm điều tương tự với Apple. PVH Group - công ty sở hữu các thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger, cùng với công ty công nghệ sinh học PVH Group cũng bị đưa vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy”.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đệ đơn kiện Washington lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

CNN Business chỉ ra một vấn đề đáng chú ý khác, là việc Trung Quốc ngày càng giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Thông tin từ truyền thông Trung Quốc hôm 2-2 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ chỉ chiếm 3% GDP và chưa đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ

Dẫu vậy, vẫn có chỗ cho những hy vọng về một sự tháo gỡ căng thẳng khi Mỹ mới chỉ áp thuế Trung Quốc ở mức tương đối khiêm tốn so với những cảnh báo mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó về mức thuế lên tới 60%.

“Tôi nghĩ, ông Trump không vội đưa ra mức thuế quan lớn hơn với Trung Quốc, bởi ông ấy thấy rõ rằng điều đó sẽ loại bỏ mọi khả năng đàm phán”, chuyên gia chính sách thương mại William Reinsch - cựu Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách quản lý xuất khẩu, đồng thời là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chia sẻ với CBS MoneyWatch.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng chỉ đáp trả một cách thận trọng, bằng việc nhắm vào những lĩnh vực ít quan trọng hơn của Mỹ. Như Reuters lưu ý, Trung Quốc hiện không nhập khẩu quá nhiều năng lượng từ Mỹ. Trong năm ngoái, Mỹ chỉ cung cấp 1,7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, cùng với đó là 5,4% lượng nhập khẩu khí LNG và khoảng 3% lượng nhập khẩu than.

Do vậy, các nhà đầu tư Phố Wall hiện chưa quá lo ngại về các lệnh trừng phạt thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều không muốn mọi chuyện dẫn tới một cuộc chiến tranh kinh tế gây tổn hại lẫn nhau.

“Hiện tại, tất cả mới chỉ dừng lại ở mức hạn chế, và đây vẫn là giai đoạn đàm phán”, ông Bill Dendy, chiến lược gia tài chính tại Ngân hàng đầu tư Raymond James, đánh giá. “Họ bắt đầu công kích nhau bằng các tuyên bố, tung ra một số cú đấm, nhưng không muốn gây tổn thương quá lớn. Việc mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào”.

Chuyên gia William Reinsch kỳ vọng Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận về một thỏa thuận có thể dẫn đến việc bãi bỏ, hoặc ít nhất là tạm dừng thuế quan. “Tất cả những động thái cứng rắn vừa qua đều là đòn bẩy, buộc đối thủ phải đàm phán về điều mà ông Trump muốn. Ông ấy rất hay đẩy mọi thứ đến bên bờ vực, rồi sau đó lùi lại theo cách cho phép mình có thể tuyên bố chiến thắng, như trong trường hợp của Canada và Mexico”.

Tuy nhiên, những động thái như vậy của Tổng thống Donald Trump liệu có hiệu quả với Trung Quốc hay không? Và liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có sẵn sàng nhượng bộ hay không?

Theo CBS, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, ông đã nhiều lần áp thuế đối với Trung Quốc, kéo theo các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh. Một số chuyên gia cho rằng, lần này Washington sẽ phải mạnh tay hơn nữa nếu muốn có được những thay đổi có khả năng khiến ông Trump hài lòng.

Trong khi một số ý kiến đề cập đến các thỏa thuận lớn, bao gồm cả các cam kết hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc - điều Nhật Bản từng làm vào giữa thập niên 1980, các quan chức Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào một thỏa thuận vừa phải hơn, trong đó tập trung vào việc cam kết chi tiêu và đầu tư nhiều hơn vào Mỹ.

Việc đạt được thỏa thuận sẽ không dễ dàng

Một số nguồn tin từ cả Mỹ và Trung Quốc đã nhắc đến việc khôi phục lại thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh và Washington đạt được hồi năm 2020, buộc Trung Quốc cam kết mua ít nhất 502,4 tỉ đô la hàng hóa Mỹ trong thời hạn hai năm. Theo ước tính của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Bắc Kinh chỉ đạt được 58% mục tiêu đã đề ra.

Hiện giới chức Trung Quốc đã ra tín hiệu sẵn sàng mở rộng nhập khẩu. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đã cho biết: “Chúng tôi không quá chú trọng vào việc tìm kiếm thặng dư thương mại. Chúng tôi muốn nhập khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh, chất lượng hơn để thúc đẩy thương mại cân bằng”.

“Nếu Chính phủ Trung Quốc nói về việc “mua nhiều hơn”, họ thực sự có thể mua nhiều hơn”, chuyên gia William Reinsch nói. “Giống như nhiều vấn đề khác ở Trung Quốc, đó sẽ là một quyết định chính trị chứ không phải kinh tế”.

Thế nhưng, việc thu hẹp mức thặng dư trong thương mại song phương với Mỹ của Trung Quốc, lên tới 361 tỉ đô la trong năm ngoái, chưa hẳn đã là chuyện dễ dàng vào thời điểm hiện tại bởi Bắc Kinh hiện không có quá nhiều lựa chọn trong việc tăng cường mua hàng hóa của Mỹ.

Việc các hãng hàng không Trung Quốc mua máy bay từng là một giải pháp quan trọng trong nỗ lực cân bằng thương mại song phương. Hồi tháng 11-2017, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump, một thỏa thuận mua 300 máy bay Boeing trị giá 37 tỉ đô la Mỹ đã được ký kết.

Tuy nhiên, việc giao máy bay đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây và điều này đã làm dấy lên những nghi ngờ về triển vọng sẽ có những đơn hàng máy bay lớn.

Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tiến lên các chuỗi công nghiệp giá trị gia tăng lại đang phải đối mặt với nhiều biện pháp hạn chế công nghệ cao từ phía Mỹ, đặc biệt là chip bán dẫn. Các biện pháp kiểm soát này đã liên tục được mở rộng trong những năm gần đây, đưa hàng trăm công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của Mỹ, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận các bộ phận, hàng hóa và công nghệ.

Trong những năm trước, Mỹ từng là nhà cung cấp khí đốt và đậu nành chính cho Trung Quốc, nhưng nước này đã dần chuyển sang các nguồn cung thay thế từ các đối tác thân thiết là Nga và Brazil, để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng, lương thực.

Giờ đây, sự chú ý lại đổ dồn về các mặt hàng truyền thống này khi Trung Quốc được dự báo sẽ sử dụng hàng hóa từ Mỹ để thay thế một số mặt hàng nhập khẩu từ Brazil, cũng như mua thêm khí đốt Mỹ, bên cạnh nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải có sự điều chỉnh khéo léo, để tránh làm mất lòng các đối tác thân cận.

“Trung Quốc muốn xoa dịu Mỹ, nhưng không phải với cái giá là mối quan hệ với các đối tác thân cận”, ông Alfredo Montufar Helu, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc tại The Conference Board, cho biết. “Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại song phương với Nga và Brazil”.

Nguồn: CBS News, SCMP, Foreign Policy, The Guardian, The Diplomat, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới