Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cảnh báo về chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua mạng xã hội Facebook

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảnh báo về chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua mạng xã hội Facebook

Chánh Trung

(KTSG Online) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ngày 30-6 đã phát đi cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook. Theo đó, hàng loạt chiêu lừa tinh vi được kẻ xấu tung ra đã khiến nhiều người dùng “mắc bẫy”.

Cảnh báo về chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua mạng xã hội Facebook

Nhiều chiêu trò lừa đảo qua Facebook, Zalo... rất tinh vi khiến nhiều người dùng dễ dàng "sập bẫy". Ảnh: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay tính đến tháng 6-2021, Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhận được rất nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, của các kênh quảng cáo trên truyền hình hoặc nhận được những tin nhắn trúng thưởng qua Messenger của Facebook,…

Hầu hết người tiêu dùng đều có tâm lý chung là hoang mang, lo lắng vì tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ mà họ đã mất từ vài triệu đến hàng trăm triệu nhưng không hề nhận được bất cứ phần thưởng hoặc quà khuyến mại nào.

Thậm chí, có người tiêu dùng còn vay mượn tiền của người thân, bạn bè để chuyển tiền cho đối tượng lạ với mong muốn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để nhận thưởng theo hướng dẫn. Đây là những chiêu trò lừa đảo không mới, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng vẫn nhẹ dạ, cả tin trở thành nạn nhân và phải gánh trên vai những khoản nợ không biết đến bao giờ mới trả hết.

Gọi điện thông báo trúng thưởng

Tất cả các chương trình khuyến mại, trao thưởng phải được đăng ký và cấp phép tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Sở Công Thương địa phương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương (đặc biệt là những chương trình có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên). Nếu cần xác minh thông tin, người tiêu dùng có thể liên hệ với các cơ quan này để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Hình thức rất phổ biến của chiêu thức này là người tiêu dùng nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của Công ty X nào đó thông báo rằng “người tiêu dùng là 1 trong 5 người được lựa chọn ngẫu nhiên may mắn trúng thưởng trong đợt bốc thăm kỷ niệm thành lập Công ty hay trong 01 chương trình tri ân khách hàng”.

Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, khi gọi điện đến, các đối tượng đều tự xưng là người của nhà Đài hoặc những cơ quan chức năng có uy tín, hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, số Zalo,...

Người tiêu dùng không hề tìm hiểu, kiểm chứng mà liên hệ ngay số điện thoại đã được đối tượng lạ cung cấp và làm theo hướng dẫn. Cũng có những người tiêu dùng tìm hiểu thông tin nói trên bằng công cụ google, dù không tra được kết quả rõ ràng nhưng vẫn mù quáng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lạ. Vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu người tiêu dùng phải đóng vài triệu làm tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó, người tiêu dùng đã ngay lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng

Sau khi được thông báo trúng thưởng, ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ người tiêu dùng mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều mã, càng trúng thưởng nhiều, số tiền trúng thưởng càng lớn. Người tiêu dùng cũng không tìm hiểu, xác minh thông tin, tiếp tục đặt mua những sản phẩm với trị giá cao từ vài triệu đến hơn chục triệu với mong muốn trúng được nhiều phần thưởng.

Điển hình là trường hợp của người tiêu dùng N.T.H ở Gia Lai vào tháng 5-2021, sau khi nhận thông báo trúng thưởng qua điện thoại của đối tượng tự xưng là đại diện của 1 Công ty có trụ sở tại TPHCM, trị giá giải thưởng là 35 triệu đồng nếu nhận sản phẩm hoặc quy đổi sang tiền mặt là 30 triệu đồng và để nhận được giải thưởng anh H phải mua 1 sản phẩm coi như là nộp thuế. Anh H đã xác nhận nhận trả thưởng bằng tiền mặt và đồng ý mua sản phẩm để nhận mã trúng thưởng. Tuy nhiên trong 4 lần được mời chào mua sản phẩm, tổng giá trị hàng đã lên đến 16,3 triệu đồng, anh H vẫn không nhận được tiền thưởng. Đến lần thứ 5, thứ 6, anh H tiếp tục được mời chào mua sản phẩm nhưng hỏi đến tiền thưởng thì đối tượng lừa đảo chỉ trả lời vòng vo và thông báo anh H chưa đủ điều kiện để nhận tiền thưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

Thực chất, nhiều người tiêu dùng có thể biết mình bị lừa nhưng vẫn cố theo đuổi hoặc chờ đợi, thậm chí vẫn tin và hy vọng một ngày nào đó mình sẽ nhận được phần thưởng giá trị lớn theo như hứa hẹn của đối tượng lạ. Đến khi không còn niềm tin nữa thì cũng không có cách nào liên hệ lại với họ.

Nhắn tin trúng thưởng qua Facebook

Người tiêu dùng nhận được thông báo trúng thưởng qua tin nhắn Messenger của Facebook với nội dung: “ Xin chúc mừng tài khoản messenger….. đã may mắn nhận được giải nhất/giải đặc biệt từ sự kiện Tuần lễ tri ân khách hàng,… Giải thưởng là 1 xe máy SHi, 100-200 triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà giá trị khác…”. Nhằm tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn còn thông báo đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị người nhận không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai.

Để nhận được giải thưởng như thông báo thì người nhận cần làm hồ sơ theo hướng dẫn trong đó bao gồm đầy đủ thông tin của người nhận để hoàn tất thủ tục nhận giải thưởng. Nhiều người tiêu dùng khá cảnh giác nên cũng thử liên hệ với số điện thoại được cung cấp trên tin nhắn, nhưng sau khi nghe xong cuộc gọi lại hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, làm thủ tục chuyển tiền cho đối tượng lạ. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì người tiêu dùng sẽ không thể nào liên hệ được với số điện thoại này nữa và tài khoản thông báo trúng thưởng kia cũng chặn luôn Facebook của người tiêu dùng.

Nhằm tránh sa bẫy của những đối tượng lừa đảo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, cảnh giác với những thông tin mà đối tượng lạ cung cấp. Yêu cầu đối tượng đó cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (đối với đối tượng là cá nhân); tên công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (đối với đối tượng là doanh nghiệp). Sau đó người tiêu dùng cần tìm hiểu và xác minh thông tin của đối tượng đó thông qua các nguồn thông tin khác.

Bất kể là trúng thưởng trong một chương trình nào đó thì người tiêu dùng cũng phải là người đăng ký tham gia các chương trình quay thưởng/bốc thăm trúng thưởng đó. Không có việc doanh nghiệp tự lựa chọn khách hàng rồi quay thưởng và trao thưởng khi không có thông báo trước cho người tiêu dùng. Rất ít trường hợp các doanh nghiệp lớn công bố trúng thưởng thông qua hình thức gửi tin nhắn trên Facebook.

Trong trường hợp nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người tiêu dùng cần cảnh giác, khôn khéo yêu cầu đối tượng cung cấp thêm thông tin, sau đó làm đơn trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời. Người tiêu dùng nên thường xuyên cập nhật thông tin thời sự để không bị sa bẫy của những đối tượng lừa đảo này.

Người tiêu dùng cũng có thể liên hệ đến Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.

Hầu hết những hình thức lừa đảo này đều đánh vào lòng tham của người tiêu dùng đối với số tiền thưởng lớn hoặc sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng khi nghe giải thưởng do các công ty lớn trao như Thế giới Samsung, Thế giới di động, Siêu thị Điện máy hay giải thưởng được cấp phép hoặc gắn mác các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Đài truyền hình TPHCM,… Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

 

Phát hiện hai 'ổ" lừa đảo trực tuyến mạo danh ngân hàng, ví điện tử

Để xử lý tận gốc 'đầu tư online' lừa đảo...

Lừa đảo FinTech: khi lòng tham lấn át lý trí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới