Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Casuco tính chuyện đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo một đại diện cổ đông lớn của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), có khả năng đơn vị này sẽ đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp. Đây là phương án được đưa ra trước tình hình kinh doanh thua lỗ của Casuco.

Số lượng mía cuối cùng được đưa vào nhà máy đường Phụng Hiệp ép hôm 27-12.

Trao đổi với KTSG Online vào hôm nay, 29-12, một đại diện cổ đông lớn của Công ty Casuco cho rằng việc đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp nhằm tránh lỗ mất vốn chủ sở hữu cũng như giúp nông dân sản xuất mía ở vùng trồng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long là huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chủ động trong sản xuất. “Công bố việc này để nông dân chủ động sản xuất, chứ trông chờ vào Casuco thì rủi ro lắm!”, ông nói.

Theo ông, Casuco kết thúc vụ mía 2022-2023 này với 6 kỷ lục, bao gồm thứ nhất, đầu tư mía cao nhất, nhưng thu mua thấp nhất.

Theo đó, vụ mía này, Casuco ký hợp đồng đầu tư trực tiếp cao nhất từ trước đến nay với diện tích trên 832 héc ta, sản lượng khoảng 89.870 tấn, tuy nhiên, chỉ thu mua được khoảng 16% tổng số mía đã đầu tư (số mía đầu tư còn lại người dân đã bán cho các đầu mối khác, chứ không bán cho Casuco).

Kỷ lục thứ hai, đó là liên tục thay đổi kế hoạch sản xuất, mà cụ thể ngày 4-11-2022, HĐQT họp thì Ban điều hành xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng mía ép niên vụ 2022-2023 là 80.000 tấn, tuy nhiên, đến ngày 14-11-2022, chỉ còn 68.000 tấn.

Đến ngày 31-11-2022, Chủ tịch HĐQT Casuco có văn bản xin ý kiến HĐQT điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh giảm xuống còn 30.000 tấn. Vào ngày 14-12-2022, Chủ tịch HĐQT Casuco ký tờ trình số 04/TTr- HĐQT/2022 để trình tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 14-12-2022 để xin đại hội đồng cổ đông phê duyệt kế hoạch này (30.000 tấn), nhưng kỳ họp đã bị hoãn.

Kỷ lục thứ ba, là thời gian chờ mía dài, nhưng thời gian ép ngắn, mà cụ thể, trong các lần huy động mía về nhà máy để ép, có thời điểm chờ đến 20 ngày, nhưng chỉ đủ mía cho nhà máy ép 2 ngày; có lúc chờ 10 ngày đủ ép 2 ngày và thời điểm chờ 13 ngày nhưng chỉ đủ mía ép 1 ngày.

Một kỷ lục khác theo vị đại diện này là thay đổi liên tục về chính sách thu mua mía, trong đó, ngày 4-11-2022, Casuco thông báo mua mía theo chữ đường (CCS) với giá 1.300 đồng/kg đối với mía đạt 10 CCS (và tăng 100 đồng/1 CCS). Tuy nhiên, đến ngày 12-11-2022, đơn vị này điều chỉnh giá bằng cách hỗ trợ thêm 30 đồng/kg đối với 6.000 tấn mía đầu tiên.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 21-11-2022, Casuco tăng giá mua mía lên 1.380 đồng/kg đối với trường hợp mua theo CCS và có chính sách mua mía xô với giá 1.350 đồng/kg (không trừ tạp chất).

Kỷ lục thứ năm là sản lượng mía ép thấp nhất, chỉ đạt 14.550 tấn, trong khi mức thấp nhất của niên vụ trước đó (2021-2022) là 70.622 tấn và cao nhất vào niên vụ 2017-2018 lên đến 950.215 tấn.

Kỷ lục cuối cùng Casuco ghi nhận, đó là sau 17 năm cổ phần hoá (năm 2005) với gần 20 lần tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thì kỳ họp thường niên năm 2022 được tổ chức ngày 14-12 vừa qua đã phải đình lại.

Với những diễn biến con số kỷ lục như nêu trên, vị đại diện này cho rằng khả năng sẽ phải đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp và tính đến phương án giải thể doanh nghiệp. Đây là phương án được tính đến để tránh lỗ mất vốn của đơn vị này cũng như giúp nông dân tránh gặp các rủi ro như đã nêu ở trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới