Cảnh báo sinh viên vướng vào "bẫy" đa cấp khởi nghiệp
Mỹ Dung
(TBKTSG Online) - Bằng cách đánh vào tâm lý của một số sinh viên nhẹ dạ, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, các đối tượng kinh doanh đa cấp đã dụ dỗ những người trẻ này nghỉ học, xin tiền gia đình để đầu tư nuôi hy vọng trở thành "doanh nhân". Nếu không được cảnh báo, hướng dẫn cặn kẽ về các biện pháp phòng bị thì sẽ có nhiều sinh viên bị lôi kéo vào đường dây đa cấp "khởi nghiệp", ảnh hưởng việc học tập và sinh hoạt.
Đa cấp trái phép ồ ạt nhắm vào tâm lý khởi nghiệp của người trẻ
![]() |
Các hoạt động ngoại khóa ngoài trời sẽ giúp trang bị thêm kỹ năng, kinh nghiệm sống cho sinh viên. Trong ảnh là một buổi ngoại khóa của Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM. Ảnh: ĐVCC |
Trước phản ánh về hiện tượng không bình thường và rất đáng lo ngại là hàng loạt sinh viên tự nhiên "mất tích", xin nghỉ học do tham gia vào đường dây đa cấp biến tướng và nhiều sinh viên phải mang số nợ lên tới hàng trăm triệu đồng của “team khởi nghiệp 360” tại một số quận 7, 9, Tân Phú, Thủ Đức (TPHCM), lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra. Hội Sinh viên TPHCM đang ráo riết phối hợp Công an TPHCM để cung cấp tài liệu về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đa cấp. Những công ty có dấu hiệu hoạt động đa cấp lừa đảo đã được Hội Sinh viên TP.HCM lên danh sách để cảnh báo thường xuyên cho sinh viên.
Cảnh báo, siết chặt biện pháp quản lý
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, hiện trường vẫn chưa phát hiện tình trạng sinh viên tham gia các đường dây đầu tư đa cấp để trở thành "doanh nhân". Tuy nhiên, trường thường xuyên đưa ra lời cảnh báo, đồng thời liên tục cập nhật thông tin về các vụ việc lừa đảo và khuyến nghị sinh viên nâng cao tính cảnh giác trên các trang fanpage của nhà trường.
Trong trường hợp phát hiện sinh viên nào nghỉ học do bị dụ dỗ đi theo “team khởi nghiệp 360”, cách thức ứng xử của ban lãnh đạo nhà trường là cho phép sinh viên đi học lại, với giấy xin phép và cam kết của gia đình. Xét theo quy chế nếu sinh viên bỏ học thì phải có giấy xin phép một học kỳ. Nếu bỏ học không lý do, thì trường sẽ xem xét tùy trường hợp có cho phép học lại, thi lại hay không. Về tâm lý yêu thích khởi nghiệp của người trẻ, hiện văn phòng đoàn khoa của trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khởi nghiệp, các hoạt động ngoại khóa để thu hút sự quan tâm và sự đầu tư về thời gian, trí tuệ của sinh viên cho các hoạt động hữu ích này.
TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Ban công tác sinh viên - trường Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết trường liên tục rà soát theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền cho sinh viên về các nhóm lừa đảo đang biến tướng mô hình kinh doanh đa cấp. Trường tăng cường phối hợp các doanh nghiệp thực hiện các chương trình tuyển dụng cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực nhằm giúp các sinh viên tìm kiếm việc làm phù hợp hoặc việc làm thêm ngoài giờ học tập. Các hoạt động ngoại khóa cũng được chú trọng nhằm giúp sinh viên tìm hiểu về cuộc sống và nâng cao bản lĩnh vững vàng hơn.
Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, nhiều sinh viên sau khi tham gia vào đường dây đa cấp và bị lừa đảo khi quay lại trường có thể bị trầm cảm nặng vì bạn bè, thậm chí người thân xa lánh. "Ở góc nhìn của đơn vị đào tạo, chúng tôi cho rằng đây cũng có một phần trách nhiệm trong việc chưa quan tâm đúng mức đến sinh viên. Trường sẽ có những biện pháp nhằm giúp các em quay trở lại học bình thường, tuy nhiên không được nghỉ quá 3 học kỳ và sẽ phải nhận cảnh cáo học vụ, đình chỉ 1-2 năm học", bà Thoa chia sẻ.
Sinh viên nghèo dễ rơi vào bẫy
Hiện tượng sinh viên bị sao nhãng học hành nhưng lại quá chú tâm vào việc kiếm tiền trong khi còn thiếu kỹ năng, kiến thức, chưa đủ trải nghiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn khiến bản thân bị rơi vào "bẫy" của nhóm người xấu.
“Sinh viên ở nông thôn lên thành phố, nhà nghèo và có mơ ước làm giàu là đối tượng dễ bi sa ngã nhất”, giảng viên Thanh Hương của Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết.
Những sinh viên theo học các trường trung cấp, cao đẳng, hoặc những trường có ít ngành học, do tính chất đặc thù nên số lượng tín chỉ và tiết học không nhiều nên sẽ có nhiều thời gian rãnh rỗi để tham gia các công việc bên ngoài. Đây cũng là những “con mồi” béo bở cho những người kinh doanh đa cấp.
![]() |
Giao lưu, kết nối cũng là các sinh hoạt hữu ích cho sinh viên. Trong ảnh là buổi sinh hoạt công dân cuối khóa của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: ĐVCC |
“Hiện tại, chương trình học của sinh viên các trường đại học, nhất là các khối ngành kinh tế, tài chính, sư phạm, công nghệ thông tin,… có thời gian học kín mít, môi trường học căng thẳng thì các em không nghĩ đến việc làm giàu sớm đâu. Các em sẽ nghĩ đến việc phải học cho đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, đây là các trường thường xuyên đón các doanh nghiệp đến tuyển dụng nhân sự nên sinh viên có thể lựa chọn trong các công việc liên quan đến chuyên ngành được đào tạo với mức lương khá phù hợp, ổn định. Đặc biệt sinh viên của các khối ngành được gọi là "ngành học cho con nhà giàu" cũng ít bị ảnh hưởng bởi các đường dây kinh doanh đa cấp”, giảng viên Thanh Hương chia sẻ.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cũng lên án hành vi lừa đảo chuyên nghiệp có tổ chức và vô đạo đức của các "team khởi nghiệp" đa cấp, bởi nhóm nạn nhân thường tập trung vào các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì tài chính eo hẹp nên các sinh viên này bị thôi thúc việc "khởi nghiệp" để có nguồn thu trang trải học phí, phụ giúp gia đình và dễ bị sa bẫy của kẻ xấu khi thiếu bản lĩnh, thiếu sự hiểu biết về những biến tướng của kinh doanh đa cấp.
“Các trường nên có những biện pháp phòng ngừa, trước khi để cho sinh viên bị lừa gạt. Các sinh viên càng trẻ thì càng thiếu nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng về cuộc sống. Nhà trường cần là đơn vị tư vấn, hỗ trợ các em bằng những chương trình ngoại khóa, các thông báo trên các kênh truyền thông nội bộ trường”, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa nói.