Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cao tốc Cần Thơ- Cà Mau chính thức được sử dụng cát biển đắp nền đường

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước bối cảnh nguồn cát sông thiếu hụt nghiêm trọng, việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển từ tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ- Cà Mau đã chính thức được phép triển khai. Đây là quyết định mới nhằm đảm bảo nguồn vật liệu đắp nền đường, giúp tuyến cao tốc này hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2025.

Đoạn thí điểm sử dụng cát biển thi công ĐT 978 qua tỉnh Bạc Liêu thuộc cao tốc Cần Thơ- Cà Mau. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cung cấp vào tối 28-6 cho biết, phạm vi thi công thí điểm mở rộng được lựa chọn là từ km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại km 126+223 thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Ngoài đoạn nêu trên của cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, cát biển còn được sử dụng thi công đoạn từ km 6+522 đến km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau thuộc địa bàn các huyện Thới  Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Được biết, ngày 29-6 nhà thầu thi công chính thức tổ chức khai thác cát biển tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng (khu vực B1.1 và B1.2). Dự kiến, đến ngày 1-7, cát biển từ tỉnh Sóc Trăng sẽ về đến công trường, thi công thí điểm đắp nền đường cho cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, theo Bộ Giao thông Vận tải.

Đối với việc khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại tỉnh Bến Tre hôm 24-6, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, về hồ sơ, quy trình thủ tục địa phương đã đầy đủ, nhưng chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp thuận giao khu vực biển là sẵn sàng khai thác.

Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chính thức ban hành Quyết định số 1746/QĐ-BTNMT về việc giao quyền sử dụng khu vực biển thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đơn vị thi công để khai thác cát biển, phục vụ dự án nêu trên.

Như vậy, việc khai thác chính thức diễn ra đúng như dự kiến trước đó mà Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã thông tin.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trước khi chính thức mở rộng thí điểm dùng cát biển đắp nền đường cho cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, các đơn vị có liên quan cũng đã thí điểm sử dụng cát biển thi công đoạn tuyến hoàn trả ĐT 978 (trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) thuộc tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau.

Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường; công tác thi công cát biển được thực hiện tương tự như cát sông. “Đến nay chưa thấy có biểu hiện tăng độ mặn đối với môi trường xung quanh, đủ điều kiện để mở rộng thi công thí điểm”, thông tin của Bộ Giao thông Vận tải viết.

Từ kết quả đó, Bộ Giao thông Vận tải chính thức cho thí điểm mở rộng sử dụng cát biển thi công đắp nền đường cao tốc Cần Thơ- Cà Mau như trên.

Được biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai thi công nhiều dự án cao tốc quan trọng, bao gồm cao tốc Cần Thơ- Cà Mau (gồm dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang- Cà Mau); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cao Lãnh- An Hữu.

Tổng như cầu cát sử dụng cho cao cao tốc Cần Thơ- Cà Mau là 18,5 triệu m3, nhưng chỉ mới xác định được nguồn 16 triệu m3, tức còn 2,5 triệu m3 vẫn chưa có nguồn cung.

Còn cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, tổng nhu cầu cát là 28,92 triệu m3, nhưng mới xác định được nguồn 18,41 triệu m3, tức còn thiếu hụt 10,51 triệu m3.

Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu, tổng nhu cầu cát là 3,25 triệu m3, nhưng chỉ mới xác định được nguồn 2,3 triệu m3, tức còn thiếu 0,95 triệu m3.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới