Thứ Hai, 30/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc đặt ngành chip Hàn Quốc vào tâm thế khủng hoảng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Hàn Quốc Lee Jong-ho thừa nhận “cảm giác khủng hoảng” đang bao trùm ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc, khi quốc gia Đông Á này đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến chip toàn cầu.

Một nhà máy chip của Samsung ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc: Ảnh: Kedglobal

Các quan chức chính phủ và các lãnh đạo trong ngành chip Hàn Quốc đang ngày càng lo sợ rằng hoạt động sản xuất chip trong nước sẽ bị thu hẹp khi các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đổ xô đến Mỹ xây dựng nhà máy để tận dụng chính sách trợ cấp và ưu đãi thuế. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang bắt kịp Hàn Quốc nhanh chóng trong lĩnh vực chip nhớ nhờ nguồn trợ cấp hào phóng của nhà nước.

Trong cuộc trò chuyện với Financial Times, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ truyền thông thông tin Hàn Quốc Lee Jong-ho, đồng thời là một chuyên gia nổi tiếng về chất bán dẫn, cho biết một đạo luật mới được giới thiệu ra quốc hội Hàn Quốc vào tháng trước hứa hẹn giúp đặt nền tảng pháp lý để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nhhư Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và châu Âu.

Ông Lee nói: “Đạo luật mới nhằm phản ứng với cảm giác khủng hoảng về khả năng cạnh tranh của chúng tôi trên toàn cầu và hành động này là nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong chuỗi cung ứng và an ninh. Các công ty Hàn Quốc vốn chỉ nhận được lợi ích thuế tương đối nhỏ hơn từ chính phủ và thiếu nhân tài so với Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan, vì vậy, chúng tôi phải giải quyết các vấn đề về luật pháp”.

Washington đang sử dụng 52 tỉ đô la Mỹ được trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và khoa học để khuyến khích các nhà sản xuất chip trên thế giới mở rộng công suất của họ ở Mỹ. Tuy nhiên, đạo luật cũng bao gồm các điều khoản cấm các công ty chip nhận trợ cấp của chính phủ Mỹ mở rộng hoặc nâng cấp năng lực chip cao cấp của họ ở Trung Quốc trong 10 năm.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun nói rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc rất quan tâm đến các động thái thúc đẩy sản xuất chip ở Mỹ hiện nay.

Ông thừa nhận đã có bất đồng giữa Seoul và Washington về những hạn chế mà Mỹ áp đặt đối với việc chuyển giao năng lực sản xuất chip tiên tiến cho các cơ sở bán dẫn ở Trung Quốc.

Hàn Quốc vẫn là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới với Samsung và SK Hynix cùng nhau kiểm soát khoảng tổng cộng 70% thị trường chip DRAM và hơn 50% thị trường chip nhớ NAND flash trên toàn cầu.

Chip DRAM cho phép lưu trữ ngắn hạn đối với dữ liệu đồ họa, di động và sử dụng cho các máy chủ, trong khi chip NAND giúp lưu trữ các tệp và dữ liệu mà không cần nguồn điện.

Nhưng ưu thế công nghệ của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc so với đối thủ Micron Technology của Mỹ trong lĩnh vực chip DRAM đang bị thu hẹp. Trong khi đó, các nhà sản xuất chip Trung Quốc như YMTC đang mở rộng thị phần của họ trên thị trường chip NAND. Trong tháng này, Apple cho biết họ đang đánh giá nguồn cung ứng chip NAND từ YMTC để sử dụng trong một số iPhone bán ở Trung Quốc.

Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc, nói: “Cảm giác khủng hoảng và lo lắng về khả năng cạnh tranh của ngành chip chúng tôi đang lớn hơn bao giờ hết. Chúng tôi lo ngại vai trò của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị đe dọa khi các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đổ xô sang Mỹ”.

Theo James Lim, nhà phân tích ở quỹ phòng hộ Dalton Investments của Mỹ, khối lượng chip NAND mà YMTC cung cấp cho Apple sẽ chỉ ở mức nhỏ nhưng điều đó cho thấy Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng về mặt công nghệ và có thể áp đặt mối đe dọa đối với các nhà sản xuất chip Hàn Quốc.

Các lãnh đạo trong ngành chip Hàn Quốc mong muốn chính phủ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nhà sản xuất chip trong nước trong bối cảnh  Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều chạy đua đầu tư vào lĩnh vực này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đã nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp bán dẫn “quyết định số phận của nền kinh tế Hàn Quốc”, cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng đạo luật quan trọng nhằm củng cố ngành chip trong nước, hay còn gọi là đạo luật K-chip, vẫn đang chờ được thông qua tại Quốc hội.

Chính quyền của ông Yoon Suk-yeol, người nhậm chức vào tháng 5, đã tăng mức ưu đãi thuế và giảm các thủ tục hành chính rườm rà đối với các hãng chip trong nước. Seoul cũng dự định tài trợ kinh phí cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như các dự án cung cấp điện và nước cho các nhà máy sản xuất xuất chip.

Hàn Quốc muốn phát triển các “cụm chip lớn”, nơi tập hợp các công ty sản xuất và nghiên cứu phát triển chip, cũng như thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài đến Hàn Quốc.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân tài trong ngành chip, chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch đào tạo 150.000 người trong vòng 10 năm để thúc đẩy lực lượng lao động trong ngành bán dẫn.

Nhưng kế hoạch thiết lập các cụm chip bị cản trở bởi các vấn đề môi trường và các vấn đề liên quan đến giấy phép. Kế hoạch này cũng có khả năng vấp phải sự phản đối của các quan chức Mỹ, những người đang lo ngại rằng quá nhiều chip của thế giới được sản xuất tại các điểm nóng về địa chính trị trên khắp Đông Á.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng phần lớn hoạt động nghiên cứu và phát triển do các công ty Hàn Quốc thực hiện ở các công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo đều đang diễn ra ở Mỹ.

Burm Jin-wook, giáo sư kỹ thuật điện tử tại Đại học Sogang ở Seoul, nói: “Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đang lo họ có thể bị các đối thủ mới vượt mặt, giống như cách mà họ đã vượt qua các đối thủ khác trong quá khứ”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới