(KTSG Online) – Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẳng định nguồn cát hoàn toàn có khả năng đáp ứng đúng tiến độ cho các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi có trữ lượng lớn gấp 2,2 lần so với nhu cầu. Trong khi đó, thời gian qua, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt cát là rất lớn...
Khu vực ĐBSCL có bốn dự án giao thông trọng điểm theo danh mục các dự án trọng điểm của ngành giao thông và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ lần thứ 7 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng; Cao Lãnh- An Hữu và Mỹ An- Cao Lãnh với chiều dài 355 km, tổng vốn đầu tư 82.871 tỉ đồng.
Theo đó, để thực hiện các dự án nêu trên, tổng nhu cầu đá các loại khoảng là 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3 và cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3.
Trữ lượng cát gấp 2,2 lần nhu cầu cao tốc?
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với các địa phương vùng ĐBSCL về nguồn cát phục vụ cho các dự án cao tốc diễn ra vào chiều nay, 5-9, ở thành phố Cần Thơ, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng cho nhu cầu theo tiến độ các dự án nêu trên.
Đối với cát đắp nền đường, dù hiện nay việc cấp cho một số dự án còn chậm, nhưng đã được các địa phương trong vùng cân đối cơ bản đủ số lượng nhu cầu cho các dự án nêu trên.
Ngoài tỉnh An Giang chưa có phương án cung cấp khoảng 3,7 triệu m3 cho dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau trong năm 2024, thì các địa phương còn lại là Đồng Tháp, Vĩnh Long đã thống nhất và có phương án cung cấp đủ cát đắp nền đường cho dự án này.
Trong khi đó, với 3 dự án còn lại, gồm Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng; Cao Lãnh- An Hữu và Mỹ An- Cao Lãnh, các địa phương cũng đã có phương án cung cấp cơ bản đủ số lượng cát cho nhu cầu.
Chẳng hạn, với dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu, có tổng nhu cầu cát 3,58 triệu m3 (năm 2023 cần 0,7 triệu m3 và năm 2024 là 2,88 triệu m3), thì tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp- hai địa phương có dự án đi qua- đã thống nhất đủ nguồn cát cho dự án.
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, với 60 dự án khai thác cát đã cấp phép, thì tổng trữ lượng cát là khoảng 80 triệu m3, trong đó, có 63 triệu m3 cát san lấp và 17 triệu m3 cát xây dựng. Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng đã cấp tiếp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng.
“Như vậy, chúng ta có khoảng 120 triệu m3 cát (lớn gấp 2,2 lần nhu cầu cát của 4 dự án nêu trên- PV), trong đó, có 20 triệu cát xây dựng và khoảng 100 triệu m3 cát san lấp”, ông Kiên nhấn mạnh và khẳng định, cát ở ĐBSCL nếu khai thác, điều phối “hợp lý” thì hoàn toàn có thể cung cấp đủ cho tiến độ dự án vì tổng nhu cầu chỉ 53,68 triệu m3.
Dù Bộ Tài nguyên và Môi trường rất “lạc quan” về trữ lượng cát, nhưng trao đổi với KTSG Online thời gian gần đây, nhiều chuyên gia trong vùng ĐBSCL “cảnh báo” khu vực này đang đối mặt với khả năng thiếu cát trầm trọng.
Trong khi đó, trong cuộc trao đổi gần đây với KTSG Online, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, số liệu của các mỏ cát hiện tại chỉ là số liệu... trên giấy. Bởi lẽ, trữ lượng cát được xác định trên cơ sở chủ mỏ khảo sát từ nhiều năm trước và Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương căn cứ vào đó để báo cáo UBND cấp tỉnh.
“Số liệu các tỉnh cộng lại thành tổng lượng cát rồi báo cáo, tôi cho rằng đây là dữ liệu trên giấy, còn trên thực tế có đúng trữ lượng đó hay không?”, ông Hiệp đặt vấn đề và gợi ý, nên chăng Chính phủ hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có chỉ đạo thực hiện thăm dò, khảo sát lòng sông để có số liệu chính thức.
Vẫn chờ đợi phương thức khả thi
“Trữ lượng (cát) có tại sao chưa làm?”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đặt câu hỏi và đề nghị, Chủ tịch UBND các địa phương có liên quan xác định rõ các vấn đề đang tồn tại cũng như điều gì đã cản trở quyết của lãnh đạo các địa phương. “Nói có, nhưng tôi có cảm giác thiếu toàn diện”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề được lãnh đạo chính phủ đặt ra, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có đánh giá tổng thể các mỏ cát trong vùng ĐBSCL, nhất là trên sông Tiền và sông Hậu vì đã rất lâu không có đánh giá chính thức nào, trong khi biến đổi khí hậu hiện nay thay đổi liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và an ninh chính trị. “Cần xác định rõ tác động như thế nào, trữ lượng khai thác còn bao nhiêu”, ông Nghĩa nói.
Địa phương đã chủ đồng đánh giá lại, nếu trữ lượng cát từ thượng nguồn về cách đây 5 năm trên 50%, thì cuối năm 2022 còn lại chỉ 33%. “Do đó, khai thác chỉ nạo sâu xuống thôi, nhưng nếu nạo sâu sẽ ảnh hưởng rất lớn và chúng tôi cũng chưa có đủ cơ sở để giải trình đối với người dân khi họ phản ứng về sạt lở”, ông Nghĩa phân tích.
Đề cập đến câu chuyện khai thác cát để đáp ứng nhu cầu các dự án, ông Nghĩa cho biết vấn đề này địa phương đang lúng túng. Bởi lẽ, quy trình trước đây là đấu thầu để chọn ra đơn vị đủ năng lực được quyền khai thác, trong khi hiện tại phương thức áp dụng lại là giao trực tiếp cho nhà thầu. "Thế nhưng, hiện tại nhà thầu phải nhờ sự hỗ trợ từ địa phương thông qua doanh nghiệp có kinh nghiệm để khai thác cát phục vụ cho dự án", ông cho biết.
Tại buổi làm việc, các địa phương nêu ra nỗi băn khoăn về việc “thông qua” doanh nghiệp khai thác giao cho nhà thầu để cung cấp cho các dự án cao tốc có sai so với chỉ đạo của trung ương hay không. “Liên quan đến việc này, cũng mong phó thủ tướng (Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - PV) cho ý kiến để sớm tháo gỡ”, ông Nghĩa nói.
Ông Tiến của Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cũng cho biết việc triển khai thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án còn chậm.
Liên quan đến vấn đề đặt ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án.
Tuy nhiên, nếu nhà thầu đầu tư máy móc, con người..., làm chi phí gia tăng hoặc có khó khăn, thì hoàn toàn có thể thông qua địa phương giới thiệu doanh nghiệp am hiểu địa bàn, có năng lực và thiết bị để khai thác cung cấp cho dự án. “Nhà thầu phải có trách nhiệm giám sát để toàn bộ cát được giao cho công trình đó”, ông nhấn mạnh.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đáp ứng kịp thời nguồn cát nhằm hoàn thành đắp nền đường các dự án có liên quan, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, các địa phương gồm An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp sớm bố trí bổ sung các mỏ đang khai thác để thay thế các mỏ đã tạm dừng; hoàn thiện, bồ sung các thủ tục liên quan…, để các nhà thầu sớm có thể khai thác cát phục vụ cho các dự án.