(KTSG) - Một startup tại Thảo Điền, quận 2, TPHCM tự thiết kế và sản xuất những cánh tay “người máy”, nối dài niềm hy vọng làm việc và góp ích cho xã hội của hàng chục triệu người bị đoạn chi tại Việt Nam và trên thế giới. Hai nhà đồng sáng lập của Vulcan Augmetics nói rằng không chỉ có cánh tay robot, họ sẽ mang những sản phẩm công nghệ đeo tay, chăm sóc từ xa, công nghệ thực tế ảo... từ Thảo Điền đến với thị trường thế giới.
- Robot đang dần trở thành cánh tay đắc lực cho y bác sĩ trong phẫu thuật ung thư
- Robot giao hàng tạo làn sóng mới cho kinh tế Hàn Quốc
Năm 2019, Hoàng Văn Dũng bị mất cánh tay phải sau một vụ nổ tại nơi làm việc ở Thái Nguyên. Hai năm sau, Dũng tìm đến Vulcan Augmetics (V.A), trở thành một trong những người sử dụng sản phẩm sớm nhất và cũng là gương mặt thương hiệu của V.A. Hành trình hồi phục của Dũng gắn liền với các trải nghiệm sản phẩm V.A. Ngày nay, chàng trai 30 tuổi trở thành một huấn luyện viên thể hình đầy lạc quan và yêu đời. Kênh TikTok cá nhân Dũng Một Tay (ID:@dungmottay) của anh có hơn 260.000 người theo dõi, chia sẻ các clip ngắn và hài hước về cuộc sống.
Trong một clip, Dũng thể hiện khả năng chống đẩy với cánh tay robot. Hoặc trong một clip khác, Dũng chơi với ba đứa trẻ, bọn nhỏ tranh giành đu trên hai tay và đeo cổ chàng trai. Có clip Dũng kể những trải nghiệm của mình với cánh tay robot đạt trên bốn triệu lượt xem.
Duyên gặp gỡ của hai nhà sáng lập
V.A ban đầu là một venture builder, giống như một lồng ấp khởi nghiệp cho nhiều dự án nhỏ. Một trong những dự án đó có tên là Iron Man (Người Sắt), chuyên sản xuất cánh tay robot cho người khuyết tật. Lúc đó, startup gồm Rafael Masters - nhà sáng lập quốc tịch Anh, Akshay Sharma - phụ trách công nghệ người Ấn Độ, hai kỹ sư và một freelancer.
Năm 2018, Masters bỏ công việc giảng dạy ở trường Đại học RMIT tại TPHCM để dồn sức cho V.A. Cũng năm 2018, Trịnh Khánh Hạ, cô gái quê gốc Phú Yên, từng du học ở Anh, từ bỏ startup riêng là Boss Lady để gia nhập V.A. Năm 2021, V.A đăng ký là doanh nghiệp xã hội, Sharma rời V.A và Hạ trở thành nhà đồng sáng lập, giám đốc dự án, bên cạnh nhà sáng lập, CEO Masters.
Vulcan là tên vị thần lửa trong thần thoại La Mã. Lúc mới sinh, Vulcan đã bị khuyết tật, vì thế bị cha mẹ chối bỏ và đẩy xuống biển. Không khuất phục trước số phận, ông tự rèn vũ khí cho riêng mình và lập quân đội riêng, đánh bại các vị thần khác. “Tinh thần Vulcan là không chấp nhận số phận, cuộc sống không may mắn”, Hạ nói. Cô giải thích thêm, Augmetics được tạo từ cụm từ “augmentation” nghĩa là nâng cấp, làm cho tốt hơn và “prothetics” tức tay chân giả.
Masters mô tả về công việc của startup của mình: “Chúng tôi làm deeptech, phần cứng và phần mềm, ngay tại Thảo Điền”.
Cánh tay robot hiện là sản phẩm chính của V.A, gồm ba thành phần: cánh tay robot, cảm biến và ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Cánh tay robot cho phép người dùng thực hiện nhiều cử động phức tạp, bao gồm cả việc lái xe máy. Cảm biến chịu trách nhiệm điều khiển cánh tay, thu thập dữ liệu về chuyển động cơ của người dùng cho ứng dụng. Cánh tay có thiết kế module, cho phép lắp ráp và điều chỉnh các bộ phận khác nhau.
Công ty đã dành khoảng ba năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Khi có đủ tư cách pháp nhân, V.A bắt đầu chuyển sang giai đoạn thương mại hóa từ năm 2021. Masters tập trung phát triển công nghệ. Hạ chuyển sang phát triển kinh doanh. Đội ngũ của Hạ gồm 13 nhân viên toàn thời và tám bán thời gian. Cô gái Việt phải tự mình kết nối với các bác sĩ, trung tâm phẫu thuật chỉnh hình.
“Sản phẩm của chúng tôi phải y như tay thật dành cho những người đã mất tay. Vì vậy, kỳ vọng vào sản phẩm thực sự rất cao”, Hạ giới thiệu về cánh tay robot của V.A.
Ra mắt đầu năm 2021, cánh tay robot của V.A ngay sau đó đã được phân phối tại 17 trung tâm, bệnh viện chỉnh hình khắp Việt Nam. Đối tượng khách hàng đầu tiên mà V.A nhắm tới là khoảng tám triệu người khuyết tật từ năm tuổi trở lên tại Việt Nam, trong đó 40% chưa có việc làm. Việt Nam có khoảng 500.000 người bị cụt tay do tai nạn lao động, bệnh mãn tính, bom mìn chưa nổ sau chiến tranh...
Đội ngũ V.A kết hợp cả in 3D và phương pháp truyền thống để sản xuất cánh tay robot. Thế mạnh của V.A là tập trung vào công nghệ cảm biến được tích hợp trong sản phẩm, cho phép cánh tay thông minh luôn học hỏi và thích ứng với từng chuyển động của người dùng, nâng cao hiệu quả theo thời gian. “Chúng tôi không xem in 3D là một phương pháp sản xuất có thể mở rộng. Bạn có thể mua một chiếc máy in, tải tập tin xuống và lắp ráp sản phẩm, nhưng bạn không thể nâng cao chức năng của tay”, Masters giải thích.
Hiện tại một cánh tay robot V.A có nhiều bộ phận và nhiều chất liệu khác nhau. Chẳng hạn, khung xương được làm bằng kim loại, bên ngoài có một lớp khung 3D, silicon, bộ điện tử... V.A tự thiết kế và sản xuất, nhưng 70% linh kiện là từ đối tác bên ngoài, V.A tự hoàn thiện khâu cuối, lắp ráp, thẩm định chất lượng và đóng gói. Với cơ sở tại Thảo Điền, V.A có thể sản xuất 20 cánh tay robot mỗi tháng.
Người sử dụng cần đến phòng lab để đặt riêng “ổ cắm” vốn liên quan đến phần giao diện kết nối giữa phần chi còn lại và cánh tay robot. Tuy nhiên, V.A đã tiết giảm thời gian này xuống chỉ còn 30 phút.
Vươn đến các thị trường xa hơn
Theo Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NHI), có gần 58 triệu người trên toàn thế giới bị cụt chân tay do tai nạn, chấn thương. Tỷ lệ bệnh nhân đoạn chi ở Đông Á và Nam Á là cao nhất thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam. Phần lớn những bệnh nhân ở các thị trường này không tìm được sự chăm sóc và bảo hiểm y tế thích hợp.
Các cánh tay nhựa mang tính thẩm mỹ, không động cơ điện của V.A có giá ngang sản phẩm ngoại. Giá cánh tay robot của V.A từ 18-70 triệu đồng, khá rẻ so với cánh tay robot của Trung Quốc, Đài Loan, Đức... có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Thậm chí, cánh tay robot cao cấp của Tập đoàn Ottobock, Đức, có giá lên đến 50.000 đô la Mỹ.
V.A hiện bán trực tiếp cho người dùng tại Việt Nam. V.A đang đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý Ấn Độ. Tại Singapore, công ty có chương trình thí điểm phối hợp với bệnh viện Tan Tock Seng. Công ty cũng đang khám phá các cơ hội bán hàng ở Trung Đông.
Người tiêu dùng ở các nước như Việt Nam và Ấn Độ thường gặp thách thức trong việc theo đuổi các sản phẩm giá cao. Tuy vậy, CEO Masters nhấn mạnh rằng người bị đoạn chi thường gắn bó với chỉ một thương hiệu chân tay giả để thay thế và nâng cấp phụ kiện trong thời gian dài. “Giá trị của sự “trọn đời” ở ngành này cao hơn đáng kể so với nhiều ngành khác”, Masters nói.
V.A đang xin cấp giấy chứng nhận “Conformité Européene” (chứng nhận CE) để có thể lưu hành trên thị trường Liên minh châu Âu (EU), cũng như giấy phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để phân phối ở thị trường này. Hai giấy phép này sẽ nâng cao khả năng bán hàng của V.A, nhất là các hợp đồng chính phủ. V.A kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận trong quí đầu năm 2024.
Nhắm đến các thị trường công nghệ mới
CEO Masters nói rằng sản phẩm của V.A thu thập “dữ liệu sinh trắc học độc đáo với mật độ lớn hơn bất kỳ sản phẩm nào khác trên thế giới”. Ông cũng nói thêm V.A có kế hoạch tận dụng dữ liệu này để triển khai trong các công nghệ thiết bị đeo.
“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về hệ thống điều khiển và cảm biến gắn trên cơ thể, có thể áp dụng cho mọi thiết bị đeo được. Điều này bao gồm các ứng dụng công nghiệp như bộ quần áo ngoài tại các nhà máy độc hại hay công nghệ cao, thiết bị chăm sóc y tế từ xa, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong thương mại.
V.A dự kiến triển khai các cảm biến vào các hệ sinh thái lớn hơn, bắt đầu với việc chăm sóc từ xa và theo dõi lâm sàng từ quí 3-2025. Công ty cũng đặt mục tiêu bán dữ liệu AR và VR vào năm 2026.
V.A cũng đặt ra mục tiêu đưa công nghệ mới tiếp cận người dùng với giá phải chăng hơn.
Nhưng một dự án như V.A rất khó thu hút vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, theo lời CEO Masters. Năm 2021, mức định giá của V.A là 100 tỉ đồng. Nhưng trong chương trình Shark Tank Vietnam mùa bốn năm đó, một “cá mập” đã ra giá 5 tỉ đồng đổi lấy 25% cổ phần của công ty, cộng thêm phần cổ phần trả cho công lao tư vấn của “cá mập” này. Cái lắc đầu khi đó của hai nhà sáng lập đã giúp họ dấn thân xa hơn, giúp định giá đầu năm 2023 của V.A lên 6,5 triệu đô la.
Masters cho biết tháng 10-2023, V.A đã huy động được vòng hạt giống từ Quest Ventures, nhưng từ chối cho biết giá trị của phần vốn góp này.
Năm 2021 khi lên Shark Tank Vietnam gọi vốn, V.A có 20 khách hàng. Đến hết năm 2022, V.A có 70 khách hàng. Chưa có con số chính xác của năm 2023, nhưng cả Masters và Hạ đều cho rằng kết quả năm qua là đáng khích lệ. Ngoài văn phòng ở Thảo Điền, hiện startup Việt này đã có chi nhánh ở Phnôm Pênh, Campuchia và đã có giám đốc phụ trách kinh doanh toàn cầu làm việc từ Thảo Điền.