(KTSG Online) - Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) đã có tờ trình để thông qua phương án tạm dừng sản xuất niên vụ 2021-2022 tại nhà máy đường Phụng Hiệp. Nội dung này sẽ được Đại hội đồng cổ đông quyết định tại kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra vào ngày 8-9 tới.
Sản xuất sụt giảm, ngành mía đường ngày càng lao đao
Trong tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT CASUCO, cho biết ngoài việc trình Đại hội đồng cổ đông xem xét, thông qua việc tạm dừng một vụ sản xuất (niên vụ 2021-2022) tại nhà máy đường Phụng Hiệp, sẽ thông qua phương án sử dụng lao động do thay đổi cơ cấu tổ chức.
CASUCO cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua đề án xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu của công ty đạt tối thiểu 2.000 héc ta, tương đương 200.000 tấn mía. Sau khi đầu tư vùng nguyên liệu đạt sản lượng, cân đối hiệu quả, có lãi và đủ điều kiện sản xuất, thì giao HĐQT xem xét, quyết định tiếp tục đưa nhà máy vào hoạt động trở lại.
Trước đó, trong văn bản kiến nghị khẩn gửi đến ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT CASUCO, ông Phạm Quang Vinh, thành viên HĐQT CASUCO - là đại diện cho nhóm cổ đông ADC sở hữu trên 40% vốn điều lệ của công ty, cho biết CASUCO đã có trên 20 năm gắn bó với nông dân trồng mía tại Hậu Giang, với diện tích luôn cho sản lượng ổn định ở mức 1 triệu tấn/năm trong những năm trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, diện tích mía nguyên liệu giảm dần, trong đó, niên vụ 2021-2022 diện tích mía của toàn tỉnh Hậu Giang theo điều tra của CASUCO chỉ còn 1.163 héc ta, với sản lượng hơn 138.000 tấn (CASUCO ký hợp đồng đầu tư trực tiếp là 309 héc ta).
Theo ông Vinh, cách đây khoảng 3 tháng, tức vào tháng 5-2021, HĐQT của CASUCO đánh giá lượng mía còn ít, cộng với việc (nông dân) phải bán cho mía nước (ép nước mía) nên không đủ để sản xuất. Do đó, HĐQT có tính đến phương án cho nhà máy đường Phụng Hiệp tạm ngưng sản xuất niên vụ 2021-2022 và thống nhất xin ý kiến cổ đông bằng việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường trong tháng 6-2021 để thông qua, nhưng chưa được tổ chức.
Ông Vinh cho rằng, thời gian qua, do dịch Covid-19 kéo dài nên mía nước không bán được dẫn đến sản lượng mía nhà máy phải tiêu thụ cho nông dân sẽ cao hơn dự báo trước đó. Chính vì vậy, ông kiến nghị, chủ tịch HĐQT chỉ đạo tổng giám đốc thực hiện gấp việc bảo trì máy móc thiết bị và chuẩn các điều kiện để có thể sẵn sàng vào vụ sản xuất đường từ tháng 10-2021.
Theo ông Vinh, việc này là để người trồng mía có nơi tiêu thụ và tránh các tổn thất do ngập lũ, đồng thời, tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động, duy trì sản xuất đường, đóng góp cho địa phương và duy trì lợi ích cổ đồng. Đặc biệt, duy trì vùng mía nguyên liệu những năm tiếp theo.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, vào thời điểm đỉnh cao, diện tích sản xuất mía của riêng tỉnh Hậu Giang đã lên đến khoảng 15.000 héc ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới áp lực của đường nhập lậu, khiến giá mía nguyên liệu trong nước sụt giảm mạnh, người nông dân sản xuất không có lãi, buộc phải chuyển sang các loại cây trồng khác.