Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cạnh tranh của Việt Nam nhìn từ xu hướng thực phẩm mới

Nguyễn Xuân Yến (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Người tiêu dùng ngày càng thể hiện sự quan tâm tới những giá trị mà một sản phẩm mang lại như tác động tích cực cho môi trường, cộng đồng và sức khỏe người dùng. Những vấn đề được thảo luận dần chuyển từ những lo âu nhỏ nhặt thành động lực to lớn thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ lẫn thương hiệu đa quốc gia phải nhanh chóng chọn hoặc điều chỉnh lời hứa thương hiệu và đặc tính sản phẩm theo mối bận tâm của khách hoặc sẽ bị lãng quên trong muôn vàn cạnh tranh của đối thủ và quy định ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.

Buổi chia sẻ về xu hướng thực phẩm tương lai và “Chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu, nhất là Gen Z về thực phẩm, sức khỏe và tính cá nhân hóa”.

Sự chuyển giao thế hệ người tiêu dùng

Trong kết quả khảo sát của Globescan về một “thế hệ khao khát sống”, 85% thế hệ trẻ (Millennials và Gen Z) sẵn sàng đối thoại và đóng góp ý kiến để giúp các thương hiệu lớn thay đổi chiến lược sản phẩm - kinh doanh - marketing - truyền thông theo chiều hướng bền vững hơn. Tới năm 2025, thế hệ Millennials đạt tới đỉnh phát triển mới trong sự nghiệp và tích lũy tài sản, đồng thời chiếm 75% lực lượng lao động toàn cầu. Hẳn ý kiến của họ phải đáng lắng nghe.

Millennials có hành vi tiêu dùng và hành trình mua sắm tích hợp giữa offline (trực tiếp) và online (trực tuyến), thậm chí là mua sắm trên không gian ảo metaverse, giữa mô hình thương mại truyền thống (chợ) và hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) lẫn thương mại điện tử. Đồng thời, Millennials cũng là thế hệ những phụ nữ làm mẹ trẻ tiên phong xây dựng sự nghiệp song song với vun đắp tổ ấm cá nhân. Còn nhóm GenZ tiếp thêm tinh thần tự kiến tạo tương lai của bản thân bằng những lựa chọn hành xử rất chủ quan thông qua những kênh tiếp thu thông tin riêng.

Thế hệ Gen X (45-60 tuổi) ngày nay năng động hơn thế hệ những người cùng độ tuổi trước đó (nay đã trở thành Boomers) vì đã tiếp cận nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong lương thực, thực phẩm chú trọng thành phần và dinh dưỡng, thể dục thể thao lộ trình được cá nhân hóa, giáo dục giải trí đầy sáng tạo…

Năm 2020, Công ty WGSN, từ một agency chuyên dự báo xu hướng ngành thời trang, làm đẹp, phong cách sống và nội thất, lần đầu tiên mở thêm một nền tảng dự báo xu hướng ngành thực phẩm và đồ uống. Việc ăn uống và trải nghiệm một cách toàn diện được nhìn nhận là một phần không thể thiếu để thể hiện phong cách sống của người dùng.

Xu hướng mới của ngành thực phẩm thế giới

Chia sẻ tại Hội chợ kết nối giao thương thực phẩm và đồ uống Thaifex Anuga 2023 lần thứ 4 mới đây, trong khuôn khổ Tradeshow trọng điểm “Trải nghiệm thực phẩm tương lai”, Innova Market Insights cập nhật dự báo xu hướng mới nhất về ngành CPG (hàng hóa tiêu dùng đóng gói). Các sản phẩm ngày nay được định nghĩa lại giá trị, chú trọng độ tươi ngon tốt cho sức khỏe và sản xuất bản địa, dinh dưỡng hợp túi tiền hơn.

Hội thảo về Kinh tế Xanh với đại diện DITP, Talad Thai, Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM, Thương vụ Việt Nam tại Thái.

Ngành thực phẩm sẽ chịu tác động từ thế hệ khách hàng mới, tận dụng trải nghiệm trên nền tảng số trong đời sống thật. Gen Z tiêu dùng hào sảng hơn, đặc biệt với những sản phẩm phiên bản mới, giới hạn…

Các sản phẩm không hoàn hảo về hình thức hoặc trải nghiệm nhưng đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng vẫn sẽ được ưa chuộng. Đặc biệt, dinh dưỡng từ thực vật đang được quan tâm. Doanh nghiệp có thể quan tâm tới việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng của dòng sản phẩm này như là một dòng riêng đặc trưng (không phải chỉ để thay thế thịt).

WGSN có một báo cáo rất hay về xu hướng của thực phẩm và đồ uống chức năng, nhấn mạnh ăn gì uống gì phải có lý lẽ riêng của nó. Theo WGSN, việc chăm sóc sức khỏe cần có tính phòng ngừa, theo đó, không chỉ đảm bảo ngon miệng, thức ăn phải đảm bảo không gây bệnh.

WGSN có một báo cáo rất hay về xu hướng của thực phẩm và đồ uống chức năng, nhấn mạnh ăn gì uống gì phải có lý lẽ riêng của nó. Theo WGSN, việc chăm sóc sức khỏe cần có tính phòng ngừa, theo đó, không chỉ đảm bảo ngon miệng, thức ăn phải đảm bảo không gây bệnh.

Trên bao bì, các phương tiện truyền thông, doanh nghiệp cần cho người tiêu dùng thấy tính năng của sản phẩm mình, ví dụ như “đã giảm độ mặn, độ ngọt”.

Trong tương lai, cá nhân hóa nguồn dinh dưỡng hấp thu là một xu hướng. Bên cạnh đó, sức khỏe hệ tiêu hóa và đường ruột cũng sẽ được quan tâm. Đây là vấn đề quan tâm thứ 2 của người tiêu dùng, đặc biệt là tại khu vực đô thị. Hợp khẩu vị vẫn là một yêu cầu quan trọng đối với thực phẩm, 80% người khảo sát cho biết đây là yếu tố khiến họ quay trở lại mua hàng.

Bao bì cũng đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống sản phẩm. Bao bì không chỉ phản ánh giá trị và bản sắc của thương hiệu, mà còn tạo sự tương tác và tạo dựng niềm tin từ phía người tiêu dùng. Việc sử dụng các công nghệ tương tác, như mã QR, mã vạch thông minh, hay bao bì có thể tái sử dụng tạo ra sự tương tác đáng nhớ và tạo giá trị gia tăng cho người tiêu dùng. Thiết kế bao bì thực phẩm ngày nay đặt nhiều tập trung vào việc truyền tải thông tin một cách rõ ràng và đáng tin cậy.

Để sản phẩm Việt Nam vươn mình

Còn nhớ Thaifex Anuga 2022 và Sial Paris 2022, cả hai hội chợ thương mại ngành lương thực, thực phẩm lớn nhất khu vực châu Á và châu Âu cùng trao giải Đổi mới Sáng tạo cho sản phẩm Bún dưa hấu Mr Rice của Công ty cổ phần Thực phẩm Duy Anh cho thấy thế giới chào đón những giải pháp đậm tính hội nhập kết hợp giữa nguyên liệu bản địa, tiêu chuẩn sản xuất khắt khe và có tính ứng biến vị nhân sinh.

Tại Thaifex Anuga năm nay, 160 doanh nghiệp Việt Nam tham dự hầu hết là các sản phẩm chế biến ở nhóm đồ uống, thực phẩm cao cấp, bánh kẹo và hải sản. Ông Nguyễn Thành Huy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan ghi nhận doanh nghiệp Việt Nam có sự chuyển đổi thành công từ việc bán xuất thô sang chế biến, mang ra thị trường những sản phẩm chạm đến nhu cầu thị hiếu người dùng.

Sau chuyến đi Thái Lan, đoàn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được các yêu cầu từ khách hàng, đặc biệt là khách hàng Ấn Độ. Sản phẩm Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh vì bàn ăn của người Việt vốn nổi tiếng ngon lành với nhiều vị thuốc tự nhiên. Người Việt xem ăn uống là một phương pháp chăm sóc sức khỏe, gìn giữ triết lý cộng đồng và kể chuyện truyền thống qua nhiều thế hệ.

Việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm từ tài nguyên bản địa của Việt Nam cần tiếp tục được đầu tư hình ảnh, nhận diện trực quan, thông điệp truyền tải, ngôn ngữ tiếp thị hiện đại, và quan trọng nhất là liên kết tạo sức mạnh hiệp lực với ngành du lịch - sáng tạo - logistics để giúp sản phẩm Việt Nam dễ dàng được đón nhận khi giao thương hay khi tiếp cận người tiêu dùng quốc tế.

(*) Phụ trách mảng Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới